Một vụ án ở Gia Lai: Viện bảo có tội, Tòa phán không!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong hai ngày (31-3 và 1-4), Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử sơ thẩm một bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án bị cáo vô tội và cho rằng đây là quan hệ dân sự.
Viện bảo: Có tội!
Theo kết quả điều tra, trong thời gian gần 3 năm (2005-2007), Phạm Thị Ngọc Xuân (thường trú tại 81/13 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đã cho Lê Thị Bích Hạnh (thường trú tại tổ 14, phường Thống Nhất-TP. Pleiku) vay tiền nhiều lần với lãi suất 1,5-3%/tháng. Sau đó, Lê Thị Bích Hạnh dùng số tiền này cho các đối tượng khác trên địa bàn TP. Pleiku vay mượn lại để hưởng chênh lệch với lãi suất 4-6%/tháng. Đến ngày 25-10-2007, hai bên đối chiếu công nợ và xác định Lê Thị Bích Hạnh còn nợ 26,9 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Thị Bích Hạnh trước khi được HĐXX tuyên vô tội. Ảnh: Văn Nhung
Bị cáo Lê Thị Bích Hạnh trước khi được HĐXX tuyên vô tội. Ảnh: Văn Nhung
Trước khi chốt nợ, cuối tháng 10-2007, Lê Thị Bích Hạnh đã thanh toán tiền mặt và cấn trừ một số tài sản cho Phạm Thị Ngọc Xuân với tổng giá trị là 9,14 tỷ đồng. Ngày 21-11-2007, hai bên đối chiếu công nợ và lập biên bản xác nhận Lê Thị Bích Hạnh còn nợ Phạm Thị Ngọc Xuân 17,76 tỷ đồng. Đến lúc này, Lê Thị Bích Hạnh tuyên bố không có khả năng trả nợ và từ chối trả nợ cho Phạm Thị Ngọc Xuân với lý do toàn bộ số tài sản này đã bị Cai Thị Thanh Trang (thường trú tại tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chiếm đoạt.
Cũng theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Gia Lai thì Cai Thị Thanh Trang chỉ nợ Lê Thị Bích Hạnh 36,65 triệu đồng. Ngược lại, Lê Thị Bích Hạnh khiếu nại đã bị Cai Thị Thanh Trang đánh tráo chứng từ. Trong khi đó, Cơ quan điều tra khẳng định không có căn cứ để kết luận Cai Thị Thanh Trang đã đánh tráo chứng từ mà đây chỉ là thủ đoạn gian dối của Lê Thị Bích Hạnh để từ chối trả nợ sau đó chiếm đoạt của Phạm Thị Ngọc Xuân 17,76 tỷ đồng. Từ đó, Lê Thị Bích Hạnh đã bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 140 Bộ luật Hình sự với mức án tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, về dân sự, Lê Thị Bích Hạnh đang nợ các đối tượng khác là 3,442 tỷ đồng và các đối tượng khác đang nợ Lê Thị Bích Hạnh là 1,11 tỷ đồng.
Tòa phán: Không!
Theo nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX): Hành vi giao dịch đến ngày 21-11-2007 giữa Lê Thị Bích Hạnh và bà Phạm Thị Ngọc Xuân là giao dịch dân sự thể hiện sự tự nguyện, trong đó có xác định thời hạn trả nợ, lãi suất và nghĩa vụ giữa các bên. Tuy nhiên khi chưa đến thời hạn kết thúc hợp đồng, các bên không có sự thay đổi về phần giao kết nhưng bà Phạm Thị Ngọc Xuân đã đòi nợ và yêu cầu xử lý hình sự là trái với nguyên tắc giao dịch dân sự. Hơn nữa, trước khi giao kết giấy vay tiền ngày 21-11-2007, Lê Thị Bích Hạnh vẫn thực hiện việc trả nợ 4,6 tỷ đồng (trong tổng số tiền 9,14 tỷ đồng đã trả) cũng như kết quả xác minh vẫn còn nhiều người vay của Hạnh chưa trả nên ảnh hưởng đến khả năng Hạnh trả nợ cho bà Xuân.
Mặt khác, HĐXX cho rằng Cơ quan điều tra chưa chứng minh được bị cáo Lê Thị Bích Hạnh sử dụng 17,76 tỷ đồng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không thể thu hồi mà là số tiền vay nhiều lần qua đối chiếu bằng sự tự nguyện giữa các bên khi chưa hết thời hạn hợp đồng; chưa phát sinh nghĩa vụ trả nợ đối với khoản nợ này; chưa xác định rõ ý thức gian dối để chiếm đoạt tài sản làm cơ sở truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Mà, nếu có đủ căn cứ để chứng minh ý thức gian dối lấy tiền có trước ngày 21-11-2007 thì bị cáo phải truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chứ không phải tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như VKSND tỉnh Gia Lai đã truy tố. Từ đó, Lê Thị Bích Hạnh được tuyên bố không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo ghi nhận diễn biến tại phiên tòa, chắc chắn trong vụ án này Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai sẽ kháng nghị.
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.