"Đột kích" cơ sở sản xuất mỹ phẩm không phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi tháng xuất bán hàng ngàn cây son, có đại lý ở khắp các tỉnh thành nhưng cơ sở sản xuất mỹ phẩm Thu Ngọc (15 Trần Bội Cơ, TP. Pleiku) lại không hề có giấy phép hoạt động. Từ quy trình, nguyên liệu đến dụng cụ sản xuất khá đơn giản, thô sơ và rất mất vệ sinh.


Bất ngờ với số lượng quá lớn
 

Cơ quan chức năng làm việc với chủ cơ sở. Ảnh: K.N
Cơ quan chức năng làm việc với chủ cơ sở. Ảnh: K.N

Là đơn vị trực tiếp trinh sát, Trung tá Lưu Đình Kiều-Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Pleiku cho biết: “Qua thời gian theo dõi, Đội phát hiện cơ sở sản xuất tại nhà số 15 Trần Bội Cơ (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có nhiều nghi vấn. Vì vậy, khoảng 9 giờ sáng 19-4-2017, Đội đã phối hợp với lực lượng Quản lý Thị trường, Công an phường Ia Kring tổ chức kiểm tra đột xuất”. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang hoạt động sản xuất cùng với một số nhân viên, công nhân đang làm việc. Bên ngoài ngôi nhà không treo bất cứ biển hiệu gì, song càng kiểm tra đoàn càng bất ngờ vì lượng hàng thành phẩm, nguyên liệu sản xuất quá lớn. Đoàn phải làm việc xuyên trưa cho đến 17-18 giờ mới xong việc thu thập thông tin, vận chuyển hàng tạm giữ.

Được biết, toàn bộ ngôi nhà 2 tầng số 15 Trần Bội Cơ được bà Lê Thị Thu Ngọc thuê từ tháng 1-2017, vừa sử dụng làm nơi ở vừa chứa hàng và sản xuất. Trong đó, các gian đầu của ngôi nhà dùng chứa hàng, khu vực tầng 2 và bếp dùng để pha chế và sản xuất son. Không gian sản xuất lộn xộn, nguyên liệu để vương vãi khắp nơi rất mất vệ sinh. Khu vực pha chế trên tầng 2 chỉ đơn giản là một chiếc bàn với nhiều gói bột màu vứt ngổn ngang, nhiều chai lọ không nhãn mác…; tại khu vực nhà bếp, bột màu đổ tràn lan trên mặt bếp gas, tủ lạnh và lò vi sóng-thiết bị dùng để nấu và đông lạnh son… Nguyên liệu sản xuất để lẫn lộn với nhiều đồ dùng, vật dụng khác.

Son chưa rõ chất lượng
 

Những cây son thành phẩm với nhãn hiệu Thu Ngọc. Ảnh: K.N
Những cây son thành phẩm với nhãn hiệu Thu Ngọc. Ảnh: K.N

Mặc dù được quảng cáo trên các trang mạng xã hội là loại son gấc “handmade” làm hoàn toàn bằng tự nhiên, song tại thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất, cơ quan chức năng không hề tìm thấy một chút nguyên liệu là gấc tươi nào. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Lê Thị Thu Ngọc-chủ cơ sở cho biết: Quy trình sản xuất son của cơ sở là trộn sáp ong và một số dầu như dầu dừa, dầu cám gạo, dầu hạnh nhân… cùng với hương liệu và bột màu rồi đem nấu lên. Tiếp đó, đổ vào khuôn rồi đưa vào ngăn đông tủ lạnh để tạo hình son. Cuối cùng lắp vào vỏ son cho ra thành phẩm, sau đó bán ra thị trường với giá 50-70 ngàn đồng/sản phẩm. Ngoài son môi, cơ sở này còn sản xuất kem tẩy tế bào chết dùng cho môi, mascara dầu dừa… Điều đáng nói là tại thời điểm kiểm tra, bà Ngọc chỉ cung cấp được một số hóa đơn chứng từ mua nguyên liệu, rất nhiều nguyên liệu vẫn chưa có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đa số chúng đều được mua ở TP. Hồ Chí Minh hoặc qua mạng…

Trao đổi với P.V, ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường cho biết: “Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm, từ đó sẽ đưa ra mức xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật”.

 Khánh Ngọc

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất, số hàng cơ quan chức năng đang tạm giữ gồm 6.500 cây son thành phẩm, 250 hộp tẩy tế bào chết dùng cho môi và 337 thùng các-tông đựng vỏ son cùng nhiều loại nguyên liệu, thiết bị, dụng cụ sản xuất khác…  Để vận chuyển số hàng này, lực lượng chức năng phải thuê 4 chuyến xe tải (1,5 tấn) mới vận chuyển hết.

Có thể bạn quan tâm