Rừng Krông Pa lại tiếp tục bị tàn phá: Chính quyền xử lý lúng túng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng Krông Pa đã và đang bị bàn tay của lâm tặc tàn phá. Điều này chính quyền và các ngành chức năng của huyện đều biết. Lâm tặc chuyển gỗ đi đường nào, bằng phương tiện gì chính quyền và các ngành chức năng của huyện cũng biết. Thế nhưng tình trạng “chảy máu” rừng nơi đây vẫn hàng ngày diễn ra…

Chiếc thuyền chở gỗ trên suối Krông Năng chiều 31-7. Ảnh: Tiến Dũng
Chiếc thuyền chở gỗ trên suối Krông Năng chiều 31-7. Ảnh: Tiến Dũng
14 giờ ngày 31-7-2009, Trưởng Công an xã Krông Năng- ông Ksor Jú nhận được tin báo của quần chúng về việc một chiếc thuyền máy đang vận chuyển gỗ trên suối Krông Năng. Ngay lập tức, ông Jú và Xã đội phó H’Vinh Nâu huy động thêm 2 công an viên, 2 dân quân mang theo súng chạy ra cầu Krông Năng. Nhìn thấy chiếc thuyền máy trên đó có 4 người (3 nam, 1 nữ) và khoảng trên 2 m3 gỗ đang chạy về hướng cầu, H’Vinh Nâu và một công an viên của xã nhảy xuống một chiếc thuyền nan của người dân bơi ra giữa dòng. Trên cầu, ông Jú lăm lăm khẩu CKC đã lên đạn sẵn sàng uy hiếp đối tượng. Khi chiếc xuồng máy tiến gần gầm cầu, H’Vinh Nâu ra hiệu cho chiếc thuyền ép sát vào lề nhưng chủ thuyền vẫn cho thuyền băng băng chạy. Thấy vậy, Ksor Jú chĩa súng xuống nước bắn cảnh cáo liên tiếp 3 phát. Tiếng súng của Ksor Jú chỉ khiến đám lâm tặc khiếp sợ cúi rạp mình xuống lòng thuyền chứ chẳng đủ để bắt chúng dừng lại. Nhìn chiếc thuyền ung dung giong thẳng về hướng xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, khuôn mặt Ksor Jú, H’Vinh Nâu và mấy công an viên, dân quân xã Krông Năng ngầu lên giận dữ. Tất cả đều hiểu rằng, họ lại phải nhận thêm một thất bại trong cuộc chiến với đám lâm tặc.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là trong suốt quá trình Công an và dân quân xã Krông Năng tổ chức chặn chiếc thuyền trên, tịnh không thấy bóng một cán bộ kiểm lâm nào. Hỏi Ksor Jú, được biết, ông đã gọi cho Ksor Toa- kiểm lâm viên phụ trách xã Krông Năng nhưng không thấy Toa nghe máy. Chúng tôi bèn gọi điện cho ông Trần Đức Lương- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa hỏi xem liệu Kiểm lâm huyện có bố trí được lực lượng để chặn chiếc thuyền lại hay không thì được ông Lương cho biết ông đang đi công tác ở xã Chư Rcăm.

Theo ông Ksor Jú cho biết, từ khoảng 2 tháng trở lại đây, Công an xã nhiều lần nhận được tin báo của quần chúng về việc bọn lâm tặc dùng thuyền vận chuyển gỗ trái phép trên suối Krông Năng. Thời điểm vận chuyển chủ yếu là buổi trưa và chiều tối hoặc các ngày nghỉ cuối tuần khi lực lượng chức năng nghỉ làm việc. Tuy nhiên, đây mới là lần đầu tiên Công an xã trực tiếp phát hiện một vụ vận chuyển gỗ trái phép bằng thuyền. Còn những vụ vận chuyển gỗ bằng xe máy thì xảy ra thường xuyên. Công an xã đã nhiều lần bắt và thu giữ được tang vật nhưng vẫn không thể ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Cũng trong chuyến công tác tại địa bàn huyện Krông Pa vừa qua, chúng tôi đã nhiều lần bắt gặp cảnh lâm tặc dùng xe máy chở gỗ khai thác trái phép từ rừng ra tại các xã Ia Mlah, Uar, Ia Rmok, Ia Dreh... khi lẻ tẻ 1-2 xe, khi đông đến cả chục xe. Ngay tại thị trấn Phú Túc, sáng ngày 1-8, 3 chiếc xe máy chở gỗ đã ngang nhiên chạy vào một nhà dân trên đường Kpa Klơng cất giấu. Theo một số người dân địa phương cho biết, ban đêm mới là thời điểm chính để lâm tặc vận chuyển gỗ từ rừng ra.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thời gian qua, ông Trần Văn Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: Thời gian gần đây, tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn có những diễn biến rất phức tạp. Trong đó, nổi lên là hiện tượng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản ở các xã phía Nam sông Ba liên quan đến các đối tượng lâm tặc trên địa bàn và từ Phú Yên qua. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp với sự tham gia của nhiều lực lượng như Công an, Quản lý Thị trường, Kiểm lâm nhưng hiệu quả không cao lắm. Lý do là bọn lâm tặc hoạt động rất tinh vi, có khi lực lượng chức năng xuất phát thì chúng đã biết rồi. Hoạt động của các xã còn yếu, làm chưa đến nơi đến chốn.

Những nhận xét, đánh giá của ông Trần Văn Mạnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Krông Pa đều rất chân thực. Song nó cho thấy, chính quyền huyện đang rất khó khăn, lúng túng và có phần bất lực trước việc những cánh rừng trên địa bàn đang hàng ngày bị tàn phá. Sự lúng túng, bất lực ấy không chỉ là chuyện riêng của huyện Krông Pa mà là thực trạng chung đang xảy ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Gia Lai đang cần được tháo gỡ. Nếu không sớm có một giải pháp hữu hiệu, không ai biết đến bao giờ những cánh rừng ở tỉnh ta mới hết “chảy máu”…
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm