Thắng kiện nhưng có lấy được tài sản?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều tháng nay, người dân huyện Krông Pa xôn xao và hết sức bức xúc về vụ vỡ nợ hàng tỷ đồng của vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Dung (Dung Bạch). Đã có 9 nguyên đơn kiện bà Dung Bạch ra tòa và họ đều thắng kiện về “Tranh chấp hợp đồng mua bán mì lát khô và hạt dưa”. Nhưng cho đến nay, xung quanh vụ vỡ nợ này, thật lắm chuyện bi hài, kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng…

Bà Lê Thị Thu là một trong 9 người kiện vợ chồng Dung Bạch. Số tiền mà vợ chồng Dung Bạch nợ bà Thu là 1.950.000.000 đồng. Bà Thu đã thắng kiện và đã nhận được quyết định thi hành án theo yêu cầu nhưng đến nay vẫn chưa đòi được nợ. Riêng bà đang lâm vào hoảng loạn tâm trí, ốm đau, chồng chất nợ nần (vì bà cũng đi vay tiền của người khác). Theo Luật Thi hành án dân sự, bà chưa thể chứng minh thêm được nguồn tiền và tài sản khác của nhà Dung Bạch nên không thể yêu cầu thi hành án được.

Bội tín trong kinh doanh và “lách luật”?

Căn nhà số 100 đường Hùng Vương, thị trấn Phú Túc đã bị Chi cục Thi hành án huyện Krông Pa kê biên. Ảnh: Quốc Ninh
Căn nhà số 100 đường Hùng Vương, thị trấn Phú Túc đã bị Chi cục Thi hành án huyện Krông Pa kê biên. Ảnh: Quốc Ninh
Ông Đỗ Khắc Toản- Thư ký Tòa án Nhân dân huyện Krông Pa cho biết: Từ tháng 4-2011, Tòa đã thụ lý 9 nguyên đơn (trong đó có 1 nguyên đơn tách thành 2 vụ: Một là dân sự và một vụ thương mại) kiện vợ chồng Dung Bạch. Tháng 8- 2011, Tòa án Nhân dân huyện Krông Pa đã mở 10 phiên tòa xét xử sơ thẩm dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán mì lát và hạt dưa”.  Theo đó, tổng số tiền mà vợ chồng Dung Bạch phải thanh toán lên đến 5.536.845.230 đồng (còn 3 vụ phải xét xử lại).


Còn ông Bùi Văn Huy- Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Krông Pa thì khẳng định: Tháng 9- 2011, sau khi nhận các bản án từ Tòa án Nhân dân huyện, Chi cục Thi hành án (THA) đã ra các quyết định thi hành án dân sự và tống đạt đến các đương sự. Theo đó, buộc vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Dung- Nguyễn Thái Bạch phải trả nợ theo bản án cho các bà: Phạm Thị Hương 150.000.000 đồng; Phạm Thị Hường 607.514.499 đồng; Hồ Thị Lan Thanh 260.000.000 đồng; Lê Thị Thu 1.950.000.000 đồng; Nguyễn Thị Út 410.000.000 đồng; Phạm Thị Mơ 660.000.000 đồng và Đào Thị Thơ 220.000.000 đồng. 

Ngày 22- 11- 2011, Chi cục THA Krông Pa đã tiến hành kê biên tài sản của vợ chồng Dung Bạch. Tuy vậy, tài sản kê biên được cũng chỉ có một căn nhà số 100 Hùng Vương, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng trớ trêu thay, căn nhà này đã mang thế chấp ngân hàng với số tiền 400 triệu đồng nếu tính cả vốn lẫn lãi mà bà Dung Bạch phải trả ngân hàng và mấy trăm triệu đồng tiền án phí, thì số còn lại chẳng thấm vào đâu với số nợ phải trả trên 5,5 tỷ đồng. 

Điều đáng nói ở đây là: Theo Điều 44 Luật THA Dân sự thì người thắng kiện phải tự chứng minh được bên bị thi hành án. Bởi thế, gây khó khăn và không bảo vệ quyền lợi cho người được thi hành án.

Tìm hiểu chuyện “làm ăn” giữa vợ chồng Dung Bạch và các đối tác nhận thấy: Vài năm trước đây, bà Dung đã tạo sự tin cậy ở đối tác khi bà  huy động vốn. Khi góp vốn, hai bên chỉ cần viết giấy tay giao nhận tiền là xong. Còn hàng hóa (mì lát và hạt dưa) ủy thác mua, chỉ cần “cắt giá”. Khi muốn “bán” chỉ cần một “cú điện thoại” cắt giá là bà Dung đã hoàn trả vốn lẫn lãi. Khi lòng tin của bạn hàng đang cao, trao vốn cho vợ chồng Dung Bạch thì bất ngờ bà Dung tuyên bố “không còn khả năng thanh toán”; không còn tài sản, chây ỳ nợ, quay ngoắt bội tín với bạn hàng. Kết cục là đưa nhau ra tòa.

Với những tình tiết diễn biến của vụ án, điều đáng lưu ý ở đây là: Bà Dung sẵn sàng đi hầu kiện và sẵn sàng thua kiện. Bà này cũng chủ động xin được tự nguyện khai báo và xin được giao tài sản, với lời lẽ: “Nay tôi không còn tiền để thi hành án và trả nợ công dân theo các quyết định của cơ quan thi hành án…”, “hiện gia đình tôi chỉ còn một ngôi nhà… nhưng đã thế chấp… và đề nghị cưỡng chế theo pháp luật”. Ô hay! sao đơn giản thế! Cái sự tự nguyện của bà Dung không thể không khiến người ta nghi ngờ. Đâu chỉ một lời tuyên bố “ không còn tiền” trả được nợ là xong.   

Cần một phiên tòa khác

Khi đọc những dòng “tự nguyện” trong đơn yêu cầu THA của bà Dung mọi người không thể không nghi ngờ và đặt câu hỏi: Vậy 6 tỷ đồng mà bà Dung huy động của bạn hàng đã mua hàng chưa? Nếu mua hàng, vậy  cả ngàn tấn “mì lát khô và hạt dưa” bà để ở kho bãi nào, bán cho ai? Hồ sơ, hóa đơn phiếu xuất kho… ở đâu? Luật Kinh doanh cũng như Luật Thuế bắt buộc hộ kinh doanh phải thể hiện hồ sơ để cơ quan chức năng kiểm tra, vì vậy quá trình kinh doanh bà Dung có hồ sơ trình báo cho cơ quan chức năng chưa? Kinh doanh thì phải nộp  thuế, vậy hóa đơn thuế thể hiện như thế nào? Nếu có, sẽ chứng minh được lỗ lãi. Sẽ chứng minh được lượng tiền thu về.

Không thể có chuyện mất trắng tiền như “cháy nhà” được. Có tiền thu về thì phải thanh toán cho bạn hàng, nếu không thanh toán là biển thủ và đồng nghĩa với tẩu tán tài sản. Đó là chưa kể đến những tài sản sờ sờ ai cũng thấy mang “thương hiệu Dung Bạch” mà không phải của Dung Bạch…
Thiết nghĩ, đây là những tình tiết mà cơ quan chấp pháp cần lưu ý làm rõ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Với những phân tích ở trên, có thể nghi ngờ rằng vụ án có dấu hiệu đã vượt quá giới hạn của quan hệ dân sự và cần được làm rõ. Dư luận ở Krông Pa rất mong chờ một phiên tòa khác với vụ vỡ nợ Dung Bạch.
Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm