Kbang: Phức tạp tình trạng thanh-thiếu niên nông thôn vi phạm pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm pháp luật ở thanh-thiếu niên nông thôn huyện Kbang diễn biến phức tạp, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp, kịp thời giải quyết triệt để những bất ổn, giữ vững an ninh trật tự .

Qua thống kê từ Công an huyện Kbang cho thấy, hầu hết các vụ việc xảy ra đều xuất phát từ mâu thuẫn giữa thanh niên các làng với nhau. Do xung đột có sẵn, cộng với sự tác động của bia, rượu, các đối tượng này đã lôi kéo đánh nhau, đập phá tài sản… gây nên hậu quả nghiêm trọng.

 

Kiểm điểm các đối tượng trước dân. Ảnh: Hồng Thi
Kiểm điểm các đối tượng trước dân. Ảnh: Hồng Thi

Vụ cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra vào tối ngày 21-2 tại làng Bôn (xã Lơ Ku) có sự tham gia của 14 đối tượng; trong đó, đối tượng lớn nhất là 21 tuổi, nhỏ nhất chỉ mới 12 tuổi. Bức xúc sau khi nghe Đinh Ngôi (làng Tranh, xã Lơ Ku) kể lại việc mình bị nhóm thanh niên gồm: Đinh Tân (làng Lợt, xã Nghĩa An), Đinh Ênh (làng Lợt, xã Lơ Ku), Đinh Quan (làng Bôn, xã Lơ Ku) đánh, một số thanh niên của làng Tranh đã kéo nhau đến làng Lợt (xã Lơ Ku) để tính chuyện hòa giải. Vì sợ nhóm thanh niên đông người, các đối tượng đánh Ngôi không dám lộ diện, song vẫn bị nhóm này dùng gậy đập phá 2 chiếc xe máy mang nhãn hiệu Future Neo và Havico, tổng thiệt hại gần 1,6 triệu đồng. Công an huyện Kbang đã xử lý hành chính về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản người khác đối với 1 đối tượng, số tiền phạt 2 triệu đồng và hành vi tụ tập nhiều người gây mất trật tự công cộng đối với 9 đối tượng, mỗi đối tượng 750.000 đồng.

Gần 4 tháng sau đó (ngày 14-6-2016), một vụ cố ý gây thương tích khác đã xảy ra giữa thanh niên làng Nak (thị trấn Kbang) và làng Tờ Mật (xã Đông) khiến Đinh Luân (làng Tờ Mật) bị đa vết thương phải chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai; Đinh Nhi (cũng trú làng Tờ Mật) bị xây xát nhẹ. 9 đối tượng tham gia từ 14 đến 20 tuổi. Nguyên nhân vụ việc được xác định là do 2 nhóm thanh niên trên đã có mâu thuẫn với nhau từ trước, dẫn đến trả thù đánh lại. Để răn đe, giáo dục cũng như cảm hóa các đối tượng, Trưởng Công an huyện Kbang đã ra quyết định xử lý hành chính đối với 8 đối tượng, mỗi người 750.000 đồng. Hai bị hại Luân, Nhi cũng không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng đã đánh mình, chỉ yêu cầu bồi thường 1.100.000 đồng tiền thuốc và chữa trị.

 

Tăng cường đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là một trong những giải pháp kiềm chế tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh-thiếu niên. Ảnh: Hồng Thi
Tăng cường đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là một trong những giải pháp kiềm chế tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh-thiếu niên. Ảnh: Hồng Thi

Cách đây không lâu, vào ngày 30-7, một vụ việc do mâu thuẫn khác lại tiếp tục xảy ra tại làng Brooch (xã Đông). Trước đó, gia đình ông Đinh Văn tổ chức tân gia và mời anh em, bà con trong làng đến chung vui. Vì có xích mích một số thanh niên trong làng, La Văn Giang (SN 1993, trú tại làng Cao Sơn, xã Tơ Tung) và Nguyễn Văn Hòa (SN 1993, trú tại làng Brooch, xã Đông) chở nhau bằng xe máy, mang theo dao rựa đến nhà ông Văn tìm người trả thù. Thấy Giang xông vào nhà, già làng Đinh Uynh tiến đến can ngăn thì bị Giang đẩy ngã và dơ dao chém nhưng may không trúng. Thấy vậy, một số thanh niên đang dự tân gia cầm gậy chạy ra vây đánh khiến 2 đối tượng trên bỏ trốn, để lại xe máy. Những ngày tiếp theo, dân làng đã cử người thay phiên nhau túc trực tại nhà rông phòng Giang và Hòa quay lại trả thù; những ai lạ mặt vào làng đều bị người làng đánh đuổi và giữ xe lại. Những chiếc xe máy này sau đó đã được dân làng Brooch giao cho Công an huyện tạm giữ để điều tra, xử lý.  
 

Để kiềm chế số vụ vi phạm do thanh-thiếu niên gây ra nói riêng và gìn giữ an ninh nông thôn nói chung, ngay từ đầu năm, Công an huyện Kbang đã phối kết hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hòa giải, cảm hóa và tháo gỡ những bức xúc ở cơ sở. Đồng thời, nghiêm khắc nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm theo pháp luật nhằm răn đe các đối tượng. Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn cũng được tập trung đẩy mạnh.

Theo Đại tá Trần Thanh Khiết-Trưởng Công an huyện Kbang, phần lớn mâu thuẫn trong thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu giữa làng này với làng khác hoặc xã khác. “Nguyên nhân là do cách giáo dục buông lỏng ở gia đình; việc tuyên truyền giáo dục con em trong thôn, làng còn yếu; sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở còn chậm; công tác phòng ngừa, hòa giải từ cơ sở còn hạn chế. Trong khi đó, các em tuổi đời còn nhỏ, phần lớn từ 22 tuổi trở xuống, trình độ thấp, nhận thức còn hạn chế, cộng với không có việc làm ổn định nên dễ bị lôi kéo, kích thích đánh nhau”-Đại tá Khiết phân tích.

Hiện các đối tượng vi phạm tại các vụ việc trên đều đã tự nguyện đóng góp để đền bù thiệt hại cho bị hại. Đảng ủy, UBND các xã liên quan cũng đã tiến hành kiểm điểm các đối tượng trước dân và yêu cầu họ cam kết không tái phạm.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Xử lý 458 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 4,8 tỷ đồng

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Xử lý 458 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 4,8 tỷ đồng

(GLO)- Thông tin từ Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Gia Lai (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai) cho biết đã phát hiện bắt giữ, xử lý 458 vụ/449 đối tượng vi phạm trong đợt kiểm tra cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.