"Nóng" tình trạng phá rừng làm rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều vạt rừng cây chết khô, bên dưới tán cây này là những rẫy cà phê xanh tốt đang cho từng chùm quả bói hay rẫy mì chuẩn bị thu hoạch. Đó là hình ảnh hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây rừng bị người dân “ám sát” để lấy đất làm rẫy trải dài dọc theo tuyến đường đi từ UBND xã Đak Roong đến giáp với địa phận xã Kon Pne (huyện Kbang).
 Phá rừng làm nương rẫy
Tình trạng người dân “ám sát” cây rừng để lấy đất làm nương rẫy chủ yếu diễn ra ở các làng Kon Trang 1, Kon Bông, nghiêm trọng hơn là ở làng Kon Lốk 1, Kon Lốk 2. Đi dọc theo tuyến đường từ UBND xã Đak Roong đến giáp ranh xã Kon Pne, hình ảnh đập ngay vào mắt chúng tôi là những trảng rừng lớn có rất nhiều cây to chết khô, có nơi cây chết hàng loạt.
Thậm chí, ngay tại khu vực rẫy cà phê của người dân có cả trăm cây rừng đã bị cưa hạ nằm ngổn ngang xen lẫn với cây cà phê vừa mới trồng. Nhiều cây gỗ lớn bị “xẻ thịt” lấy gỗ, dấu mùn cưa và những mảnh bìa vẫn còn nằm rải rác khắp nơi. Số cây không tận dụng được thì bị đốt, thân cây cháy đen nhẻm nằm chồng chéo mọi nơi. 
Hàng loạt cây
Người dân “ám sát” cây rừng để lấy đất làm nương rẫy diễn ra nhiều ở các làng Kon Trang 1, Kon Bông, Kon Lốk 1, Kon Lốk 2 (xã Đak Roong). Ảnh: M.N
Đáng chú ý là bên dưới những tán cây rừng chết đứng là những rẫy cà phê mọc lên xanh um, nhiều nơi đang cho trái. Cây chết đến đâu, rẫy cà phê hay vườn mì của người dân lấn đến đó. Rất dễ nhận biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cây chết bất thường này. Việc “ken” cây chết (tạo những rãnh sâu xung quanh thân cây ngăn không cho cây vận chuyển chất dinh dưỡng từ phần gốc lên phía trên) để lấn đất rừng vẫn còn “âm thầm” diễn ra. Những cây rừng bị “ken” một thời gian sau mới chết, người dân “hợp thức hóa” bằng việc đốn hạ cây đã chết rồi mở rộng dần diện tích, thậm chí có nơi nhà rẫy mọc ngay dưới tán rừng.
Một số hình ảnh người dân phá rừng để lấy đất làm nương rẫy.

.

Đi dọc theo tuyến đường qua làng Kon Lốk 1, Kon Lốk 2 không khó để bắt gặp hình ảnh người dân dùng cưa hạ những cây rừng đã chết khô để lấy gỗ hoặc đốt đi lấy đất trồng cà phê. Tiếng cưa gầm rú, vang vọng cả một vùng, khói bốc lên ngay bìa rừng, cạnh những rẫy cà phê.

Thế nhưng, ông Trương Văn Bốn-Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm Nghiệp Đak Roong (Công ty Lâm nghiệp Đak Roong) cho rằng đây là diện tích đã cũ, khoảng 5,3 ha này đã bị người dân phá từ nhiều năm nay và cán bộ quản lý rừng của Công ty có đến 8 người bị phê bình, kiểm điểm, bị kỷ luật. Ông Bốn cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên lâm phần quản lý của công ty, diện tích rừng bị người dân phá mới chỉ khoảng… 2,5 ha.

Cây nằm la liệt
Cây chết đến đâu, rẫy cà phê hay vườn mì của người dân lấn đến đó. Ảnh: M.N
Ngoài những rẫy cà phê lộ thiên ven đường, chúng tôi men theo những con đường nhỏ lần sâu vào phía trong lõi rừng đến hàng trăm mét cũng thấy xuất hiện rất nhiều rẫy mì, rẫy cà phê bạt ngàn. Tuy nhiên, khi hỏi về việc người dân “ken” cây lấy đất sản xuất thì ông Bốn cho rằng rất khó phát hiện và xử lý, vì đa phần đây là những hộ nghèo người Bahnar phá rừng theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ. 
Khởi tố vụ án phá rừng
ray vườn
Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân dùng cưa hạ những cây rừng đã chết khô để lấy gỗ hoặc đốt đi lấy đất trồng cà phê. Ảnh: M.N
Theo ông Bốn, mới đây, Công an huyện Kbang đã ra quyết định khởi tố 2 đối tượng Đinh Văn Cân và Đinh Văn Nhui (làng Kon Trang 1, xã Đak Roong) về hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đơn cử là vụ Đinh Văn Nhui phá hơn 10.500 m2 rừng để lấy đất sản xuất.
Theo diễn biến vụ việc, ngày 18-4-2017, lực lượng bảo vệ rừng trạm số 3 thuộc Công ty Lâm nghiệp Đak Roong tuần tra tại khu vực khoảnh 8, tiểu khu 9 thuộc lâm phần quản lý đã phát hiện Nhui và một số đối tượng đang đào hố chuẩn bị trồng cà phê. 
Sau khi bị bắt, đối tượng đã thừa nhận hành vi phá rừng. Nhui khai nhận, vào tháng 10-2010, đối tượng đã đến khu vực suối Đak Pắc cách làng Kon Trang 1 khoảng 500 m “ken” những cây rừng còn sống để cây tự chết dần nhằm mục đích lấy đất làm rẫy. Nhui thường chọn những lúc trời mưa hay lúc rảnh rỗi để thực hiện việc này. Đầu năm 2013, khi các cây đã “ken” này bị chết khô, đối tượng dùng cưa xăng để cắt hạ trên toàn bộ diện tích 10.500 m2. Do sợ bị phát hiện, việc cưa cây này cũng chỉ được thực hiện vào ban đêm. 
Theo thống kê của UBND huyện Kbang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 18 vụ phá rừng làm nương rẫy làm thiệt hại 5,27 ha rừng sản xuất tại công ty lâm nghiệp các xã: Lơ Ku, Krong, Đak Roong, Đak Smar, Sơ Pai. Nguyên nhân được UBND huyện Kbang đánh giá là do công tác quản lý đất sản xuất nương rẫy của một số chủ rừng không chặt chẽ; một số đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý triệt để. 
Đến tháng 1-2017, đối tượng này mới tiến hành phát cây nhỏ, cây bụi và đến đầu tháng 3-2017 khi đang đốt dọn, đào hố trồng cà phê thì bị lực lượng bảo vệ rừng Công ty Lâm nghiệp Đak Roong phát hiện, bắt giữ. Xét thấy vụ phá rừng trái phép nói trên có dấu hiệu tội phạm, ngày 8-5-2017, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án, chuyển giao hồ sơ, vật chứng vụ án cho cơ quan điều tra Công an huyện Kbang tiếp tục điều tra, xử lý.
“Chúng tôi đã phân công lực lượng bảo vệ rừng của Công ty bám địa bàn, thường xuyên tuyên truyền vận động, ngăn chặn kịp thời việc người dân chặt phá, mở rộng diện tích đất nương rẫy. Đặc biệt là việc khởi tố hình sự 2 đối tượng phá rừng làm nương rẫy sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả, hạn chế được tình trạng người dân tiếp tục phá rừng”- Giám đốc Công ty Lâm Nghiệp Đak Roong nói.
Thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm soát tình trạng khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020 bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép thì chủ tịch UBND xã nơi đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện…
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.