Xuất lộ cuộc 'ngã giá' tiền tỉ nâng điểm thi ở Sơn La

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Sơn La, khai rành rọt những cuộc trao đổi nhờ sửa bài thi và cả mức tiền “cảm ơn” sau khi hoàn tất nâng điểm.

 

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga trong phiên xét hỏi chiều 16-10 - Ảnh: DANH TRỌNG
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga trong phiên xét hỏi chiều 16-10 - Ảnh: DANH TRỌNG



Sau khi viện kiểm sát công bố cáo trạng, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La chiều 15-10 chuyển sang phần thẩm vấn các bị cáo. Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, là người đầu tiên.

Bà Nga từ lúc được áp giải tới tòa đến khi lên bục khai báo luôn cúi đầu. Trả lời nhiều câu hỏi với giọng lí nhí nhưng liên quan đến việc nhận tiền để sửa bài thi nâng điểm thì bà Nga nhớ khá rõ và trả lời rất chắc chắn.

Bị cáo Nga cho biết mình là thành viên tổ thư ký, ủy viên hội đồng thi, ủy viên ban thư ký, ủy viên ban vận chuyển và bàn giao đề thi, ủy viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia tại Sơn La năm 2018.

Bà Nga được ông Trần Xuân Yến - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - phân công cùng phụ trách việc quét (scan) bài thi, kiểm tra, đối chiếu và sửa lỗi kỹ thuật trong quá trình quét, sử dụng đĩa CD chứa dữ liệu chấm thi của Bộ GD-ĐT, chấm điểm cho từng bài thi…

Nhận hơn 1 tỉ nâng điểm 4 bài thi

Ngay từ đầu phần thẩm vấn, bị cáo Nga thành khẩn thừa nhận "đã làm sai chức năng nhiệm vụ" được giao trong kỳ thi: dùng phần mềm xóa dữ liệu, sửa chữa đáp án, câu trả lời của bài thi trắc nghiệm các thí sinh cần nâng điểm, theo chỉ đạo của bị cáo Yến.

Bà Nga cũng thừa nhận đã cùng bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn lấy khóa phách phòng 2 để tra tìm khóa phách bài thi môn tự luận ngữ văn và nâng điểm.

"Trước kỳ thi, anh Yến gọi bị cáo sang phòng và nói có trường hợp là con của sếp và con em một số cán bộ cần nâng điểm bài thi trắc nghiệm thì làm như thế nào. Bị cáo trả lời chỉ có cách xóa đi và tô lại đáp án", bị cáo Nga khai.


 

Thẩm phán Quản Hữu Chiến, chủ tọa phiên tòa, thẩm vấn bị cáo Nga chiều 15-10 - Ảnh: DANH TRỌNG
Thẩm phán Quản Hữu Chiến, chủ tọa phiên tòa, thẩm vấn bị cáo Nga chiều 15-10 - Ảnh: DANH TRỌNG



Bà Nga cũng nói với ông Yến rằng muốn nâng điểm thì túi bài thi không được niêm phong và "phải có sự tạo điều kiện của công an đưa bài thi ra ngoài".

Bị cáo Nga khai nhận nâng điểm cho thí sinh là con của một người thân quen. Bị cáo còn nhận "đặt hàng" từ ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP Sơn La, với 4 trường hợp, nâng 24-27 điểm mỗi trường hợp.

"Anh Điện có nói với bị cáo là gia đình người ta sẽ cám ơn trường hợp này như này, trường hợp kia như kia, nghĩa là sẽ cám ơn sau", bà Nga khai.

"Cám ơn bằng gì?", chủ tọa truy.

"Cám ơn bằng tiền", bà Nga trả lời rành rọt rằng ông Điện không đưa luôn tiền lúc đó.

"Họ có nói mức cám ơn bao nhiêu không?", chủ tọa tiếp tục đặt vấn đề.

Bị cáo Nga tiếp tục khai: Ông Điện nói 3 trường hợp cám ơn 230 triệu, còn trường hợp khác gia đình sẽ cám ơn 350 triệu. Cuộc "ngã giá" để nâng điểm này được thực hiện sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi.

"Anh Điện đã đưa cho bị cáo 1,040 tỉ đồng. Thời điểm đưa tiền là sau khi công bố điểm thi, khoảng 14-7-2018", bà Nga khá chắc chắn về số tiền mình đã nhận để nâng điểm, và cho biết thêm ngoài số tiền 1 tỉ đã nộp lại cho cơ quan công an, 40 triệu còn lại đã cho bị cáo Lò Văn Huynh, nguyên trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, vay đến nay chưa trả lại.

Bà Nga còn khai việc nhận tiền 1,040 tỉ từ ông Điện diễn ra tại nhà của bố mẹ bị cáo. Khi đưa không có ai ở đấy chứng kiến. "Khoản tiền này bị cáo cất ở nhà sau đó cất sang nhà ông bà. Khi cơ quan điều tra phát hiện, bị cáo giao nộp", bà Nga khai.

Nâng điểm vì quan hệ với sếp và đồng nghiệp

Ngoài việc không nhớ rõ tên thí sinh được nâng điểm thì bà Nga khai khá chi tiết những quan chức trong tỉnh nhờ nâng điểm, cùng số lượng thí sinh: Trước kỳ thi, ông Trần Văn Phúc, hiệu trưởng Trường THPT Cò Nòi, có đến tận phòng nhờ nâng điểm cho cháu.

"Bị cáo trả lời cứ để đấy xem thế nào chứ chưa hứa trước điều gì", bà Nga nói.

Bị cáo Nga nhận của Nguyễn Ngọc Hà, trưởng phòng giáo dục THPT, tất cả 8 trường hợp cần nâng điểm, trong đó có trường hợp của con ông Hà. "Anh Hà đưa danh sách bằng hai tờ giấy viết tay. Khi đưa anh Hà nói có cả trường hợp 'sếp' nhờ", bà Nga nhớ lại.

Tòa công bố danh sách 8 thí sinh được ông Hà nhờ nâng điểm và bị cáo Nga xác nhận là đúng.

Ngoài ra, bị cáo Lò Văn Huynh đưa cho bị cáo Nga 3 tờ giấy ghi tên 7 thí sinh cần nâng điểm. Bị cáo Nga cũng khai được ông Nguyễn Duy Hoàng, phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhờ nâng điểm 1 thí sinh chính là con gái ruột của ông Hoàng.

"Ông nói bằng lời và bị cáo ghi lại tại phòng làm việc của mình. Ông Hoàng nhờ nâng điểm cao, khoảng 27 điểm", bị cáo Nga khai rồi cúi đầu, hai tay luôn đan trước bụng.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT thời điểm đấy là Trần Xuân Yến đưa danh sách cho bị cáo Nga nhờ nâng điểm 13 thí sinh. Các bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng cũng đưa danh sách thí sinh nhờ bị cáo Nga nâng điểm.

"Tổng tất cả bị cáo được nhờ nâng khoảng 39 thí sinh. Danh sách này đã được nộp hết cho cơ quan công an", bà Nga vẫn vừa khai vừa cúi đầu.


 

 Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La - Ảnh: DANH TRỌNG
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La - Ảnh: DANH TRỌNG



"Ngoài những trường hợp bị cáo khai nhận tiền để nâng điểm thì những trường hợp còn lại động cơ để bị cáo nâng điểm là gì?", chủ tọa đặt vấn đề.

"Các trường hợp còn lại bị cáo nhận nâng điểm mục đích chỉ là để giúp đỡ mọi người. Lý do vì quan hệ cấp trên cấp dưới, bạn bè đồng nghiệp, cùng làm việc với nhau, hỗ trợ lẫn nhau.

Ví dụ anh Huynh là cấp trên của bị cáo ở tổ chấm tự luận, chị Nhàn là cấp trên ở tổ dập phách, anh Yến là lãnh đạo đầu ngành của bị cáo. Các anh Đỗ Khắc Hưng là công an giám sát trong kỳ thi, Trần Văn Phúc trước đây công tác cùng phòng", bị cáo Nga lí nhí và ngập ngừng khi nhắc tên từng người nhờ nâng điểm.

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG  (TTO)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.