Đề nghị kỷ luật cảnh cáo Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo tin từ Văn phòng Huyện ủy Ia Grai, huyện vừa có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Quang Thuấn-Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo. Theo đó, thời gian qua, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Grai đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, đơn vị này đã sử dụng kinh phí hơn 1,161 tỷ đồng được cấp để chi trả trợ cấp lần đầu cho các đối tượng được thụ hưởng từ năm 2012 đến 2014 vào mục đích chi trả phụ cấp tăng giờ cho giáo viên là trái quy định tại khoản 5 Điều 72 Luật Ngân sách nhà nước năm 2002. Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cũng chi sai năm ngân sách khi sử dụng nguồn kinh phí năm 2015 để chi cho nhiệm vụ chi năm 2014 là không đúng mục đích, không kịp thời và không đúng trong niên độ ngân sách với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị này đã không chi trả tiền công tác phí năm 2015 là hơn 250 triệu đồng và tiền chế độ hội nghị, tập huấn là 50 triệu đồng trong khi đã cho giáo viên được thụ hưởng ký nhận tiền.

 

Nhiều học sinh ở huyện Ia Grai không được nhận chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.                                                                             Ảnh: V.N
Nhiều học sinh ở huyện Ia Grai không được nhận chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Ảnh: V.N

Trước đó, văn bản kết luận thanh tra của UBND huyện Ia Grai xác định Phòng Giáo dục-Đào tạo có nhiều sai phạm. Trong giai đoạn 2012-2016, đơn vị này đã chi trả khoản tiền chế độ trợ cấp lần đầu cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP sai quy định. Cụ thể năm 2012 và 2013 không lập dự toán chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng; năm 2014 và 2015 không chi số tiền hơn 1,66 tỷ đồng cho các đối tượng. Trong đó, Phòng Giáo dục-Đào tạo đã dùng hơn 1,1 tỷ đồng chi năm 2014 vào mục đích khác là trái Luật Ngân sách nhà nước. Trong năm 2015 và 2016, Phòng Giáo dục-Đào tạo đã dùng hơn 480 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên để chi vào khoản trợ cấp lần đầu là sai mục đích, làm mất cân đối, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo.

Cũng theo kết luận này, trong các năm 2013-2015, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Grai đã chi trả chế độ cho giáo viên không kịp thời, không đúng quy định. Theo đó, đơn vị đã không chi trả dạy thêm giờ kịp thời tại một phần học kỳ I năm học 2013-2014 với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; học kỳ I năm học 2014-2015 với số tiền hơn 4,85 tỷ đồng. Để thiếu hụt tiền tăng giờ học kỳ II năm học 2014-2015 hơn 3,6 tỷ đồng là bỏ sót nhiệm vụ chi. Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo đã không thực hiện nhiệm vụ chi, ưu tiên cho con người (đặc biệt là các khoản lương) mà sử dụng nguồn chi thường xuyên cho giáo dục để mua sắm, sửa chữa nhỏ với số tiền từ năm 2013 đến 2015 là hơn 13,8 tỷ đồng.

Phòng Giáo dục-Đào tạo cũng tự đặt ra các thủ tục thanh toán tiền mặt, chuyển khoản, các đơn vị phải ký nhận tiền trước rồi mới được thanh toán là trái quy định pháp luật, tạo kẽ hở thanh toán, quyết toán khống và phát sinh tiêu cực… Quá trình thanh tra còn phát hiện đơn vị này đã vi phạm Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với số tiền sai phạm hơn 3,7 tỷ đồng. Được biết, UBND huyện đã chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh đề nghị làm rõ các hành vi “Làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh đã kết luận không đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự đối với ông Thuấn và các cá nhân liên quan.

Theo báo cáo, hành vi của ông Thuấn đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, gây dư luận không tốt trong xã hội và UBND huyện đã ra Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 9-5-2017 quyết định hình thức kỷ luật là “Cảnh cáo”. Về mặt Đảng, ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật “Cảnh cáo”. 

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.