Gia Lai:Cảnh giác với tội phạm trộm cắp xe máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp xe máy với thủ đoạn hết sức táo bạo. Theo phân tích của cơ quan Công an, phần lớn các vụ trộm cắp xe máy xảy ra là do người dân mất cảnh giác trong việc tự bảo vệ tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu ra tay.
 
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong gần 8 tháng qua, tội phạm trộm cắp trên địa bàn tỉnh được kéo giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tội phạm trộm cắp xe máy lại có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo đó, trong tổng số hơn 190 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay thì có hơn 70 vụ trộm cắp xe máy, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016,  làm thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

 

Hai nhóm đối tượng trộm cắp xe máy ở huyện Ia Grai. Ảnh: L.A
Hai nhóm đối tượng trộm cắp xe máy ở huyện Ia Grai. Ảnh: L.A

Qua phân tích của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an tỉnh thì các đối tượng trộm cắp thường hoạt động theo nhóm từ 2 đối tượng trở lên. Đáng chú ý là phần lớn các đối tượng trộm cắp bị phát hiện, bắt giữ đều nghiện ma túy, ham mê cờ bạc hoặc thường xuyên tham gia vào các tệ nạn xã hội khác. Các đối tượng này thường chở nhau bằng xe máy đảo khắp địa bàn liên xã, liên huyện tìm sơ hở của người dân để thực hiện hành vi trộm cắp.

Nếu như trước đây, địa bàn bọn “đạo chích” nhắm đến thường là trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn và xe máy để trộm cắp là các loại có giá trị lớn như: SH, Attila… thì hiện nay, địa bàn nông thôn lại trở thành “mảnh đất màu mỡ” của các đối tượng này và loại xe nào cũng bị chúng đưa vào “tầm ngắm”. Tại những nơi này, ý thức bảo vệ tài sản của người dân chưa cao khi thường bỏ xe ở ngoài vệ đường, trên nương rẫy hoặc khi đi ngủ không khóa cửa cẩn thận; để xe ở trước sân, bên hông nhà nhưng không khóa cổ, thậm chí bỏ cả chìa khóa trên xe. Bên cạnh đó, một thủ đoạn khác của các đối tượng là trà trộn tham gia vào các lễ hội, đám tang hoặc những khu vực quán xá, chợ… không có bảo vệ để chờ thời cơ dùng vam phá khóa thực hiện hành vi trộm cắp. Ngoài ra, vào thời điểm thu hoạch mùa vụ, các đối tượng xấu trong vai là những lao động từ nơi khác đến xin làm thuê để nắm bắt quy luật sinh hoạt của người dân nhằm trộm cắp tài sản.

Điển hình là vào ngày 10-8 vừa qua, Công an huyện Ia Grai đã  bắt giữ nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Văn Long (SN 1988, trú tại xã Ia Chía, huyện Ia Grai),  Bùi Văn Dũng (SN 1984, trú tại xã Ia Krai, huyện Ia Grai), Bùi Duy Tới (SN 1983, trú tại xã Ia Khai, huyện Ia Grai) và Lương Văn Nghĩa (SN 1998, trú tại xã Ia O, huyện Ia Grai) chuyên thực hiện hành vi trộm cắp xe máy tại các xã trên địa bàn huyện. Trước đó, ngày 8-8, Công an huyện Ia Grai cũng đã bắt giữ 3 đối tượng trộm xe máy gồm: Trần Hữu Công Hoan (SN 1995), Nguyễn Hải Nhớ (SN 1991, cùng trú tại thôn 2, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) và Phạm Ngọc Hoàng (SN 1993, trú tại xã Ia Krai, huyện Ia Grai). Tại Cơ quan Điều tra, 2 nhóm đối tượng này khai nhận lợi dụng sơ hở của người dân khi để xe ở nhà nhưng không khóa cửa cẩn  thận hoặc để ở nơi vắng người qua lại nên đã thực hiện tổng cộng 23 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn các xã Ia Krai, Ia O, Ia Khai…

Cũng từ công tác điều tra, cơ quan Công an xác định, sau khi thực hiện trót lọt hành vi trộm cắp, với những xe máy còn mới, có giá trị cao, các đối tượng thường mang đi cầm cố ở các tiệm cầm đồ hoặc mang tới địa bàn khác (trong hoặc ngoài tỉnh) để bán với giá cao. Còn lại những xe máy cũ, giá trị thấp thường được các đối tượng đưa đến địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bán lại cho người dân đi làm rẫy. Nhiều người dân dù biết xe không có giấy tờ chính chủ hoặc biết xe trộm cắp nhưng vì thiếu hiểu biết pháp luật, ham rẻ nên vẫn mua. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân bị trộm cắp xe máy nhưng không trình báo với cơ quan Công an nên gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.

Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết: “Để kiềm chế hoạt động của tội phạm trộm cắp xe máy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Công an thì người dân cần nâng cao cảnh giác, có phương án tự bảo vệ tài sản của mình, không để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng Công an và chính quyền các địa phương cần phát động sâu rộng, mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm; vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trong việc tích cực tham gia đấu tranh phòng-chống tội phạm…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm