Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống tội phạm và mua bán người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 26-7, Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tội phạm; phòng-chống mua bán người 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 138 Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, đồng chí Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

 

Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: “Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên phạm vi toàn quốc công tác phòng-chống tội phạm nói chung đã đạt được những kết quả tích cực nhưng hoạt động của các loại tội phạm vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động của các loại tội phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Tại hội nghị này, chúng ta phải suy nghĩ, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là gì và phải giải quyết như thế nào để tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới…”.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã xảy ra 25.850 vụ phạm pháp hình sự (giảm 3,8 % so với cùng kỳ năm 2016). Các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 20.595 vụ phạm pháp hình sự, bắt 42.785 đối tượng, đạt tỷ lệ 79,67%, triệt phá 843 băng nhóm tội phạm. Bắt, vận động đầu thú và thanh loại 4.163 đối tượng truy nã. Giải quyết, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,93%. Phát hiện 9.314 vụ phạm tội về kinh tế; 77 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ; 2.053 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; phát hiện 9.846 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt hành chính 6.574 vụ. Bắt giữ 11.324 vụ, 17.210 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 379,423kg heroin; 759,131 kg và 436.115 viên ma túy tổng hợp; 251,3 kg cần sa. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm vẫn còn một số tồn tại như: Xuất hiện hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh, côn đồ, sử dụng vũ khí, hung khí, manh động, liều lĩnh có sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với kinh tế, ma túy và núp bóng doanh nghiệp; xảy ra nhiều vụ giết nhiều người, thủ đoạn man rợ, vô nhân tính; tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương gây bức xúc dư luận; tình trạng trộm cắp, cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ cao trên 50% tổng số vụ phạm pháp hình sự. Tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tội phạm về ma túy vẫn diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng… Tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, khi toàn quốc để xảy ra 157 vụ, 245 đối tượng; xác minh được 361 nạn nhân…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe 11 tham luận của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đánh giá những mặt được và chưa được trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nêu ra những giải pháp mới, những cách làm hay để cùng trao đổi, học tập. Đồng thời, đề xuất ý kiến, kiến nghị lên Phó Thủ tướng về những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, cơ chế hoạt động nhằm xem xét tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm.

Sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ ghi nhận, tập hợp các ý kiến, kiến nghị để kịp thời xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất. Để công tác phòng-chống tội phạm và mua bán người thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, trong phát biểu bế mạc hội nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh: “Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, đặt ra cho chúng ta những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi Ban Chỉ đạo 138 từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực phấn đấu rất cao trong các mặt công tác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi yêu cầu tất cả các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện quyết các nhiệm vụ trọng tâm sau; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm; Tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa tội phạm, chú trọng phòng ngừa xã hội, tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh, phòng-chống tội phạm; Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các sự kiện văn hóa, chính trị, ngoại giao của đất nước. Tập trung đấu tranh triệt xóa các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động bảo kê, tính dụng đen, đòi nợ thuê, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người…; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức, phẩm chất, lối sống cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác phòng-chống tội phạm; Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện đề án thuộc chương trình phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2020; Yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ triển khai thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành về làm việc với các địa phương để tháo gỡ một số vướng mắc còn tồn tại. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 138 của các địa phương cần tăng cường kiểm tra đôn đốc, chấn chỉnh công tác phòng-chống tội phạm tại cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm