Truy tố bị can Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 6.300tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 12-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín khoản tiền hơn 6.362 tỉ đồng. 
Bị can Hứa Thị Phấn
Bị can Hứa Thị Phấn
Ngày 12-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ, đề nghị Viện KSND truy tố 28 bị can trong đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Tín.  
Trong số này, bị can Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ; Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Đại Tín; Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ bị truy tố cùng về hai tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can Lâm Kim Dũng, nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang bị đề nghị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 24 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Theo kết luận điều tra, từ tháng 6-2010, vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín là 3.000 tỉ đồng, vốn pháp định là 1.000 tỉ đồng. Bị can Hứa Thị Phấn cùng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người thân đứng tên giúp (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín tương đương hơn 2.500 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ và giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này. Lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, bị can Hứa Thị Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vi phạm nhiều quy định để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó thông qua 5 hành vi gồm: Nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng; Hạch toán, thu khống để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỉ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỉ đồng; chỉ đạo ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỉ đồng và nâng khống 25 bất động sản khác bán cho ngân hàng Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.024 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đế thực trạng tình hình tài chính ngân hàng Đại Tín rất xấu và bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém).
Kết luận điều tra nêu rõ, Hứa Thị Phấn đã thông qua công ty riêng của mình và những người thân hoặc nhân viên dưới quyền đứng mua 26 bất động sản với tổng giá trị gần 3.590 tỉ đồng bằng 119% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín để rút ruột và chiếm đoạt tiền của ngân hàng này…
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Hứa Thị Phấn đã thông qua Bùi Thị Kim Loan chỉ đạo một số cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang thuộc phòng kế toán và phòng ngân quỹ thực hiện việc thu-chi khống không dùng tiền mặt, khi khách hàng phần lớn không đến ngân hàng thực hiện giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống Smartbank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục, giúp bị can Phấn thu khống, sử dụng bất hợp pháp số tiền hơn 5.256 tỉ đồng. Bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã lợi dụng vào nhu cầu vay vốn của Công ty Phương Trang để buộc doanh nghiệp này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt; không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay của công ty Phương Trang để đẩy dư nợ khống cho công ty này thông qua các khoản vay với tổng số tiền hơn 5.256 tỉ đồng. Đến ngày 15.11.2017, Công ty Phương Trang gồm 13 công ty và 13 cá nhân còn dư nợ gốc 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu là hơn 9.402 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp này chỉ thừa nhận thực nhận hơn 3.936 tỉ đồng và chỉ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho ngân hàng. Bởi vậy ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) không thu hồi được tổng dư nợ vay của công ty Phương Trang gây thiệt hại cho ngân hàng này là hơn 5.465 tỉ đồng.
Hành vi sai phạm của bị can Phấn đã cấu thành tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với sự giúp sức của các bị can trong vụ án là người thân, cán bộ ngân hàng… Theo kết luận Cơ quan điều tra Bộ Công an, hành vi của bị can Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng Đại Tín hơn 6.362 tỉ đồng chưa tính khoản 5.643 tỉ đồng thiệt hại cho 3 hành vi khác của bị can Phấn được tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án.
Thái Sơn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm