Tái diễn nạn trộm cắp dây tiêu giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 2 năm trở lại đây, cứ mỗi khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống báo hiệu vụ trồng tiêu bắt đầu, không ít chủ vườn tiêu ở Chư Sê lại phập phồng nỗi lo mất trộm. Với giá khoảng gần chục ngàn đồng một dây tiêu giống, những vườn tiêu 1 năm tuổi (loại tiêu cho dây giống) đã và đang trở thành đối tượng để những kẻ bất lương ra tay cắt trộm.

Những ngày này, mỗi khi nghĩ đến vườn tiêu của mình ở làng Ban (xã Dun), ruột gan anh Nguyễn Cao Cường (thôn Mỹ Thạch 2, thị trấn Chư Sê) lại nóng như lửa đốt. Mùa mưa năm nay, 500 trụ tiêu vừa tròn 1 năm tuổi của anh sẽ được cắt dây bán giống. Với giá thị trường hiện nay khoảng gần chục ngàn đồng/dây, tính sơ sơ anh cũng thu về được vài chục triệu đồng. Thế nhưng, cách đây chừng nửa tháng, lợi dụng lúc vắng người, kẻ gian đã lén cắt trộm 29 trụ tiêu đẹp nhất trên vườn tiêu của anh. Tính ra, anh Cường đã mất gần chục triệu đồng do vụ cắt trộm.

Anh Cường bên trụ tiêu bị cắt trộm. Ảnh: Tiến Dũng
Anh Cường bên trụ tiêu bị cắt trộm. Ảnh: Tiến Dũng
Để bảo vệ tài sản của mình khỏi bàn tay của kẻ gian, ngay sau khi phát hiện vườn tiêu bị cắt trộm, anh Cường đã thuê 2 người ra trông giữ suốt ngày đêm. Ngoài ra, anh còn đem 2 con chó từ nhà sang để phụ người canh rẫy. Vậy mà bọn trộm vẫn chẳng sợ. Có hôm, giữa ban ngày ban mặt, chúng mò vào tận giữa vườn chuẩn bị ra tay hành động thì bị phát hiện.

Cũng ở hoàn cảnh dở khóc dở cười với vườn tiêu như anh Cường là trường hợp ông Thạch Ngọc Thông ở làng Ring Răng, xã Dun. Sáng ngày 11-6, ông Thông đi thăm rẫy và chết lặng khi phát hiện thấy 100 trụ tiêu của mình đã bị kẻ gian cắt trộm. Không còn dây tiêu để bán đã đành, theo ông Thông, rất nhiều trụ sẽ phải trồng lại vì bị cắt sát tận gốc, không thể phục hồi được. Ông Thông đã báo cáo sự việc lên Công an xã và Công an huyện nhưng đến nay, thủ phạm vẫn chưa được tìm ra.

Việc kẻ gian cắt trộm dây tiêu giống ở Chư Sê không phải là chuyện bây giờ mới xảy ra. Trước đó, theo ông Nguyễn Sỹ Thắng- Trưởng Công an xã Dun, trong năm 2008, trên địa bàn xã Dun đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Tại khu vực rẫy làng Ban, hộ ông Trường và ông Lĩnh đã bị cắt trộm tổng cộng khoảng 800 dây tiêu không tìm ra thủ phạm. Còn trường hợp ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn 5 mất 60 dây, Công an xã đã bắt được 2 đối tượng cắt trộm là Rơ Lan Ku và Rơ Lan Phin (cùng trú tại làng Tàu Roòng, xã Dun) khi chúng đang trên đường mang dây tiêu đi bán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn trộm cắp dây tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê mới chỉ xuất hiện từ năm ngoái. Đây cũng là quãng thời gian giá hồ tiêu trên thị trường đang hồi phục, đem lại lợi nhuận lớn cho người trồng tiêu. Vì thế, khá đông những người nông dân vốn trước đó thờ ơ với cây tiêu đã quay lại trồng khiến nhu cầu dây giống tăng lên trong khi nguồn cung cấp còn hạn chế. Trong hoàn cảnh người nông dân có tiền chưa chắc mua được giống tiêu, các vườn tiêu 1 năm tuổi đã trở thành đối tượng để các đối tượng trộm cắp ra tay đem bán kiếm lợi. Sự hoành hành của bọn “đạo chích” đã khiến nhiều hộ trồng tiêu tỏ ra hoang mang, lo lắng. Anh Nguyễn Cao Cường cho biết: “Trông thì trông thế thôi chứ cũng chẳng chắc đã thoát được bọn trộm. Giờ tôi chỉ mong sớm có người mua dây để cắt bán, vừa có tiền đầu tư, vừa khỏi nhọc công trông giữ”.

Thời điểm này mới là đầu mùa trồng tiêu, nhu cầu của người dân còn thấp nên hoạt động của đám trộm cắp dây tiêu vẫn còn ít. Tuy nhiên, với thực tế nguồn dây tiêu giống khan hiếm và có giá cao như hiện nay, khả năng các vụ trộm cắp dây tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê tiếp tục xảy ra là cực lớn. Hy vọng rằng, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình; đồng thời, chính quyền và các ngành chức năng huyện Chư Sê cũng cần tích cực trong công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm