Thầy giáo trẻ tình nguyện sang Campuchia "gieo chữ" Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một thùng carton sách-thiết bị, một chiếc ba lô đựng tư trang cá nhân cùng cây đàn guitar thân thuộc được thầy Hà Thanh Giang (Trường Tiểu học Trưng Vương, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) gói ghém cẩn thận, đợi ngày lên đường sang đất nước Chùa Tháp “gieo chữ”. Anh là giáo viên đầu tiên và duy nhất của Gia Lai tình nguyện tham gia đợt biệt phái lần này với kỳ vọng mang kiến thức, tình thương, sức trẻ và tinh thần đoàn kết dân tộc đến với cộng đồng người Việt đang cư ngụ tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

1. Phố núi chuyển mùa với những cơn gió sớm mai chớm lạnh. Theo lời hẹn, thầy Hà Thanh Giang tranh thủ gặp tôi sau khi mua xong bìa bao, nhãn vở cho học sinh bên Campuchia và hoàn tất một số việc cá nhân tại TP. Pleiku trước khi lên đường sang xứ người dạy học. Nhấp ngụm trà ấm, thầy giáo trẻ sinh năm 1988 kể cho tôi nghe câu chuyện của mình từ một chàng trai dân tộc Tày sinh ra ở Cao Bằng, lớn lên theo cuộc di cư của bố mẹ vào Đak Lak rồi gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng khó của Gia Lai suốt 10 năm qua.

Thầy Hà Thanh Giang chụp ảnh lưu niệm và chia tay các em học sinh lớp 4B (Trường Tiểu học Trưng Vương) mà mình làm công tác chủ nhiệm trong năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà
Thầy Hà Thanh Giang chụp ảnh lưu niệm và chia tay các em học sinh lớp 4B (Trường Tiểu học Trưng Vương) do mình làm chủ nhiệm trong năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà


Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Giang viết đơn tình nguyện tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lúc nhiều bạn bè hồ hởi bước vào giảng đường đại học. Cha anh-một người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời chiến-đã tin tưởng và ủng hộ cho lý lẽ riêng của con. Năm 2009, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, với tâm nguyện trở thành thầy giáo dạy chữ cho trò nghèo, anh Giang thi vào học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Cao đẳng Hải Dương. Thế nhưng, một năm sau đó, vì không thể vượt qua cú sốc lớn khi người mẹ thân yêu đột ngột qua đời, cộng với điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, anh đành phải tạm dừng việc học để vào Sài Gòn mưu sinh. Năm 2011, anh quay trở lại trường để thực hiện ước mơ còn dang dở và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.

Trong một chuyến sang Gia Lai chơi với người bạn học, anh Giang được giới thiệu nộp hồ sơ xin việc tại huyện Chư Prông và may mắn trúng tuyển. “Vốn sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo túng nên tôi thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa phải trải qua. Vì thế, tôi đã chọn Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Lâu), cách trung tâm huyện hơn 50 km để gắn bó. Với lợi thế về ngôn ngữ dân tộc, tôi được nhà trường phân công phụ trách 1 lớp học tại điểm trường thôn Pác Pó-nơi có đông người Tày sinh sống, góp sức cùng các đồng nghiệp nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng biên viễn này”-thầy Giang chia sẻ.

Trên mảnh đất Ia Lâu đầy nắng gió, thầy giáo trẻ đã gặp được người bạn đời của mình (cũng là giáo viên mầm non) và có được 1 cậu con trai kháu khỉnh. Năm 2018, để thuận lợi chữa bệnh tim, anh Giang xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Trưng Vương (xã Bình Giáo) cho đến nay. “Bệnh tim của tôi hiện đã khỏi hẳn, song điều đáng tiếc là vợ chồng tôi không thể tiếp tục xây dựng tổ ấm. Con trai ở với tôi và ông nội đã 2 năm nay”-anh tâm sự.

2. Tháng 5-2010, Hội người Khmer gốc Việt tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) chính thức được thành lập. Đến nay, Hội đã tập hợp những người Việt trong tỉnh Ratanakiri thành một tổ chức thống nhất với khoảng 617 hộ, 1.117 khẩu. Năm 2015, Hội đã mở được một lớp ghép dạy tiếng Việt (từ lớp 1 đến lớp 3) cho con em người Việt tại TP. Ban Lung; giáo viên trực tiếp đứng lớp là thầy Nguyễn Văn Nuôi (được UBND tỉnh Kon Tum điều động sang từ tháng 12 cùng năm).

 

Thầy Hà Thanh Giang là giáo viên đầu tiên và duy nhất của tỉnh Gia Lai được biệt phái sang Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) dạy chữ cho con em người Khmer gốc Việt tại đây. Ảnh: Mộc Trà
Thầy Hà Thanh Giang là giáo viên đầu tiên và duy nhất của tỉnh Gia Lai được biệt phái sang Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) dạy chữ cho con em người Khmer gốc Việt tại đây. Ảnh: Mộc Trà

Trao đổi với tôi qua điện thoại, thầy Nuôi thông tin: “Năm học 2021-2022, tôi dạy ghép từ lớp 1 đến lớp 3 với 49 cháu tham gia, độ tuổi từ 5-15. Bước vào năm học này, số học sinh giảm xuống còn 29 em vì một số gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống; thời gian học 2 buổi/ngày. Cuộc sống của người Việt bên này vất vả lắm, chủ yếu hành nghề buôn bán nhỏ, thợ hồ, thợ mộc, làm thuê... Nhiều người không có nhà ở, không hộ tịch nên con cái cũng chẳng được học hành đàng hoàng. Do đó, từ khi sang đến nay, tôi cố gắng để truyền tải kiến thức, ít nhất là xóa mù chữ, giúp các em biết được ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa của dân tộc mình”.

Tuy nhiên, trước nhu cầu học tập của con em người gốc Việt tăng cao, cộng thêm tham gia dạy tiếng Việt cho cán bộ, công chức của tỉnh Ratanakiri khiến thời gian biểu của thầy Nuôi bị quá tải, chất lượng dạy và học vì thế cũng khó đảm bảo. Do đó, đầu năm 2022, Hội người Khmer gốc Việt tại tỉnh Ratanakiri đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, Sở Ngoại vụ Gia Lai để xin 1 giáo viên hỗ trợ dạy chữ cho con em người Việt đang sinh sống tại đây. Sau khi Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương, UBND tỉnh đã giao Sở GD-ĐT lựa chọn và đề xuất giáo viên biệt phái giúp đỡ Hội. Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND các huyện: Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ và được UBND huyện Chư Prông giới thiệu 1 giáo viên đăng ký tình nguyện tham gia. Người đó chính là thầy Hà Thanh Giang.

Nhắc nhớ về thời điểm ấy, thầy Giang kể: Khi biết thông tin này, tôi ngay lập tức đã muốn đăng ký tham gia. Bởi lẽ, trước đây, cha tôi-một người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam-cũng đã xung phong sang Campuchia để giúp nước bạn xóa sổ chế độ diệt chủng do Pol Pot lãnh đạo. Ông tiếp thêm ý chí để tôi đưa ra quyết định sang xứ sở Chùa Tháp dạy chữ Việt. Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy không yên tâm là sức khỏe của cha và con trai còn quá nhỏ. Còn người thân của tôi thì phản đối bởi họ lo lắng khi thời gian gần đây có nhiều trường hợp người Việt Nam tự phát sang Campuchia làm việc bị ngược đãi, bạo hành, thậm chí là mất tiền để chuộc thân... Tuy nhiên, với nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ và trách nhiệm tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, tôi đã sắp xếp ổn thỏa việc gia đình, báo cáo tổ chức và viết đơn tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng, sau này con trai tôi khôn lớn sẽ hiểu và cảm thấy tự hào về cha của mình.

Theo ông Cao Văn Hiếu-Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT), được sự thống nhất của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngày 27-10 vừa qua, Giám đốc Sở GD-ĐT đã ban hành Quyết định về việc cử giáo viên biệt phái giảng dạy cho con em người Việt tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) đối với thầy Hà Thanh Giang-giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương. Trong thời gian 3 năm biệt phái, thầy Giang vẫn được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp theo lương tại đơn vị đang quản lý; đồng thời, được tỉnh hỗ trợ thêm tiền xe đi về 2 lần/năm (dịp Tết và hè), tiền ăn, tiền thuê nhà (9 tháng/năm học), kinh phí mua bảo hiểm khám-chữa bệnh và mua 1 máy tính xách tay phục vụ giảng dạy, lệ phí xin giấy phép lao động theo quy định của Campuchia.

Quang cảnh một buổi học của trẻ em gốc Việt tại tỉnh Rattanakiri do thầy Nguyễn Văn Nuôi đảm trách. Ảnh nhân vật cung cấp
Quang cảnh một buổi học của trẻ em gốc Việt tại tỉnh Ratanakiri do thầy Nguyễn Văn Nuôi đảm trách. Ảnh nhân vật cung cấp


“Theo quyết định, thời gian biệt phái của thầy Giang là 3 năm, tính từ ngày 31-10. Dự kiến, trong đầu tháng 11, tỉnh sẽ cử đoàn công tác sang Campuchia làm việc với Hội Khmer-Việt Nam, kết hợp với việc bàn giao giáo viên biệt phái. Hy vọng, giáo viên của Gia Lai được biệt phái lần này sẽ cùng với 1 giáo viên do UBND tỉnh Kon Tum cử sang từ năm 2015 đáp ứng được cơ bản nhu cầu học tiếng Việt ngày một nhiều của bà con người Việt và cán bộ, công chức tỉnh Ratanakiri, góp phần vào mục tiêu chung vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, cùng phát triển”-ông Hiếu cho hay.  
 
Trong buổi gặp mặt chia tay đầy ấm cúng diễn ra vào ngày 28-10, cô Phạm Thị Kim Oanh-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương đã thay mặt tập thể nhà trường gửi gắm nhiều lời tâm tình, động viên đến thầy Hà Thanh Giang trước khi lên đường sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ mới. Theo cô Oanh, mặc dù phải một mình chăm lo cho cha già và con nhỏ, song thầy Giang luôn là đảng viên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; là giáo viên tận tụy với nghề, giàu lòng yêu thương học trò và là người đồng nghiệp hòa đồng, dễ mến. Cô Oanh và tập thể nhà trường cũng tin tưởng rằng, với lập trường chính trị kiên định, chuyên môn vững vàng cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Giang sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nơi xứ người.

...Kiểm tra lại hành trang cho ngày lên đường, thầy Giang bộc bạch: “Tôi nghe anh Nuôi bảo thời tiết bên đó mấy hôm nay oi bức lắm. Có lẽ, tôi sẽ mua thêm 1 chiếc quạt nước mang sang đặt tại lớp học như món quà gặp mặt để giúp các trò xua bớt cái nóng, cùng nhau học tập tốt hơn”. Nói đến đây, gương mặt thầy giáo trẻ chợt bừng sáng, ánh mắt lấp lánh niềm vui…

 

MỘC TRÀ