Vì sao 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt tạm giam ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa còn có nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa. Cả 3 bị khởi tố, bắt tạm giam bởi cùng tội danh liên quan đến các dự án tại núi Chín Khúc.

Núi Chín Khúc bị băm nát bởi các dự án sai phạm - ẢNH: PHAN LÊ
Núi Chín Khúc bị băm nát bởi các dự án sai phạm - ẢNH: PHAN LÊ


Chiều 8.6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo quy định tại điều 229, bộ luật Hình sự, xảy ra tại dự án (DA) sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và DA biệt thự sông núi Vĩnh Trung (thuộc khu vực núi Chín Khúc); đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và bắt bị can để tạm giam đối với 2 cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa, là ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi, nhiệm kỳ 2011 - 2016) và ông Lê Đức Vinh (56 tuổi, nhiệm kỳ 2016 - 2021); và ông Lê Mộng Điệp (66 tuổi, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa). Cả ba bị can cùng bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Đến khoảng 19 giờ ngày 8.6, việc khám xét tại nơi ở của các ông Lê Đức Vinh (đường Thống Nhất), Nguyễn Chiến Thắng (đường Trịnh Phong) và Lê Mộng Điệp (xã Vĩnh Hiệp, cùng thuộc TP.Nha Trang) kết thúc; CQĐT thu giữ nhiều tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.

 

 Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Nguyễn Chiến Thắng chiều tối 8.6
Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Nguyễn Chiến Thắng chiều tối 8.6


Cấp phép tràn lan dự án trên đỉnh núi

Núi Chín Khúc là ngọn núi rất lớn, thuộc địa phận TP.Nha Trang, H.Diên Khánh và H.Cam Lâm (Khánh Hòa). Hiện chưa có thống kê về diện tích, nhưng theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, núi này đang thực hiện DA trên diện tích khoảng 700 ha. Theo báo cáo ngày 19.12.2018 của UBND TP.Nha Trang, khu vực núi Chín Khúc có các DA: Khu đô thị đồi Đất Lành; khu sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và khu dịch vụ cáp treo, bãi đậu xe; khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung; kinh tế trang trại Vĩnh Trung; khu biệt thự và sinh thái Đất Lành; khu đô thị City View; khu tái định cư Đất Lành; khu dân cư phía tây khu tái định cư Đất Lành.

 


Trước ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Lê Đức Vinh và ông Lê Mộng Điệp vừa bị khởi tố, bắt tạm giam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa hôm 20.5 vừa qua cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đào Công Thiên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, và ông Võ Tấn Thái, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa. Ông Thiên và ông Thái liên đới sai phạm về đất đai trong nhiều dự án, bao gồm vụ giao chỉ định khu đất “vàng” Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP.Nha Trang (Thanh Niên đã phản ánh).

Trong các DA đã thi công tại núi Chín Khúc, có 2 DA do Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đầu tư, là DA sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (513,3 ha) và DA biệt thự sông núi Vĩnh Trung (19,65 ha) có liên quan trực tiếp đến việc khởi tố ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, vì vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, DA khu sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự được cho chủ trương đầu tư từ 2009, và trong khoảng từ năm 2009 - 2015 đã qua 4 lần điều chỉnh. Sau khi có chủ trương đầu tư, chủ đầu tư nhanh chóng mở đường lên đỉnh Chín Khúc. Tuy nhiên, DA sau đó phải dừng lại do bị thanh tra. Đáng nói, DA này chưa triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa lập hồ sơ thiết kế... nhưng nhà đầu tư đã san ủi với tổng diện tích 44 ha, trong đó diện tích san ủi mở đường là 7 ha. Nghiêm trọng hơn, DA khu sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất ở, nhưng trong quyết định giao đất năm 2015 của tỉnh Khánh Hòa có 7.500 m2 thể hiện là đất ở.

DA biệt thự sông núi Vĩnh Trung được cho chủ trương đầu tư từ 2011. DA bao gồm đất xây dựng biệt thự 5,2 ha, đất dịch vụ thương mại hơn 3.800 m2, đất giao thông, bãi đỗ xe 4,7 ha và đất công viên cây xanh 8 ha... Dù chưa có giấy phép xây dựng, chưa hoàn thiện một số thủ tục cần thiết nhưng chủ đầu tư đã triển khai san ủi, làm các hạng mục DA.

 

Ông Nguyễn Chiến Thắng (trái) và ông Lê Đức Vinh khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Ông Nguyễn Chiến Thắng (trái) và ông Lê Đức Vinh khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa


Sai phạm kéo dài qua nhiều giai đoạn

Một phần núi Chín Khúc thuộc địa bàn TP.Nha Trang, có độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, bị “băm nát” bởi các DA và thường xuyên sạt lở trong mùa mưa đã khiến dư luận rất bức xúc. Trong khi đó, trong các DA thông qua chủ trương đầu tư ở núi Chín Khúc, chỉ DA biệt thự sông núi Vĩnh Trung có đánh giá tác động môi trường.

Ngoài 2 DA sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, biệt thự sông núi Vĩnh Trung, ông Nguyễn Chiến Thắng vào năm 2012 còn ký giấy chứng nhận đầu tư cho chính Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa thực hiện DA khác quy mô lớn, là khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành (khoảng 131 ha) cũng tại khu vực núi Chín Khúc. DA này gồm 2 khu: khu A có diện tích sử dụng 7,5 ha và khu B có diện tích hơn 123,2 ha. Khu A được xác định làm khu biệt thự để bán; còn khu B được xác định trồng rừng nhưng có diện tích đất xây dựng cơ bản gần 10 ha. Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hơn 123,2 ha trên là đất rừng sản xuất, chỉ có 0,19 ha là đất ngoài lâm nghiệp.

Qua rà soát, kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy các DA tại khu vực núi Chín Khúc triển khai qua nhiều giai đoạn, kéo dài và có nhiều thiếu sót trong quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục, xử lý các sai phạm.

Để khắc phục những DA “chưa tốt” trên núi Chín Khúc, năm 2019 UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định thu hồi hơn 3,7 triệu m2 đất của Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa thực hiện DA trên núi Chín Khúc. Theo quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết lý do thu hồi đất “do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất do không còn nhu cầu sử dụng”.

 


Ông Nguyễn Chiến Thắng từng giữ chức Bí thư Thành ủy Cam Ranh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trước khi là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016. Còn ông Lê Đức Vinh từng làm Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trước khi là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trước khi bị bắt giam, tháng 11.2019, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Thắng và ông Vinh vì có những sai phạm rất nghiêm trọng trong quá trình công tác.

Tháng 12.2019, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và xóa tư cách Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với ông Lê Đức Vinh; quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Đối với ông Lê Mộng Điệp (nguyên Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa), tháng 9.2020, theo thẩm quyền, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông vì đã vi phạm luật Đất đai năm 2003, luật Đất đai năm 2013 và quy định về những điều đảng viên không được làm.

Liên quan những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở Khánh Hòa diễn ra suốt thời gian dài, qua nhiều nhiệm kỳ, gây thất thoát ngân sách và bức xúc dư luận, Thanh Niên đã có nhiều loạt bài phản ánh như Đất “kim cương” nhà nước vào tay tư nhân với giá bèo (từ 20 - 23.7.2020), Bất thường vụ đổi “đất vàng” ở Nha Trang (từ 10 - 11.10.2020), Vì sao Khánh Hòa phải lo xử lý sai phạm về đất đai? (từ 17 - 20.5.2021)... Thanh tra Chính phủ đã thanh tra các dự án tại Khánh Hòa, nhưng chỉ mới có kết luận các vụ việc liên quan từ 2010 - 2017 với khoảng 35 dự án sai phạm; các giai đoạn sau vẫn đang làm. Hiện nay, có khoảng 10 vụ việc Bộ Công an chuyển cho Khánh Hòa điều tra, xử lý theo quy định; tuy nhiên, địa phương bị Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng và Ban Nội chính T.Ư cho là làm chậm, yêu cầu phải quyết liệt hơn.

Theo Hiền Lương-Phan Lê (TNO)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.