Gia Lai: Rừng phòng hộ đầu nguồn thủy lợi Ayun Hạ bị tàn phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 4-2-1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 73/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn công trình thủy lợi Ayun Hạ. Mục tiêu quy hoạch là “Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn góp phần điều tiết dòng chảy, hạn chế xói mòn, bồi lấp lòng hồ, kéo dài tuổi thọ cho công trình thủy lợi Ayun Hạ, (…) chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản bừa bãi”.
Những gốc dầu mới bị đốn hạ bằng cưa máy trong rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc địa phận xã Hbông (huyện Chư Sê). Ảnh: Tiến Dũng
Những gốc dầu mới bị đốn hạ bằng cưa máy trong rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc địa phận xã Hbông (huyện Chư Sê). Ảnh: Tiến Dũng
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, rừng phòng hộ đầu nguồn thủy lợi Ayun Hạ vẫn liên tiếp bị xâm phạm, tàn phá bởi bàn tay con người. Theo ông Nay Vân-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê, những năm trước, diện tích rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Hbông còn xảy ra hiện tượng khai thác lâm sản trái phép nhưng nay thì không vì các loại gỗ quý như cà chít, căm xe, hương đã bị khai thác hết (!?)
Còn ông Lê Trọng Tuấn-cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê, phụ trách Trạm Hbông) cho biết: Việc khai thác lâm sản trái phép ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hiện nay ít xảy ra. Song hiện tượng phá rừng, đốt nương làm rẫy thì lại đang ngày một nóng lên cùng với thời điểm giá các loại nông sản, nhất là mì tăng cao. Những người phá rừng làm rẫy một phần là người dân tộc thiểu số phía Bắc và các tỉnh, huyện lân cận đến phá rừng làm nương rẫy, một phần là người dân tộc thiểu số địa phương phá rừng lấy đất bán cho người Kinh.
Bãi tập kết gỗ cà chít làm trụ tiêu của lâm tặc ở khu vực lòng hồ. Ảnh: Tiến Dũng
Bãi tập kết gỗ cà chít làm trụ tiêu của lâm tặc ở khu vực lòng hồ. Ảnh: Tiến Dũng
Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng này chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Phương tiện phá rừng không chỉ là dao, rựa mà còn có cả cưa lốc, cưa máy. Như đêm 21-3-2011, khi đi tuần tra đến tiểu khu 1066, tổ công tác của Trạm Hbông đã phát hiện khoảng 14-15 đối tượng người dân tộc Thái và người Kinh đang dùng cưa máy đốn hạ cây rừng với diện tích khoảng 6.000 m2. Trong năm 2010, Trạm đã phát hiện và lập hồ sơ chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện 55 vụ phá rừng, đốt nương làm rẫy, vụ lớn nhất khoảng gần 2 ha. Còn từ đầu năm 2011 đến nay, Trạm đã xử lý 14 vụ có đối tượng và phát hiện gần 20 vụ đối tượng bỏ chạy.
Cũng theo ông Lê Trọng Tuấn, với nhiệm vụ quản lý bảo vệ gần 8 ngàn ha rừng, trong đó có hơn 5 ngàn ha rừng phòng hộ đầu nguồn thủy lợi Ayun Hạ, lực lượng hiện nay của Trạm Hbông (3 người-P.V) là quá mỏng, trang-thiết bị còn thô sơ. Biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm hiện vẫn còn quá nhẹ và nếu không có biện pháp xử lý cứng rắn số đối tượng phá rừng thì rừng sẽ tiếp tục mất…
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.