Sửa đổi lối làm việc với việc tu dưỡng đạo đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nay vừa đúng 70 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Những nội dung của tác phẩm này giờ đây vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở số nhà 54 (1957)
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở số nhà 54 (1957)


1. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc gồm 6 phần chính là Phê bình và sửa chữa, Mấy điều kinh nghiệm, Tư cách và đạo đức cách mạng, Vấn đề cán bộ, Cách lãnh đạo và Chống thói ba hoa.

Trong phần Phê bình và sửa chữa, tác phẩm khẳng định thành tựu của Đảng khi lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, thế nhưng trong điều kiện mới, khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền có nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân kháng chiến thì nhất thiết phải “sửa đổi lối làm việc”. Cán bộ, đảng viên cần kiên quyết khắc phục 3 loại khuyết điểm chính đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Theo Người, chỉ khi nào mỗi cán bộ, đảng viên khắc phục được 3 căn bệnh này thì mới có khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo nhân dân. Người cũng chỉ ra cách khắc phục các căn bệnh này là phải thông qua học tập, phê bình.

Trong Mấy điều kinh nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 kinh nghiệm từ thực tế hoạt động, công tác để cán bộ, đảng viên làm tốt công việc của mình. Những kinh nghiệm này đều gắn với yêu cầu khắc phục các khuyết điểm đã được chỉ ra ở phần phê bình và sửa chữa. Đặc biệt, Người đề cao vai trò của cán bộ, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1). Người cũng chỉ ra rằng rất nhiều chính sách của chúng ta thì đúng, nhưng cách làm thì sai. Đặc biệt, Người cho rằng tất cả các công việc mà Đảng, Chính phủ làm cũng đều là vì nhân dân: “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”(2).


Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(3). Người nêu rõ những lý tưởng, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động cơ bản của Đảng ta; trách nhiệm của người đảng viên, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; phân tích các khuyết điểm, thói tật, căn bệnh cụ thể mà họ thường mắc phải và chỉ ra những biện pháp để khắc phục những khuyết điểm này. Người cũng cho rằng “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ để hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(4). Từ đó, Người đã phân tích sâu sắc 5 nội dung cơ bản trong vấn đề chung về công tác cán bộ; chỉ ra phương hướng, biện pháp mà Đảng, Chính phủ cần thực hiện để sử dụng và phát huy tốt vai trò tác dụng của đội ngũ cán bộ. Người đã dành một phần lớn nội dung để chỉ dẫn về cách lãnh đạo, theo đó, người lãnh đạo chẳng những phải lãnh đạo quần chúng mà cần phải học hỏi quần chúng và cắt nghĩa: “Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu…Vì vậy, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng để thêm cho kinh nghiệm của mình”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh xem thói ba hoa là chứng bệnh giống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và cho rằng chúng thường đi với nhau và gây hại như nhau. Vì vậy, người yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải khắc phục thói tật này.

2. Một điều đặc biệt của tác phẩm này, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trái tim, khối óc tinh tường và mẫn cảm của mình đã có khả năng nhìn thấu suốt những khía cạnh của đời sống, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, trong thư Gửi cho các kỳ, huyện, tỉnh và làng ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những lỗi lầm nặng nề mà đội ngũ cán bộ mắc phải khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, đó là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ và kiêu ngạo. Người đã chỉ rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(6). Là một nhà lãnh đạo suốt đời vì dân, nỗi lo canh cánh trong lòng Người chính là nhân dân. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cảm những điều sẽ xảy ra khi Đảng trở thành đảng cầm quyền trên cả nước; khi đó, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không được trau dồi về đạo đức, không kịp thời sửa chữa những thói hư tật xấu thì sẽ gây ra tác hại khôn lường. Những người hứng chịu tác hại khôn lường do đội ngũ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ấy chính là nhân dân. Người đã chỉ ra 3 loại khuyết điểm chính nhưng cho rằng từ 3 loại chính sẽ sinh hàng chục biểu hiện khác như: bệnh quan liêu, bệnh kiêu ngạo, óc địa phương, bệnh xa quần chúng, bệnh ích kỷ…

Để khắc phục những khuyết điểm trên, phương hướng chung cơ bản là phải “sửa đổi lối làm việc của Đảng”; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự sửa đổi, tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giữ gìn bản chất cách mạng và mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phục vụ nhân dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức giác ngộ chính trị, tinh thần kỷ luật, tác phong quần chúng gần gũi, sâu sát nhân dân. Đồng thời, Đảng và Chính phủ phải tăng cường công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất và năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

3. Có lẽ vì vậy mà trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu bàn đến việc sửa đổi, mà cụ thể là những đòi hỏi rất khắt khe về phẩm chất, đạo đức đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây chính là cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo để bắt buộc và đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải có các cách thức để gần dân, để giao tiếp với nhân dân và mục tiêu cuối cùng chính là để giải phóng nhân dân.

4. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một vấn đề rất hệ trọng, rộng lớn, nhưng cũng hết sức cụ thể rõ ràng. Đó là việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng khi Đảng thực hiện vai trò cầm quyền, lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, Đảng phải khắc phục nhiều khuyết điểm, chứng bệnh, thói tật tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà có thể khi Đảng chưa trở thành đảng cầm quyền nó chưa có điều kiện để bộc lộ rõ. Tất cả những khuyết tật này sẽ gây khó khăn cho sự nghiệp kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, gây tác hại lâu dài đối với đất nước và cách mạng. Cùng với việc chỉ ra và phân tích rõ khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên những biện pháp toàn diện, đúng đắn và có tính hệ thống, đồng bộ để khắc phục khuyết điểm. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vạch ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, trong phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, mà còn tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để chữa trị những căn bệnh này.

Xuyên suốt tác phẩm là những chỉ dẫn của Người về giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một đảng vì dân vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”(7). Người cho rằng, tính xấu của một người chỉ có hại cho người đó, nhưng nếu người đó là đảng viên, cán bộ thì tính xấu đó sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng cũng là một thực thể xã hội, cán bộ, đảng viên của Đảng có nhiều ưu điểm nhưng cũng vướng những khuyết điểm là: thiếu chí công vô tư; không giữ được kỷ luật nghiêm từ cấp trên xuống cấp dưới; không gần dân, lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân, và nhất là không làm việc đến nơi đến chốn. Nguyên nhân của những khuyết điểm đó là do nhận thức, tư tưởng chưa đúng, mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi, ưa dùng cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân; ưa ba hoa, nói dông dài, cẩu thả... Người cho rằng, tất cả những khuyết điểm đó sẽ được khắc phục bằng “phê bình và sửa chữa”. Nhưng vì “phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(8), cho nên khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải theo nguyên tắc “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”, để người bị phê bình “vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”(9).

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc dù đã trải qua 70 năm nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, nhất là vấn đề tu dưỡng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo sggp


---------------
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 240
(2) XYZ: Sửa đổi lối làm việc, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H, 2017, tr. 45
(3) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 249
(4) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 269
(5) XYZ: Sửa đổi lối làm việc, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H, 2017, tr. 139
(6) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 58
(7) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 254
(8) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 232
(9) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H, tr. 232

Có thể bạn quan tâm

Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017

Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017

Thông qua “Cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“ năm 2017, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, giá trị thiết thực của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến“, “tự chuyển hóa“ trong nội bộ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Kông Chro đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kông Chro đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- Song song với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, thời gian qua, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể huyện Kông Chro triển khai nghiêm túc, có nền nếp, mang lại hiệu quả tích cực.
Ia Blang tích cực học tập và làm theo gương Bác

Ia Blang tích cực học tập và làm theo gương Bác

(GLO)- Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu rộng trong từng cán bộ, đảng viên và người dân xã Ia Blang (huyện Chư Sê), tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo gương Bác

Chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo gương Bác

(GLO)- Tại buổi tọa đàm về việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức mới đây, các đại biểu đã nêu lên những cách làm hay, sáng tạo ở địa phương, đơn vị. Trong đó, cấp ủy các cấp xác định những khâu đột phá để tạo sự chuyển biến, đồng thời tập trung nêu gương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Học tập và làm theo lời Bác dạy về đại đoàn kết

Học tập và làm theo lời Bác dạy về đại đoàn kết

(GLO)- Trong bối cảnh đất nước ta đang bị đe dọa trước âm mưu xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền Nam Trung bộ, Đại hội đoàn kết chống Pháp của các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam Trung bộ khai mạc ngày 19-4-1946 tại Pleiku.
Thành phố Pleiku: Tổ chức Hội thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ"

Thành phố Pleiku: Tổ chức Hội thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ"

(GLO)- Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tại Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh, Ban Thường vụ Thành đoàn Pleiku vừa tổ chức vòng sơ khảo Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ“ năm học 2016-2017.
Để kiểm điểm, phê bình không chỉ là lời nói suông

Để kiểm điểm, phê bình không chỉ là lời nói suông

(GLO)- Kiểm điểm, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến“, “tự chuyển hóa“ trong nội bộ“ là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nói chung và ở Đảng bộ Quân đoàn 3 nói riêng. Để kiểm điểm, phê bình không chỉ là lời nói suông, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn 3 đã triển khai thực hiện theo phương châm “nói và làm thực chất, quyết liệt“.
Quân đoàn 3 học theo Bác bằng những việc làm cụ thể

Quân đoàn 3 học theo Bác bằng những việc làm cụ thể

(GLO)- L.T.S: Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày truyền thống Quân đoàn 3 (26-3), P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng LÊ QUANG XUÂN-Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn về công tác giáo dục, phát huy truyền thống đơn vị gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đảng bộ huyện Đức Cơ Làm theo Bác bằng những việc cụ thể

Đảng bộ huyện Đức Cơ Làm theo Bác bằng những việc cụ thể

(GLO)- Khi triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và hiện nay là Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ đã yêu cầu các Đảng bộ trực thuộc xây dựng chương trình hành động và kế hoạch phải cụ thể, sát thực tế ở địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng cường làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Phong cách Bác Hồ: Làm gương, lời nói đi đôi với việc làm

Phong cách Bác Hồ: Làm gương, lời nói đi đôi với việc làm

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã cống hiến cho đời bao hình mẫu của những đạo đức quý báu, trong đó phong cách làm gương, lời nói đi đôi với việc làm là nguyên tắc lẽ sống hàng đầu có sức thuyết phục mạnh mẽ, thu phục lòng dân, mỗi người Việt Nam lấy đó soi sáng cho lý tưởng và hành động của mình.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- L.T.S: Thành phố Pleiku đang tập trung lãnh đạo việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“ trong toàn Đảng bộ. Xung quanh vấn đề trên, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn đồng chí PHAN NGỌC ANH-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku.