Các cơ quan chuyên môn lúng túng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Luật chưa tiên liệu hết các mối quan hệ cuộc sống, văn bản dưới luật cũng chưa quy định rõ thẩm quyền giải quyết dẫn đến một trường hợp lần đầu tiên ở gia lai các cơ quan chuyên môn lúng túng trước khiếu nại của công dân.

Hai người đàn bà tranh chấp một đứa trẻ

Do mang thai ngoài ý muốn nên khoảng tháng 6-2005, cô N.T.B.N. (con gái của bà Nguyễn Thị B.K., thường trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) từ Gia Lai vào thành phố Hồ Chí Minh với ý định phá thai. Khi vào TP. Hồ Chí Minh, cô N. gặp được bà Trần Thị Kim Hạnh (thường trú tại 113/16A đường 11, khối phố 4, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) khuyên nên sinh con và hứa nhận đứa trẻ làm con nuôi. Ngày 13-9-2005, cô N. được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ để sinh và làm giấy chứng sinh đứng tên bà Hạnh. Do không có ý định nuôi con nên sau khi cháu bé ra đời, bà Hạnh đã nhận nuôi dưỡng đứa trẻ còn N. bỏ đi lấy chồng. Ngày 14-11-2005, bà Hạnh ra UBND xã An Điều, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương làm giấy khai sinh và đặt tên cho bé gái là Trần Thị Kim Ngân, mẹ là Trần Thị Kim Hạnh. Từ đó, bà Hạnh nuôi dưỡng cháu Ngân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đến khoảng tháng 5-2008, bà Nguyễn Thị B.K. được bà Phan Thị Liên, cư trú tại 273 Hùng Vương, TP. Pleiku báo tin là có cháu ngoại “rơi” đang ở TP. Pleiku. Lập tức bà K. từ Đức Cơ xuống TP. Pleiku thì gặp bà Hạnh cùng cháu Ngân. Cảm động trước tình cảm này, bà K. đã đưa hai mẹ con bà Hạnh về nhà mình ở Đức Cơ chơi. Bà Hạnh cũng cho biết cội nguồn của cháu Ngân và cho cháu Ngân nhận bà K. là bà ngoại. Sau một tuần bà cháu gặp nhau, bà Hạnh lại đưa cháu Ngân trở về TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Cũng từ thời gian này, bà K. thỉnh thoảng có gửi tiền vào TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ bà Hạnh trong quá trình nuôi dưỡng cháu Ngân.

Đến ngày 24-2-2009, bà K. cùng với một số người gia đình vào TP. Hồ Chí Minh xin nhận cháu Ngân về nuôi. Lúc này bà Hạnh thống nhất và có viết giấy chuyển giao quyền nuôi con cho bà K. Đồng thời, bà Hạnh giao luôn cả giấy khai sinh của cháu Ngân cho bà K. để sau này cháu Ngân thuận lợi trong việc đi học. Song, đến ngày 22-4-2009, bà Hạnh lại gửi đơn đến nhiều cơ quan yêu cầu nhờ can thiệp bà K. phải có nghĩa vụ giao trả cháu Ngân lại cho mình mà hiện nay bà K. đang nuôi dưỡng. Nguyên nhân mâu thuẫn này theo bà Hạnh là cháu Ngân không muốn ở với bà ngoại, còn bà K. cho rằng lý do vì tiền. Tuy nhiên, vụ việc giải quyết đến nay thuộc thẩm quyền của cơ quan nào vẫn chưa có câu trả lời.

Các cơ quan chuyên môn lúng túng

Về mặt pháp lý, bà Hạnh là mẹ ruột của cháu Ngân còn bà K. hoàn toàn không có quan hệ họ hàng. Về mặt thực tế, bà K. chính là bà ngoại của cháu Ngân theo quan hệ huyết thống, còn bà Hạnh chỉ là mẹ nuôi. Việc tranh chấp đối với cháu Ngân là tranh chấp ai có quyền được nuôi chứ hoàn toàn không phải tranh chấp nuôi con sau ly hôn. Hơn nữa, cô N. (mẹ ruột của cháu Ngân) không đứng đơn truy nhận con của mình mà việc làm này là tự nguyện của bà K. giành nuôi cháu Ngân.

Mặt khác, khi giao quyền nuôi cháu Ngân cho bà K., bà Hạnh có viết trong giấy chuyển quyền: “Nay tôi làm giấy này để cho ngoại nuôi đi học; tôi không gây khó khăn gì cho ngoại” và không đề cập về thời gian. Tuy đây là thỏa thuận không được pháp luật chấp nhận nhưng là cơ sở Công an huyện Đức Cơ không thể buộc bà K. phạm vào hành vi “Giữ người trái pháp luật”. Từ đó, Công an huyện Đức Cơ đã hướng dẫn bà Hạnh đến Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ để được giải quyết nhưng không viện dẫn những quy định của pháp luật.

Tương tự, ngày 21-4-2009, Sở Tư pháp cũng có Công văn số 105/STP-HCTP trả lời bà Hạnh: “Pháp luật quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (khoản 4 Điều 27 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Vậy bà cần liên hệ Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ để được hướng dẫn những thủ tục cần thiết”. Tuy nhiên, hướng dẫn này bị Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ bác bỏ: “Không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ khẳng định: Căn cứ hướng dẫn của Sở Tư pháp là không đúng. Bởi vì đây không phải là giải quyết tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ. Nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào thì luật hiện nay… tắt vì chưa tiên liệu.

Ngày 25-6-2009, Phòng Tư pháp huyện Đức Cơ đã có Công văn số 20/CV-TP gửi Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp xin hướng dẫn về nghiệp vụ để giải quyết về vụ việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồi âm từ Cục Con nuôi. Trong khi đó, làm việc với chúng tôi, các phòng, ban tham mưu cho UBND huyện đều chỉ có ý kiến chung chung là trước mắt vận động, thuyết phục bà K. có nghĩa vụ giao cháu Ngân cho bà Hạnh còn xử lý như thế nào thì… chịu!

Không lẽ luật pháp chưa tiên liệu vấn đề này thì công dân cầm đơn… chạy loanh quanh?
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.