Bằng chứng pháp lý và lòng tự tôn dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như tin đã đưa, sáng 17-3, tại Nhà Thi đấu Thể thao tỉnh Gia Lai (số 11-Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu: "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý".

Những bằng chứng lịch sử
 

Ảnh: Phan Lài
Ảnh: Phan Lài

Ấn tượng đầu tiên với khách tham quan triển lãm là câu trích dẫn, cũng là mệnh lệnh thiêng liêng của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) nói với các quan phụ trách biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy năm 1473, được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Tiếp đến là hàng trăm thư tịch cổ Việt Nam, các tờ châu bản có tính pháp lý cao của triều Nguyễn bằng chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ có niên đại từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại-những bằng chứng sinh động phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Đáng chú ý hơn cả là bộ sưu tập gồm 65 bản đồ, Atlas do Việt Nam và phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay đều chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đặc biệt, bản đồ hành chính “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được vẽ theo lệnh của vua Minh Mạng, hoàn tất vào năm 1838, là bản đồ quan trọng nhất trong các bản đồ cổ bởi đã thể hiện hình vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam. Trong khi đó, trái với những luận điệu xuyên tạc lịch sử mà Trung Quốc từng tuyên bố, các bản đồ do nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh đó,  hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của người dân và hình ảnh sinh hoạt, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam của các chiến sĩ cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc của khách tham quan. Những hình ảnh đó là bằng chứng thép thể hiện tình yêu quê hương, ý chí chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc của mỗi người dân đất Việt.

Khơi dậy lòng tự tôn dân tộc

 

 Triển lãm nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.  Ảnh: P.L
Triển lãm nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Ảnh: P.L

Trong tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có những diễn biến phức tạp, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam là việc làm vô cùng cần thiết, ý nghĩa.  


Ngay ngày khai mạc, triển lãm đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Bà Nguyễn Thị Ngọc (tổ 9, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông và đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, ngày nào tôi cũng theo dõi chương trình thời sự để nắm bắt tình hình. Đây là những tư liệu quý, bác bỏ được luận điệu dối trá của Trung Quốc.   
 

Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Đây là những tư liệu, bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa có từ thế kỷ XVI cho đến nay.

Đại úy Nguyễn Hoàng Hanh (Phòng Chính trị-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho biết: Thông qua triển lãm, chúng tôi có cơ hội trau dồi thêm kiến thức để phục vụ công tác. Là một người lính, tôi nguyện sẽ phấn đấu hết mình, ra sức rèn luyện để hoàn thành mọi nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hy vọng một ngày nào đó, tôi được đến Hoàng Sa, Trường Sa để được tận mắt ngắm nhìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Tạo-Phó Vụ trưởng Vụ thông tin cơ sở-Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức được 50 cuộc triển lãm tại 34 tỉnh, thành phố, 9 điểm đảo, huyện đảo và 7 đơn vị lực lượng vũ trang, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng triệu người dân. Triển lãm là một câu chuyện pháp lý khá mạch lạc và có hệ thống xung quanh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Việc công khai những bằng chứng, sự thật lịch sử này sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân và bạn bè quốc tế, phục vụ quá trình đấu tranh pháp lý lâu dài trước Tòa án Quốc tế, nhằm bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.