Rừng Krông Pa tiếp tục bị tàn phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vài năm trước, rừng Krông Pa, Gia Lai, đã bị lâm tặc “đào tận gốc, trốc tận rễ” khi cơn sốt gỗ trắc lên đến đỉnh điểm. Bây giờ, cũng tại những vạt rừng này những cây gỗ hương, cà te lại tiếp tục bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc...

“Chưa lên da non lại chảy máu”

Ba năm trước, khi cơn sốt gỗ trắc lên đến đỉnh điểm, những cánh rừng ở Krông Pa trở thành  “miếng mồi ngon” để lâm tặc khắp nơi đổ về “xẻ thịt”. Thời điểm ấy, tại các xã: Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar, Ia Dreh, Đất Bằng, Chư Drăng... nhiều đêm, người dân phải mất ngủ bởi tiếng ồn của những chiếc xe máy chở gỗ. Hình ảnh “ấn tượng nhất” về sự tàn phá rừng Krông Pa là trên 100 ster gốc, rễ, củi trắc được chất đầy trong 2 chiếc xe container và một xe tải lớn đang trên đường đi tiêu thụ bị phát hiện và bắt giữ ngày 9-9-2007. Đến khi cơn sốt gỗ trắc đi qua, cũng là lúc nhiều vạt rừng Krông Pa đã bị cày phá xác xơ, trơ trụi.

Gỗ trái phép bị thu giữ tại Công an huyện Krông Pa. Ảnh: Tiến Dũng
Gỗ trái phép bị thu giữ tại Công an huyện Krông Pa. Ảnh: Tiến Dũng
3 năm sau, khi những vết thương do cơn sốt gỗ trắc gây ra chưa kịp lên da non, rừng Krông Pa lại phải đối mặt với một cuộc tàn phá mới. Lần này, đích nhắm của lâm tặc là những cây gỗ hương, cà te. Không đông đúc, ồn ào như trước, nhưng tại các địa bàn trọng điểm như: Chư Drăng, Ia Dreh, Ia Rsai... không khó để nhận ra bóng dáng của những kẻ đang ngày ngày “xẻ thịt” rừng. Theo một người dân ở xã Chư Drăng, bất kể ngày hay đêm, hễ vắng mặt lực lượng Kiểm lâm hay Công an xã là đám lâm tặc lại chất gỗ lên xe chạy vù vù. Theo ông Trần Đức Lương- Hạt phó Hạt Kiểm lâm Krông Pa, thủ đoạn của các đối tượng này cực kỳ liều lĩnh. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi, bọn chúng sẵn sàng “cắt” gỗ để cản đường. Nếu vẫn không thoát, chúng liền vứt bỏ xe để tháo thân. Ngoài ra, kể từ ngày đập dâng thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, lâm tặc còn có thêm cách chuyển gỗ bằng xuồng xuôi theo sông Ba. Chúng buộc gỗ dưới thân xuồng để dễ bề che mắt lực lượng chức năng. Nếu bị phát hiện, chúng sẽ dùng dao cắt dây thả gỗ xuống đáy sông để phi tang.

Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã phát hiện và xử lý 68 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 60 vụ vận chuyển, mua bán, cất giấu trái phép lâm sản. Qua đó, tịch thu gần 49 m3 gỗ từ nhóm I đến nhóm VIII (trên 42 m3 gỗ nhóm I), 2 xe độ chế, 2 chiếc xuồng và 12 xe máy tang vật.

Mai sau liệu có còn rừng?

Con số 68 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng được các lực lượng chức năng huyện Krông Pa Phát hiện và xử lý trong 6 tháng đầu năm 2009 so với mức độ chung của toàn tỉnh (700 vụ) thuộc vào loại cao nhất. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đấy vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Chỉ mới đây thôi, vào ngày 30-6, trong khi đang làm nhiệm vụ, kiểm lâm viên phụ trách xã Đất Bằng- ông Hoàng Thái Cảnh và Công an viên Rơ Ô Phong đã phát hiện 3 xe máy, trong đó có 2 xe chở gỗ, một xe chở cưa lốc đi từ trong rừng ra. Khi ông Cảnh và ông Phong đang tiến hành kiểm tra, lập biên bản và đợi Công an xã Đất Bằng đến hỗ trợ để đưa các đối tượng cùng tang vật về xử lý thì 3 đối tượng trên cùng 4 đồng bọn được điện thoại kéo đến giải cứu đã tấn công khiến ông Cảnh và ông Phong ngất xỉu phải cấp cứu tại bệnh viện.

Gỗ và xe máy của lâm tặc bị thu giữ tại Công an huyện. Ảnh: Tiến Dũng
Xe máy của lâm tặc bị thu giữ tại Công an huyện. Ảnh: Tiến Dũng
Việc lâm tặc tấn công kiểm lâm viên và công an viên như trên chỉ là cá biệt song phần nào cho thấy sự yếu kém của lực lượng chức năng huyện Krông Pa trong cuộc chiến giữ rừng. Cũng theo ông Trần Đức Lương, hoạt động bảo vệ rừng trên địa bàn thời gian qua chưa phát huy hiệu quả cao vì còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có 13 xã có rừng với diện tích trên 100 ngàn ha nhưng chỉ có 12 kiểm lâm viên phụ trách xã. Dù đã có quy chế phối hợp giữa kiểm lâm viên phụ trách xã với chính quyền các xã, tuy nhiên một số nơi như Ia Dreh, Chư Drăng... chính quyền còn ít quan tâm đến công tác bảo vệ rừng. Cá biệt, có nơi Công an, dân quân xã còn làm ngơ trước hoạt động của lâm tặc, thậm chí không ủng hộ khi anh em kiểm lâm làm việc. Tại địa bàn xã Ia Dreh- địa bàn trọng điểm về hoạt động của lâm tặc thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện còn nhận được thông tin về việc kiểm lâm viên phụ trách xã này hay bỏ nhiệm vụ trong giờ làm việc... 
***

...3 năm trước, rừng Krông Pa đã một lần bị lâm tặc tàn phá trong cơn sốt gỗ trắc. Hiện tại, những cánh rừng đang ngày càng cạn kiệt lại tiếp tục bị xâu xé nhưng chính quyền và các ngành chức năng ở huyện vẫn chưa cho thấy một giải pháp hiệu quả để chặn đứng bàn tay của lâm tặc. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, chả ai biết, mai sau Krông Pa liệu có còn rừng?
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm