Từ 24-8, phí thi hành án dân sự là 3%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục với nhiều điểm chi tiết về thời hiệu, phí thi hành án…

Luật Thi hành án (THA) có hiệu lực từ 1-7-2009 quy định thời hiệu THA là 5 năm (quy định cũ chỉ có 3 năm). Đối với các vụ án cũ, theo Nghị định 58, thời hiệu này chỉ áp dụng cho những trường hợp tính đến ngày 1-7-2009, mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn, vẫn chưa hết 3 năm (tức những vụ đã hết thời hiệu theo luật cũ thì không áp dụng luật mới).
Nghị định cũng quy định chi tiết việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THA. Theo đó, người phải THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà đã thi hành được ít nhất bằng 1/20, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch (thấp nhất 200 ngàn đồng, cao nhất 2 triệu đồng- PV) thì được xét miễn, giảm và phần lãi chậm THA trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn. Ngoài ra, tuy mức phí THA tăng lên 3% trên số tiền hoặc tài sản thực nhận (tối đa không quá 200 triệu đồng/đơn), nhưng nghị định quy định nhiều trường hợp không thu phí THA như: tiền cấp dưỡng, tiền lương, tiền công, bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, BHXH; hiện vật chỉ có giá trị tinh thần; số tiền, trị giá THA không quá 2 lần mức lương tối thiểu; thu hồi nợ vay cho ngân hàng chính sách…
Theo nghị định, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ tài sản, tài khoản của người phải THA có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được THA (hoặc người đại diện ủy quyền) có yêu cầu. Nếu từ chối cung cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Nếu sau một tháng người được THA gửi văn bản yêu cầu mà không nhận được thông tin phản hồi thì yêu cầu chấp hành viên (CHV) tiến hành xác minh thay nhưng phải trả phí, mức phí này do Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính quy định. Trong những vụ việc THA chủ động (những khoản thu nộp ngân sách nhà nước, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, xử lý vật chứng) thì CHV chủ động tiến hành xác minh để THA cho cả những đơn yêu cầu THA của người dân và cứ 6 tháng/lần (tối đa không quá 1 năm) CHV phải tiến hành xác minh điều kiện THA đối với những vụ việc không có điều kiện THA thuộc dạng THA chủ động. Những trường hợp bị trả đơn yêu cầu THA cũng có quyền yêu cầu THA lại nếu xác minh người phải THA có tài sản.
Ngoài những trường hợp luật quy định, nghị định còn cấm cưỡng chế THA có huy động lực lượng trong 15 ngày trước Tết Nguyên đán, các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người phải THA. Những vụ án lớn, phức tạp thì trước khi cưỡng chế 5 ngày phải thông báo cho chủ tịch UBND cùng cấp biết. Đặc biệt, trường hợp tài sản đã bàn giao bị chiếm lại thì người nhận tài sản có quyền yêu cầu UBND hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết, THA không được bàn giao lại tài sản...
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 24-8-2009.
Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.