Bài học về sự lỏng lẻo trong quản lý cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong các ngày từ 19 đến 22-8, Tòa án Nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 5 bị cáo trong vụ án cố ý làm sai hồ sơ đất, chiếm đoạt tiền sử dụng đất lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh ta. Những kẻ tham lam đã bị trả giá. Tuy vậy, vụ án này cũng là bài học về sự lỏng lẻo trong công tác quản lý cán bộ.

Nhiều người có mặt tại phiên tòa cũng như dư luận bất bình trước sự quanh co chối tội của bị cáo Lại Văn Sơn (SN 1970), trú tại khối phố 2, thị trấn Phú Hòa (Chư Pah). Sơn cho rằng mình làm đúng quy trình thủ tục trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Phải đến ngày cuối cùng (22-8), bị cáo này mới cúi đầu nhận tội trước những chứng lý xác đáng của Hội đồng xét xử. Mức án 5 năm 6 tháng tù đã phản ánh mức độ sai phạm của Sơn trong những ngày từng làm cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Trần Hiếu
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Trần Hiếu

Theo cáo trạng, trong thời gian công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, Lại Văn Sơn đã dùng các thủ đoạn để moi tiền của dân và Nhà nước. Theo đó, trong tổng số 141 hồ sơ mà Sơn cùng đồng bọn là Nguyễn Mạnh Hải, Lưu Thị Minh nhận làm sổ đỏ cho dân thì bọn chúng đã nhúng chàm đến 132 trường hợp. Số tiền mà bọn chúng chiếm đoạt lên đến 863.090.850 đồng, trong đó Sơn chiếm đoạt gần 850 triệu đồng. Cũng theo cáo trạng, ngày 27-5-2003, UBND tỉnh có Quyết định số 59/QĐ-UB cho phép các cá nhân, hộ dân đã có đất trên khu vực 153,11 ha (vốn thu hồi từ một phần đất khu phụ trợ công trình nhà máy thủy điện Ia Ly) được làm sổ đỏ. Nhiều cá nhân, hộ dân thuộc diện trên, trong đó có nhiều trường hợp của xã Ia Ly (Chư Pah) tiến hành làm các thủ tục xin cấp sổ đỏ tại UBND xã Ia Ly và Phòng Tài nguyên và Môi trường Chư Pah. Từ đây, sự “nhanh tay” của những đối tượng phạm tội trên dần thể hiện khi các hộ dân liên hệ với chúng nhờ làm sổ đỏ giúp họ.

Lại Văn Sơn trực tiếp nhận 94 hồ sơ xin cấp sổ đỏ của các hộ dân cùng số tiền 852.454.000 đồng. Cùng phạm tội với Sơn là Nguyễn Mạnh Hải và Lưu Thị Minh (chịu cùng tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”-P.V). Minh đã nhận trực tiếp 27 hồ sơ và 223.700.000 đồng, Hải nhận 20 hồ sơ, số tiền 140.600.000 đồng. Hai bị can này sau khi nhận tiền, hồ sơ xong đều giao cả cho Sơn.

Theo kết luận giám định của Giám định viên tài chính- kế toán (Bộ Tài chính), có đến 56/79 hồ sơ của cá nhân, gia đình thuộc diện đã được cấp sổ đỏ không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính với số tiền còn phải nộp là 308.600.000 đồng. Trong số này, có 55 hồ sơ do Sơn cùng đồng bọn nhận tiền 418.630.000 đồng của dân để làm giúp. Theo kết quả giám định thì chỉ riêng số hồ sơ này đã gây thất thu  305.540.000 đồng tiền sử dụng đất. Số tiền này đã bị Sơn cùng đồng bọn chiếm đoạt.

Thực tế, thời điểm sử dụng đất của số hồ sơ này sau ngày 15-10-1993 nhưng Sơn cùng đồng bọn đã cùng nhau làm sai, ghi thời điểm sử dụng trước thời gian trên để không phải nộp tiền sử dụng đất. Bị cáo Hà Xuân Vượng- nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Ly và Phạm Văn Thịnh- nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah (cùng bị truy tố tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”) đã vô tình tiếp tay cho hành động sai trái của Sơn và đồng bọn. Họ đã cùng ký xác nhận sự hợp lệ của số hồ sơ này và tham mưu để lãnh đạo UBND huyện Chư Pah ra quyết định công nhận. Ngoài số tiền sử dụng đất, Sơn cùng đồng bọn đã chiếm đoạt thêm 74.408.400 đồng của các hộ dân.

Ngoài ra, có 86 hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cũng bị Sơn và đồng bọn “làm giá”. Bọn chúng đã đưa ra giá tiền làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ cao hơn các khoản tiền sử dụng đất, thuế, lệ phí… Có hộ dân không phải đóng thuế sử dụng đất nhưng Sơn lừa và nói là phải đóng. Tất cả những hành động trên đều nhằm mục đích chiếm đoạt. Cụ thể, Cơ quan Điều tra đã làm rõ Sơn cùng đồng bọn đã chiếm đoạt số tiền 483.142.450 đồng. Với hành vi cùng Sơn làm nên “thương vụ nổi tiếng” này, cộng với việc được chia 19.100.000 đồng tiền chiếm đoạt, Nguyễn Mạnh Hải (SN 1982), thường trú tại khối phố 2, thị trấn Phú Hòa (Chư Pah) đã bị tòa tuyên án 2 năm tù. Còn Lưu Thị Minh (SN 1976) tạm trú tại xã Ia Ly (Chư Pah), một đồng phạm trong vụ này và được chia 2.200.000 đồng đã bị tuyên án 24 tháng tù, hưởng án treo. Tòa cũng tuyên án 9 tháng tù đối với Hà Xuân Vượng (SN 1959), trú tại xã Ia Ly (Chư Pah) và 24 tháng tù cho hưởng án treo đối với Phạm Văn Thịnh (SN 1965), trú tại 39/6 Nguyễn Thái Học, phường Hội Thương, TP. Pleiku.

Đây là bài học cho những kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng và hậu quả của sự quản lý lỏng lẻo đối với thuộc cấp của cấp chủ quản.

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm