Cảnh giác với nạn lừa đảo "chạy việc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lợi dụng tâm lý muốn có việc làm ổn định trong các cơ quan nhà nước của nhiều người dân, một số đối tượng tiếp cận các gia đình, tự giới thiệu mình có chức vụ, quyền hạn, quen biết rộng, có khả năng xin việc làm, thuyết phục họ đưa tiền để “chạy việc” rồi cao chạy xa bay.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai hiện đang tạm giam đối tượng Vương Thế Hùng (SN 1982, trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) để tiếp tục củng cố chứng cứ, truy tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hùng vốn là một công chức nhà nước, bị kỷ luật cho thôi việc từ năm 2011. Thế nhưng, với vẻ ngoài trí thức, lịch lãm cộng với khiếu ăn nói, Hùng đã khiến nhiều người tin rằng y là một người có chức vụ, quyền hạn, có khả năng xin việc vào các cơ quan nhà nước mà không cần qua thi tuyển hoặc có thể xin cấp các loại giấy phép hành chính. Từ năm 2014 đến năm 2017, đã có 6 cá nhân giao cho Hùng tổng số tiền hơn 1,35 tỷ đồng để nhờ y xin việc làm, xin giấy phép. Nhưng thực tế, sau khi nhận tiền, Hùng chiếm đoạt và sử dụng hết vào mục đích cá nhân. Khi nạn nhân đòi tiền, Hùng tỏ thái độ chây ì, hứa hẹn nhiều lần hoặc trả một số tiền rất ít, số còn lại thì thỏa thuận viết giấy hẹn trả dần nhằm mục đích trì hoãn, biến sự việc thành giao dịch dân sự.
 Sau khi bị mất tiền vì tin vào chiêu bài “chạy việc”, anh Lê Tiến Sỹ (bìa trái) tích cực phối hợp với cơ quan Công an tuyên truyền người dân cảnh giác  với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: T.T
Sau khi bị mất tiền vì tin vào chiêu bài “chạy việc”, anh Lê Tiến Sỹ (bìa trái) tích cực phối hợp với cơ quan Công an tuyên truyền người dân cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: T.T
Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh, đến nay, Hùng chỉ mới khắc phục số tiền 353 triệu đồng, số tiền còn lại là 998 triệu đồng vẫn chưa được Hùng trả lại cho các bị hại. Mặc dù vậy, trong quá trình điều tra, Hùng khai báo quanh co, gian dối nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự. Được biết, hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tìm ra những bằng chứng xác thực để truy tố đối tượng trước pháp luật.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đất hoạt động, đồng thời cũng gây nhiều trở ngại cho lực lượng Công an trong quá trình điều tra là bị hại thường dễ dàng tin tưởng vào lời nói từ một phía của đối tượng, thậm chí nhiều người chưa hề quen biết người mình định nhờ xin việc là ai, chỉ nghe qua lời kể của người khác đã sẵn sàng đưa ngay một số tiền lớn cho đối tượng. Đại úy Nguyễn Minh Tuấn-Điều tra viên, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh-cho biết: “Có người tin tưởng đến mức đưa tiền cho đối tượng mà không viết bất cứ giấy tờ gì, Cơ quan Điều tra phải tiến hành các biện pháp điều tra, sử dụng chứng cứ khác để buộc tội đối tượng. Số tiền chiếm đoạt lớn, nhưng vì các đối tượng sử dụng tiêu xài, ăn chơi hết dẫn đến công tác thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Cá biệt, có trường hợp sau khi sự việc bị phát hiện, các bị can thỏa thuận với bị hại trả tiền, biến giao dịch thành dân sự, người bị hại lại mong muốn nhận tiền nên đồng ý chấp nhận không tố cáo đối tượng trước pháp luật”.
Cũng vì tin chiêu bài “xin việc làm” của đối tượng Vũ Thị Thanh (SN 1973, trú tại tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku, hiện đang chấp hành án phạt 16 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), anh Lê Tiến Sỹ (trú tại tổ 12, phường Yên Thế, TP. Pleiku) từng mất trắng 70 triệu đồng. Sau khi Thanh bị bắt, anh Sỹ tích cực phối hợp với lực lượng Công an làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng, đồng thời tuyên truyền mọi người xung quanh cần nhận thức rõ các thủ đoạn phạm tội để tránh bị mắc lừa. Theo anh Sỹ, khi phát hiện dấu hiệu phạm tội, người dân nên báo ngay với cơ quan chức năng. Từng là nạn nhân của nạn lừa đảo chạy việc, anh Sỹ cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về việc làm của con cái. “Bất kể là ai nhưng khi phát hiện mình đã bị lừa thì đều nên tố giác tội phạm. Nếu bị lừa mà không nói nghĩa là chúng ta đang dung túng, che đậy cho các đối tượng này”-anh Sỹ khẳng định.
Mặc dù đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến nạn lừa đảo “chạy việc” và cơ quan Công an liên tục đưa ra những cảnh báo đối với người dân về thủ đoạn của loại tội phạm này, nhưng đâu đó, hình thức lừa đảo này vẫn đang âm thầm diễn ra. Hiện nay, công tác tuyển sinh, tuyển dụng tại các cơ quan nhà nước được tiến hành một cách công khai, minh bạch trên các Cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan và các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết nghĩ, người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần tìm hiểu kỹ qua các kênh thông tin chính thống, không để mắc mưu các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.