Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Có vắc xin nhưng vẫn phải thực hiện tốt 5K

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 24-2, Thường trực Chính phủ có cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 và các địa phương để nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh tại 13 tỉnh, thành phố và phương hướng xử lý dịch trong thời gian đến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Trung ương.


Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh; TS. Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.

11/13 tỉnh, thành phố đã khống chế, kiểm soát được dịch

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước việc các địa phương đã quyết liệt kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng cho biết, cuộc họp sẽ chốt lại một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh về chủ trương sớm giải quyết vấn đề lưu thông hàng hoá rút kinh nghiệm từ tỉnh Hải Dương, qua đó có giải pháp về việc tiêu thụ hàng hóa trong mùa dịch.

Về vấn đề vắc xin, Chính phủ, Bộ Y tế đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có kết luận về việc quyết liệt mua vắc xin bằng nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời vì đây là mong mỏi của toàn thể nhân dân.

Ngoài ra, Thường trực Chính phủ muốn nghe kiến nghị của các địa phương để có quyết sách cụ thể đối với một số vấn đề nhằm sớm mở cửa nền kinh tế trên cơ sở không chủ quan với dịch bệnh. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” tốt hơn khi bây giờ là cuối tháng 2. Bên cạnh kiểm soát tốt dịch bệnh, việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh rất quan trọng, nếu không nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện


Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Từ ngày 25-1-2021 đến sáng 24-2, Việt Nam ghi nhận 809 trường hợp mắc Covid-19 tại 13 tỉnh, thành phố; trong đó, 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hải Dương. Tổng lũy tích số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Việt Nam đến nay là 2.401 (1.469 ca trong nước).

Đến ngày 24-2, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát tại 11/13 tỉnh, thành phố khi gần 2 tuần qua không ghi nhận ca mắc mới. Riêng tỉnh Gia Lai đã 13 ngày qua không ghi nhận ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Tổng số ca dương tính toàn tỉnh Gia Lai là 27 và đã có 5 bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện.

Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, khẩn trương quay trở lại lao động, sản xuất và duy trì các biện pháp phòng-chống dịch ngay sau kỳ nghỉ Tết, không để xảy ra các tình huống phức tạp về dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề vắc xin sẽ ưu tiên tiêm cho các địa phương đang xảy ra dịch bệnh và ưu tiên cho các vùng đang xảy ra dịch bệnh tại địa phương đó. Với 117 ngàn liều vắc xin mua từ Astra Zeneca đã về Việt Nam, sẽ ưu tiên tiêm cho các nhân viên y tế tại các cơ sở cách ly đang điều trị bệnh nhân Covid-19, thành viên tổ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung.

Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thương thảo với các đối tác, nhà sản xuất, phân phối để tiếp nhận tài trợ, mua, nhập khẩu và điều phối sử dụng 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trước mắt là 30 triệu liều từ Astra Zeneca để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong năm 2021.

Vừa phòng-chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế

Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác phòng-chống dịch.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta thấy Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các địa phương đã rất tích cực, quyết liệt trong phòng-chống dịch. Kết quả rất đáng mừng là đã có 11/13 tỉnh, thành phố kiểm soát được dịch; chỉ còn 2 địa phương có ca nhiễm mới đang được kiểm soát chặt chẽ.

Các đại biểu tại điểm cầu Gia Lai nghe Thủ tướng kết luận. Ảnh: Như Nguyện
Các đại biểu tại điểm cầu Gia Lai nghe Thủ tướng Chính phủ kết luận cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện


Thủ tướng biểu dương Ban Chỉ đạo Quốc gia, các địa phương, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan, các cá nhân cũng như nhiều tấm gương điển hình, nhân văn hỗ trợ người dân và ngành Y tế trong phòng-chống dịch. Biểu dương các địa phương đã xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng-chống dịch để răn đe; làm tốt công tác truy vết F1. Bộ Y tế đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương có vắc xin cho nhân dân trong thời gian sớm nhất.

Đến giờ phút này, đã có hơn 100 ngàn liều vắc xin về Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân. Trong thời gian đến, vắc xin sẽ về Việt Nam với khối lượng nhiều hơn và tổ chức tiêm kịp thời cho người dân. Chiến lược của chúng ta là vắc xin cộng với 5K; trước hết là đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và các biện pháp khác mà Bộ Y tế đã nêu; không vì vắc xin mà chủ quan, các chuyên gia cũng đã khuyến cáo vấn đề này.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế, của Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị có ý kiến, Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế dự thảo một nghị quyết về tiêm vắc xin với đối tượng được ưu tiên miễn phí. Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vắc xin, tinh thần là có đủ vắc xin cho người dân Việt Nam nhưng không thể tiêm một lúc tất cả mà có kế hoạch cụ thể, ưu tiên cho một số đối tượng có nguy cơ cao trước, đối tượng nguy cơ thấp sau, vùng có dịch trước, vùng không có dịch sau. Thủ tướng giao Bộ Y tế làm đầu mối tiếp nhận các kênh vắc xin về Việt Nam để có nhiều loại vắc xin phù hợp điều kiện trong nước với giá rẻ, minh bạch, đủ vắc xin tiêm cho nhân dân.

Thủ tướng cũng lưu ý 3 cực tăng trưởng Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh phải đảm bảo tiếp tục lưu thông hàng hóa, không “ngăn sông cấm chợ”. Giao Bộ Công thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế họp bàn ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Đối với các tỉnh, nhất là các tỉnh có dịch, cần có các biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đẩy mạnh việc dạy học trực tuyến đảm bảo việc học tập cho các em học sinh. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, các địa phương chuẩn bị tốt khu vực cách ly đảm bảo yêu cầu phòng-chống dịch, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường kiểm tra, giám sát điểm cách ly y tế, không để xảy ra lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường biển, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra vượt biên trái phép gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bộ Y tế, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương chuẩn bị một số khu vực giao dịch cần thiết, an toàn, không để ách tắc lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản cho người dân. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, các cơ quan truyền thông, báo chí, UBND các tỉnh, thành phố thông tin truyền thông các biện pháp phòng-chống dịch trên tinh thần truyền thông vì lợi ích, không giật gân, gây sốt và không gây hoang mang dư luận.

Các địa phương phải đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường, không “ngăn sông cấm chợ”; tích cực chủ động sản xuất an toàn, không được chủ quan; yêu cầu các cấp, các ngành trong cả nước, các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế… “Tinh thần chủ động, tích cực, không được chủ quan nhưng không được buông lỏng trong phòng-chống dịch. Những nơi đang có dịch phải tiếp tục khoanh vùng, xử lý nghiêm để không còn dịch”-Thủ tướng nhấn mạnh.

NHƯ NGUYỆN
 

 

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.