Ký gửi cà phê: Coi chừng trắng tay!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, thông tin Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khang Ngần, trụ sở tại đường Kpă Klơng, thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, Gia Lai) bỏ trốn đem theo hàng chục tỷ đồng khiến nhiều nông dân ký gửi cà phê cho doanh nghiệp này hoang mang, lo lắng tột độ.

Nông dân ôm “trái đắng”

Trên gương mặt còn lộ vẻ buồn bã, ông Lê Đình Mai, trú tại xã Ia Din (huyện Đức Cơ) cho biết: Vụ cà phê năm 2010, gia đình ông thu được hơn 6 tấn. Như nhiều người nông dân khác, ông đem tất cả số cà phê này ký gửi vào Công ty TNHH một thành viên Khang Ngần kể từ tháng 12-2010, chờ giá lên cao sẽ cắt giá. Ngày 7-3-2011, do đến hạn phải trả nợ ngân hàng, ông Mai đến Công ty cắt giá cà phê, thời điểm này giá cà phê là 23.000 đồng/kg. Tổng số tiền ông bán cà phê hơn 130 triệu đồng nhưng ông Nguyễn Văn Khang (Giám đốc Công ty) không trả tiền ngay mà hẹn 5 ngày sau sẽ trả. Tuy nhiên, đến ngày 9-3-2011, vợ chồng ông Khang đã bỏ đi đâu không rõ, tất cả điện thoại đều không liên lạc được. Lo sợ, ông Mai đã làm đơn nhờ Công an huyện Đức Cơ giúp đỡ lấy lại số tiền.

Phóng viên đang thu thập thông tin từ phía người dân. Ảnh: T.Đ
Phóng viên đang thu thập thông tin từ phía người dân. Ảnh: T.Đ
Cùng hoàn cảnh như ông Mai, ông Nguyễn Ngọc Tuyển, trú tại thôn Thống Nhất, xã Ia Din (huyện Đức Cơ) hiện đang đối mặt với nguy cơ mất vườn cà phê do không có tiền trả nợ ngân hàng. Sau nhiều năm tích lũy và vay mượn người thân, vợ chồng ông mua được 3 ha đất rẫy để trồng cà phê. Do không có tiền đầu tư, vợ chồng ông phải thế chấp mảnh vườn cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ để vay 80 triệu đồng. Sau một năm vất vả làm lụng, vụ này vợ chồng ông thu hoạch được 5 tấn cà phê vỏ. Sợ để cà phê ở nhà dần dần sẽ bán hết không có tiền trả nợ, theo lời hướng dẫn của một người quen, ông Tuyển đem 5 tấn cà phê đến Công ty TNHH một thành viên Khang Ngần ký gửi như một cách tiết kiệm, chờ đến hạn sẽ cắt giá trả nợ ngân hàng. Đến thời điểm đầu tháng 3-2011, thấy giá cà phê lên cao (23.000 đồng/kg cà phê vỏ), ông quyết định đến Công ty cắt giá để trả nợ trước hạn cho ngân hàng. Cũng với “chiêu bài” hẹn 5 ngày sau sẽ trả, nhưng chỉ hai ngày sau vợ chồng ông Khang đã “biến mất”. “Nghe người ta bảo vợ chồng ông Khang bỏ trốn, tôi vội đến nhà tìm nhưng cửa luôn đóng im ỉm, gọi điện thoại di động vào máy của vợ chồng ông Khang và con gái của ông nhưng tất cả đều tắt máy. Tôi lo lắm, không biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng đây. Giờ đây, tôi chỉ trông chờ cơ quan Công an giúp tôi lấy lại tiền”.


Nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đức Cơ đang “dở khóc, dở cười” trước thông tin vợ chồng ông Khang vỡ nợ, bỏ trốn. Những ngày qua, hàng chục người “chầu chực” trước nhà ông Khang, hy vọng tìm được vợ chồng ông để đòi tiền. Nhưng hy vọng càng ngày càng mong manh.

Lộ mặt “giám đốc lừa”

Được biết, ông Nguyễn Văn Khang (SN 1958) từ Hải Phòng vào Gia Lai làm ăn từ năm 1987. Năm 2006, ông Khang mở đại lý thu mua nông sản và mua bán phân bón, thuốc trừ sâu. Với việc kinh doanh thuận lợi và tạo được uy tín, năm 2008, ông Khang thành lập Công ty TNHH một thành viên Khang Ngần, do ông làm giám đốc. Phần lớn người trồng cà phê ở huyện Đức Cơ đều là “khách hàng” của Công ty này do thói quen tiết kiệm bằng hình thức ký gửi chờ cắt giá.

Theo thông tin từ Công an huyện Đức Cơ, từ ngày vợ chồng ông Khang bỏ đi (9-3-2011), nhiều người dân đã gửi đơn, điện thoại tố giác vợ chồng ông Khang có hành vi chiếm đoạt tài sản với số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Đồng thời, Công ty TNHH một thành viên Khang Ngần đã “huy động vốn” với số tiền gần 3 tỷ đồng từ hai ngân hàng trên địa bàn huyện. Những ngày qua, nhiều người dân do bức xúc đã tập trung trước cửa nhà ông Khang la ó, chửi bới. “Chúng tôi đã cử lực lượng đến bảo vệ tài sản, không cho người dân đập phá. Hiện tại, chúng tôi đang thu thập chứng cứ để có hướng xử lý”-Trung tá Trần Trọng Sơn- Phó Trưởng Công an huyện Đức Cơ cho biết.

Ngoài những nông dân ký gửi cà phê bị mất tiền, nhiều người vì ham lãi suất cao đã cầm cố nhà lấy tiền cho ông Khang vay để hưởng lãi suất chênh lệch. Có người do quen biết, tin tưởng đã đem tài sản của mình thế chấp ngân hàng để bảo lãnh cho ông Khang vay tiền, như trường hợp của ông Hồ Vĩnh Xuyên, trú tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ). Trong quan hệ mua bán làm ăn, ông Hồ Vĩnh Xuyên đã quen biết và thân thiết với ông Nguyễn Văn Khang. Cuối năm 2009, vì thiếu vốn làm ăn, ông Khang đã hỏi vay ông Xuyên một số tiền. Do không có tiền và tin tưởng ông Khang, ông Xuyên đã thế chấp ngôi nhà của mình để bảo lãnh cho ông Khang vay 200 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ. Đến thời điểm đáo hạn ngày 31-12-2010, ông Xuyên yêu cầu ông Khang trả nợ ngân hàng để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho ông. Thế nhưng, ông Khang đã phớt lờ và tự ý gia hạn nợ với ngân hàng mà không cho ông biết. “Chắc tôi phải bán nhà để trả nợ cho ngân hàng thôi”-ông Xuyên rầu rĩ cho biết.
Khó xử hơn, ông đã rủ em trai mình là ông Hồ Vĩnh Hiếu ký gửi khoảng 10 tấn cà phê vỏ tại Công ty Khang Ngần. Những ngày cuối tháng 2-2011, thấy Công ty ông Khang có những dấu hiệu “không đáng tin cậy”, ông Hiếu đã đến cắt giá nhưng ông Khang không đồng ý và bảo “cắt làm gì, đợi giá lên”. Đến đầu tháng 3, vợ chồng ông đến Công ty gây áp lực buộc ông Khang cắt giá. Ông Khang đồng ý cắt nhưng không đưa tiền (số tiền hơn 200 triệu đồng), rồi viết giấy tay vay lại số tiền đó hẹn vài ngày sau trả. Những ngày sau đó, vợ chồng ông Hiếu đến đòi nhiều lần nhưng ông Khang cứ hẹn lần hẹn lữa. Lần cuối cùng, ông Khang hẹn đến ngày 10-3-2011 sẽ trả, nhưng ngày 9-3, cả nhà ông bỗng dưng “mất tích” và tất cả điện thoại đều “ngoài vùng phủ sóng”. Sau sự việc trên, vợ chồng ông Hiếu giận, không nhìn mặt ông Xuyên nữa vì cho rằng chính ông Xuyên đã gián tiếp làm vợ chồng ông mất số tiền trên.

Từ trước đến nay, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng xảy ra các vụ vỡ nợ, “xù nợ” với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng từ việc thu mua, ký gửi cà phê, nhất là vào thời điểm sau vụ thu hoạch. Những tưởng người dân sẽ dần rút ra bài học “xương máu”, nhưng vì hám lợi, dẫn đến mất cảnh giác, nhiều người đã tự đặt mình vào cảnh “trắng tay”.
Trương Đình

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.