Gia Lai: Triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả liên tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng (trong đó tạm giam 12 đối tượng để điều tra) về hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cơ quan Điều tra thì tổng số tiền giả mà các đối tượng này đã tiêu thụ ra ngoài thị trường lên đến 330 triệu đồng.

Lộ diện đường dây

Lý Văn Trường- Đối tượng cầm đầu. Ảnh: Thanh Hải
Lý Văn Trường- Đối tượng cầm đầu. Ảnh: Thanh Hải

Thời điểm cuối năm 2008, Công an huyện Chư Sê liên tục nhận được tin báo của nhân dân về một số đối tượng lưu hành tiền giả ở chợ Chư Sê. Lực lượng Cảnh sát Điều tra Công an huyện đã phối hợp với Công an thị trấn và Ban quản lý chợ Chư Sê tổ chức theo dõi. Đến ngày 11-12-2008, Công an huyện Chư Sê đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Oanh (SN 1969, trú tại xã Ia Dreng, huyện Chư Sê) đang mua thực phẩm và đưa cho chủ hàng một tờ tiền giả mệnh giá lớn để được người bán hàng thối lại. Tạm giữ hành chính đối với Oanh để khai thác, nhưng cũng phải mất 3 ngày sau với nhiều biện pháp đấu tranh từ vận động, thuyết phục và những bằng chứng không thể chối cãi thì đối tượng này mới chịu nhận tội. Tuy nhiên, Oanh cũng chỉ khai một số chi tiết mà cơ quan Công an đã nắm được, trong đó nổi lên một đối tượng tên Bồng- là người đã bán tiền giả cho Oanh mang đi tiêu thụ.

Ngay lập tức, Nguyễn Thị Bồng (SN 1966, trú tại xã Ia Phang, huyện Chư Sê) được triệu tập đến cơ quan Công an để điều tra làm rõ. Qua đấu tranh, khai thác, 2 đối tượng này đã lộ rõ một đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả liên tỉnh, có liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn trong cả nước nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Chư Sê đã chuyển hồ sơ vụ án và đối tượng cho Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh tiếp tục thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời vận động các đối tượng liên quan ra trình diện để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, đến ngày 20-12-2008, Nguyễn Chí Linh (SN 1968, trú tại xã Ia Dreng, huyện Chư Sê) là chồng của Nguyễn Thị Oanh đến Công an huyện Chư Sê đầu thú. Không lâu sau, Lê Thị Tuyết (SN 1968, trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê) cũng đã ra tự thú về hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả. Cơ quan An ninh Điều tra đã xem xét tính chất, mức độ, hành vi phạm tội và thái độ thành khẩn khai báo của 2 đối tượng này và quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

Truy bắt các đối tượng cầm đầu

Cơ quan An ninh Điều tra tổ chức thực nghiệm điều tra đối tượng Trần Thị Mỹ Hạnh chôn tiền giả ngoài vườn. Ảnh: Thanh Hải
Cơ quan An ninh Điều tra tổ chức thực nghiệm điều tra đối tượng Trần Thị Mỹ Hạnh chôn tiền giả ngoài vườn. Ảnh: Thanh Hải

Dù đã được cơ quan Công an vận động, kêu gọi nhưng đối tượng cầm đầu ở Gia Lai trong đường dây này vẫn ngoan cố, không ra tự thú nên đến ngày 21-4-2009, Cơ quan An ninh Điều tra đã khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Hồ Viết Thanh (tức Thanh Râu, SN 1966, trú tại xã Ia Phang, huyện Chư Sê). Thanh chính là đối tượng trực tiếp cung cấp tiền giả cho các đối tượng nêu trên mang đi tiêu thụ. Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc, Cơ quan An ninh Điều tra nhận thấy trong đường dây này còn có một số đối tượng ở các tỉnh phía Bắc là đầu mối chính cung cấp tiền giả cho Thanh nên Cơ quan Điều tra đã cử một tổ công tác do Trung tá Nguyễn Trường Chinh- Phó Trưởng phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh chỉ huy đi Cao Bằng để tiếp cận với các đối tượng ở khu vực này. Với đối tượng Hà Thị Hương (SN 1962, trú tại phường Sông Bằng, thị xã Cao Bằng), làm nghề buôn bán tại bến xe Cao Bằng thì việc tiếp cận để nắm thông tin và đưa đối tượng vào tầm kiểm soát không khó. Riêng đối tượng tên Trường, làm nghề phụ xe tải tuyến Cao Bằng- Thái Nguyên- là đối tượng trực tiếp mang tiền giả từ nước ngoài về bán lại cho Thanh thì không đơn giản. Tổ công tác sau nhiều ngày rà soát, xác minh, phát hiện ở bến xe này có tới 4 đối tượng cùng tên với đối tượng đang cần tìm; trong đó nổi lên đối tượng Lý Văn Trường (SN 1981, trú tại Quảng Uyên, Cao Bằng).

Sau khi xác minh, tổ công tác tiếp cận đối tượng và vận dụng nhanh các biện pháp nghiệp vụ, chụp hình đối tượng này và gửi qua thư điện tử về Gia Lai để tổ chức nhận diện. Nỗ lực của tổ công tác đã được bù đắp xứng đáng, 5 giờ sáng, khi tên Trường còn đang ngái ngủ thì bất ngờ bị tổ công tác của Công an Gia Lai phối hợp với Công an tỉnh Cao Bằng tra còng số 8 vào tay. Cùng thời điểm này, thị Hương cũng bị bắt giữ. Ở Gia Lai, tên Thanh cũng bị Cơ quan An ninh Điều tra bắt khẩn cấp. Đến nay, có 19 đối tượng trong đường dây bị khởi tố, trong đó Cơ quan An ninh Điều tra tạm giam 12 đối tượng, còn lại cho tại ngoại.

Thay lời kết

Trong vụ án này, có nhiều đối tượng trong cùng gia đình, dòng họ cùng tham gia vào đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả. Riêng đối tượng Hồ Viết Thanh đã lôi kéo vợ, chị gái, em gái và cả con mới 15 tuổi mang tiền giả đi tiêu thụ. Gặp chúng tôi trong trại giam, Thanh tỏ ra ân hận: “Tôi đã đẩy cả gia đình, dòng họ vào con đường tù tội. Bản thân tôi thì tội trạng đã rõ rồi, nhưng còn những người bà con, anh em… Chị gái tôi là Hồ Thị Thạnh bị bệnh lao rất nặng, chỉ vì thương chị nên tôi đã đưa cho chị 3 triệu đồng tiền giả để chị đi mua thuốc chữa bệnh, không ngờ chính tôi đã hại chị tôi..!”.

Thanh Hải

Có thể bạn quan tâm