Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được đưa vào TP HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh được đưa ra sân bay để vào an táng tại nghĩa trang TP HCM sau lễ viếng, truy điệu tại Hà Nội trong sáng nay 3/5.

 

 Hai ngày Quốc tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu lúc 6h sáng nay 3/5, khi cờ rủ được kéo lên tại quảng trường Ba Đình. Lễ viếng diễn ra sau đó một giờ tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng đầu tiên. Sau khi Thủ tướng thắp hương trước linh cữu, Đoàn dành một phút mặc niệm và bước chậm rãi vòng quanh linh cữu tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Nhiều vị lãnh đạo đã dừng lại hồi lâu, nắm tay thăm hỏi chia sẻ nỗi đau mất mát với gia quyến. Tiếp đó là đoàn viếng của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam...


 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương tại lễ viếng. Ảnh: Giang Huy
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương tại lễ viếng. Ảnh: Giang Huy


Nhiều đoàn quốc tế đã đến viếng, trong đó có đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia do Thủ tướng Hunsen dẫn dầu; Đoàn đại biểu cấp cao Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane dẫn đầu.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết sổ tang. Ảnh: Giang Huy
Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết sổ tang. Ảnh: Giang Huy



Trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh, "nhà lãnh đạo xuất sắc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, cũng như trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam".

Ghi sổ tang của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đoạn, "Đại tướng là một nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực, giàu lòng nhân ái và cuộc sống giản đơn".


 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại lễ viếng. Ảnh: Giang Huy
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại lễ viếng. Ảnh: Giang Huy



Theo Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, hơn 1.000 đoàn trong nước, quốc tế đã đến viếng cố Đại tướng Lê Đức Anh. Nhiều nước gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Trong dòng người chờ vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh từ sáng sớm là ông Phạm Xuân Hương (77 tuổi, Hà Nội), cựu binh lái tàu không số và một số đồng đội. Người cựu binh vẫn rất nhớ, cuối năm 1964, ông vinh dự được làm thợ máy trên chuyến tàu chở thủ trưởng Lê Đức Anh từ miền Bắc vào Nam. "Chúng tôi nhận được lệnh đến bến K15, Hải Phòng đón đoàn lãnh đạo cấp cao vào Cà Mau. Sau này tôi mới biết rằng trên chuyến tàu đó có tướng Lê Đức Anh. Chuyến đi gian khó nhưng rất tự hào", ông Hương kể.

Tại lễ truy điệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc lời điếu, nhấn mạnh "Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp; là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả".

Điếu văn nêu rõ, ở bất kỳ cương vị nào, "Đại tướng Lê Đức Anh luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận "chiến tranh nhân dân" và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước".


 

 Đoàn Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng tại lễ viếng. Ảnh: Gia Chính
Đoàn Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng tại lễ viếng. Ảnh: Gia Chính



"Chúng tôi mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi. Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng tôi xin trân trọng gửi đến toàn thể gia quyến đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phát biểu đáp từ, ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng đội, bạn bè và người thân đã luôn bên cạnh Đại tướng. Ông cũng cảm ơn các thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho ba ông trong nhiều năm.

Người con trai của nguyên Chủ tịch nước xúc động chia sẻ: "Gia tài của ba để lại cho con cháu thật là đồ sộ và quý giá. Đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương để vị tha, nhân hậu để vị tha. Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba. Chúng con chào ba, ba về bên mẹ, bên bạn bè thời khói lửa và thời bình yên. Vĩnh biệt ba!".


 

 Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ truy điệu. Ảnh: Giang Huy
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ truy điệu. Ảnh: Giang Huy



Kết thúc lễ truy điệu, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đội tiêu binh rước linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra linh xa trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng. Sau đó, đoàn xe tang chậm rãi rời Nhà tang lễ Quốc gia. Hai bên đường, đông đảo người dân đứng chào, tiễn biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.


 

 Lễ di quan Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Giang Huy
Lễ di quan Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Giang Huy



Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP HCM diễn ra lễ viếng và truy điệu cố Đại tướng Lê Đức Anh. Trong sổ tang, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân viết: "Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP HCM. Một nhà lãnh đạo xuất sắc có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế".

Tại quê nhà Đại tướng Lê Đức Anh ở Thừa Thiên Huế, tỉnh treo cờ rủ trên Kỳ Đài Kinh thành và lập bàn thờ ở trụ sở UBND để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến viếng. Lễ tang cũng được tổ chức ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc – nơi sinh thành Đại tướng Lê Đức Anh. Bà Lê Thị Xoan - em gái Đại tướng cùng gia đình, người thân và chính quyền địa phương tổ chức tang lễ.

Bà Xoan chia sẻ, cả cuộc đời anh trai mình gắn bó với các chiến trường và bận rộn công việc ở Hà Nội, song ông rất thích những món ăn ở quê nhà. Lúc nào bà đi Hà Nội cũng làm thịt heo ngâm nước mắm đưa ra cho anh trai. "Mỗi lần về quê, anh tôi không chỉ vui vầy trong gia đình, họ tộc mà còn dành thời gian thăm bà con hàng xóm. Mọi người rất quý anh và hôm nay nhiều người đã đến thắp nén hương tưởng nhớ anh", bà Xoan nói.


 

 Bà Lê Thị Xoan (bìa trái) cùng gia đình tổ chức tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh ở quê nhà. Ảnh: Võ Thạnh.
Bà Lê Thị Xoan (bìa trái) cùng gia đình tổ chức tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh ở quê nhà. Ảnh: Võ Thạnh.



Sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ Nhà tang lễ quốc gia đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. Tại TP HCM, linh cữu sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP HCM để làm lễ an táng lúc 17h chiều nay.

 

 Đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đi qua Phủ chủ tịch. Ảnh: Gia Chính
Đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đi qua Phủ chủ tịch. Ảnh: Gia Chính

Sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng.

Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới Phía Bắc.

Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.

Tháng 2/1987, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.

Theo VNE

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.