Ngăn chặn nạn bạo hành bệnh viện: Cần kết hợp nhiều giải pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vấn nạn bạo hành trong bệnh viện đang “nóng” trở lại khiến các bác sĩ và nhân viên y tế lo lắng, bất an. Không chỉ bị bạo hành thân thể, họ còn bị bạo hành nặng nề về tinh thần. Trước thực trạng này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế tại đơn vị.

Gần đây nhất, rạng sáng 3-4, một người đàn ông ngà ngà say đưa con gái 20 tuổi bị đau bụng đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Tại đây, bác sĩ đã tiến hành thăm khám cho con gái ông, đồng thời cử một điều dưỡng đến làm hồ sơ bệnh án. Cho rằng bác sĩ không tập trung chuyên môn mà cứ rườm rà về mặt thủ tục, người đàn ông sẵn có hơi men đã chửi bới và cầm cả ghế nhựa lao theo điều dưỡng để hành hung. Rất may, 2 nhân viên bảo vệ đã kịp thời có mặt để can ngăn. Nhưng được một lúc, ông này vùng thoát và lao vào đập phá máy đo điện tim rồi đến trước phòng trực của Khoa Cấp cứu chửi bới, văng tục suốt cả tiếng đồng hồ...

 

Bác sĩ luôn nỗ lực hết mình cứu chữa cho người bệnh.                  Ảnh: N.Y
Bác sĩ luôn nỗ lực hết mình cứu chữa cho người bệnh. Ảnh: N.Y

Sau khi vụ việc xảy ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thông báo cho ngành chức năng vào cuộc để điều tra, xử lý. Gia đình người đàn ông này cũng đã đến bệnh viện để xin lỗi, bồi thường thiệt hại. Dù vậy, những ảnh hưởng về mặt tâm lý đối với các bác sĩ, nhân viên y tế trong ca trực đó khó lòng được giải tỏa. Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Khi vào cấp cứu, bệnh nhân ai cũng muốn mình là số một. Nhưng với chuyên môn, kinh nghiệm của bác sĩ, chúng tôi biết đâu là ca bệnh cần ưu tiên cấp cứu trước. Có những ca tuy bề ngoài không chảy máu, không có biểu hiện nguy hiểm nhưng đấy lại là những ca nặng cần ưu tiên xử lý để bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Nhưng nhiều người không hiểu, bức xúc vì sao người nhà họ vào trước mà lại không được cấp cứu trước. Những tình huống này nếu không giải thích kịp thời, thấu đáo thì sẽ xảy ra chuyện ngay”.

Theo bác sĩ Dương Thái Thuấn, Khoa Cấp cứu luôn ở “đầu sóng ngọn gió”, hết sức áp lực, công việc nhiều, căng thẳng. Trung bình mỗi ngày số ca nhập viện cấp cứu tại đây lên đến 100-140 ca. “Đã khoác lên mình chiếc áo blu thì chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, nỗ lực hết mình cứu chữa người bệnh. Tôi cũng luôn quán triệt nhân viên có thái độ cư xử đúng mực, hòa nhã. Người ta nóng thì mình nguội, họ không rõ thì mình giải thích. Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu chữa người bệnh, không ai muốn điều xấu xảy ra. Bác sĩ cũng là con người, cũng có gia đình và cảm xúc, nếu xảy ra chuyện thì ai lo cho gia đình họ? Ngày nào cũng nơm nớp lo bị bạo hành thì làm sao chúng tôi tập trung chuyên môn. Mong mọi người có cái nhìn đúng đắn, cư xử chuẩn mực để chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ nhân viên y tế”-bác sĩ Thuấn mong mỏi.

Đề cập vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo hành tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Đăng Bảo-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhận định: Vấn nạn bạo hành y tế đang hết sức “nóng” và có xu hướng lan rộng. Từ đầu năm tới nay, cả nước đã có hàng chục vụ gây rối, làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện, thậm chí tấn công, đe dọa tính mạng thầy thuốc. Vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 3-4 vừa qua là một ví dụ. Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe bác sĩ, nhân viên y tế, Ban Giám đốc đã chỉ đạo và triển khai cách ly người nhà sau khi đã hoàn tất thủ tục hành chính; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng an ninh như: lắp đặt hệ thống camera, chuông báo động trong các tình huống khẩn cấp, tạo “lối thoát hiểm” cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó là tăng cường đội ngũ bảo vệ, trang bị công cụ hỗ trợ để đủ sức trấn áp các vụ gây rối, hành hung trong bệnh viện. Bệnh viện cũng đã hợp đồng và thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho bệnh viện.

“Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng tập huấn cho nhân viên y tế các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý người bệnh, gia đình người bệnh để ứng xử phù hợp. Nghề y thầm lặng nhưng lại rất nhạy cảm. Khi một rủi ro không mong muốn xảy ra, cả bác sĩ và người bệnh đều là nạn nhân. Vì vậy, rất cần xã hội cảm thông, chia sẻ, không nên có suy nghĩ lệch lạc về nghề y dẫn đến những hành vi bạo lực không thể chấp nhận được như đã xảy ra trong thời gian qua”-bác sĩ Nguyễn Đăng Bảo nêu ý kiến.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm