"Mình phải nói được, làm được thì người dân mới tin và làm theo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chia sẻ của ông Mên-Già làng của làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Nhiều năm qua, ông luôn gương mẫu đi đầu trong công tác xã hội, vận động người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo tại địa phương. Già Mên là "điểm tựa" tinh thần vững chắc, tấm gương sáng để dân làng noi theo.

Giúp dân thay đổi “nếp nghĩ cách làm”

Một sáng chủ nhật cuối tháng mười, chúng tôi về làng Mơ Nú tìm gặp già làng Mên. Thời điểm này, dân làng đang tất bật bước vào mùa thu hoạch nông sản. Trên các con đường bê tông trải dài khắp xóm, từng chiếc xe công nông nối nhau chở đầy những bao lúa, cà phê về sân nhà phơi cho kịp nắng…

Sau vài lượt hỏi thăm, chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà mái Thái khang trang, rộng rãi. Lúc này, già Mên cùng con trai út đang phơi cà phê trước sân nhà. Ở tuổi 74, trông ông vẫn còn khỏe mạnh, hoạt bát. Với lối nói chuyện mộc mạc, gần gũi, chúng tôi nhanh chóng bị cuốn vào những câu chuyện ông kể về làng, về cuộc sống của người dân nơi đây.

  Già làng Mên đang phơi cà phê trong sân nhà. Ảnh: Phương Thúy
Già làng Mên phơi cà phê trong sân nhà. Ảnh: Phương Thúy


Theo già Mên, làng Mơ Nú có 370 hộ với 1.775 người dân, trong đó người dân tộc Jrai chiếm 97%. Trước đây, đời sống của bà con rất khó khăn, trình độ hiểu biết còn hạn chế, chưa tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên chuyện thiếu ăn, thiếu mặc thường xuyên diễn ra. Với mong muốn giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, ông đã tự tìm tòi, học hỏi kiến thức từ cán bộ khuyến nông và kinh nghiệm sản xuất của các hộ người Kinh; mạnh dạn chuyển đổi trên 1 ha đất rẫy đang trồng bắp, mì sang trồng cà phê, mở rộng diện tích trồng lúa nước và chăn nuôi bò. Dù tuổi cao những già Mên vẫn hăng say lao động sản xuất, nhờ đó, thu nhập bình quân của gia đinh đạt từ 120-150 triệu đồng/năm. Thấy cà phê của gia đình ông phát triển tốt, việc trồng lúa nước cho năng suất cao hơn lúa rẫy, lại được ông hướng dẫn tận tình nên nhiều người dân trong làng tin tưởng làm theo để phát triển kinh tế.

Gia đình bà H’Nhel là một trong số hộ được già Mên tận tình giúp đỡ, vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo của làng. Bà H’Nhel phấn khởi cho hay: Lâu nay, vợ chồng bà không biết cách chăn nuôi gia súc, gia cầm, chồng lại suốt ngày uống rượu say nên phần nhiều đất đai để hoang hóa, cuộc sống hết sức khó khăn. Biết được điều này, già Mên cùng với cán bộ thôn đến tận nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn vợ chồng bà cách làm ăn, thay đổi tư duy sản xuất. Cùng với đó, chính quyền, đoàn thể xã tặng gia đình một con bò giống làm sinh kế. Nhờ biết cách chăm sóc, bò mẹ đã đẻ nhiều lứa bê con, vợ chồng bà bán bớt bò để mua thêm lợn, gà về chăn nuôi. Giờ đây, chồng bà không còn say xỉn tối ngày nữa mà đã biết chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ngày một ổn định.

Tương tự, anh Nhonh chia sẻ: “Trước đây, do không biết cách canh tác nên gia đình anh phải chạy ăn từng bữa, nhiều khi phải nhịn đói để lên rẫy. Nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ vốn, được già Mên động viên, hướng dẫn trồng cà phê, hoa màu nên gia đình anh có thu nhập ổn định, không còn nỗi lo bị đói thời điểm giáp hạt, các con được ăn học đàng hoàng”.

Không riêng hộ anh Nhonh, bà H’Nhel, già Mên còn tích cực vận động nhiều hộ dân khác trong làng chăm lo phát triển kinh tế. Trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho bà con, già Mên chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động người dân đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi với các mô hình kinh tế hiệu quả, năng suất cao. Từ chỗ đất đai phần nhiều để hoang hóa, thu nhập từ cây mì, cây bắp mỗi năm chẳng được bao nhiêu thì giờ đây, dân làng Mơ Nú đã biết ứng dụng khoa học vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Nhiều diện tích cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, lúa nước, hoa màu… cho năng suất cao (sản lượng cà phê đạt trung bình đạt 3 tấn nhân/ha, lúa đạt 4,5 tấn/ha), số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hơn 80% gia đình trong làng có nhà ở kiên cố và mua sắm được các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, số hộ khá và giàu chiếm 45-50%, 90% số người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, 100% gia đình có phương tiện nghe nhìn, đi lại. Đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng cao, người dân tích cực tham gia xây dựng cộng đồng dân cư, chỉnh trang đô thị, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp...

"Điểm tựa" của làng

Không chỉ vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, già Mên còn tích cực xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Làng Mơ Nú có 280/370 hộ theo Đạo tin lành. Với vai trò là già làng, ông luôn tranh thủ các buổi sinh hoạt tôn giáo, buổi họp làng, đồng thời đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bài trừ các hủ tục lạc hậu; sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật; không nghe lời xúi giục của kẻ xấu...  

 Già làng Mên cùng cán bộ thôn thường xuyên tổ chức các buổi họp làng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: Phương Thúy
Già làng Mên (bìa trái) thường xuyên phối hợp với cán bộ thôn  tổ chức các buổi họp làng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: Phương Thúy
Ông Đinh Ứt-Bí thư Đảng ủy xã Chư Á khẳng định: “Ông Mên rất nhiệt tình, gương mẫu, luôn tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Mỗi lời ông nói, người dân làng Mơ Nú đều ghi nhớ và tự giác thực hiện. Ông là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.


Già Mên nhớ lại, đầu những năm 2000, tàn dư bọn phản động FULRO lén lút tuyên truyền cái gọi là “Tin lành Đêga” để lừa phỉnh, lôi kéo một số người đồng bào dân tộc thiểu số cả tin trong làng tụ tập chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Bản thân ông cũng bị chúng tìm đến dụ dỗ nếu đi theo sẽ được ăn sung mặc sướng, được làm quan chức, cấp đất đai, nhà cửa. Tuy nhiên, không xiêu lòng trước những cám dỗ, lừa phỉnh, ông đã báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, khuyên bảo người dân không nghe theo bọn FULRO, đoạn tuyệt với “Tin lành Đê ga”.

Bên cạnh đó, để góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trong làng, già Mên thường xuyên gần gũi bà con để nắm bắt tư tâm tư, nguyện vọng, hòa giải các vấn đề nảy sinh, xích mích, mâu thuẫn tại địa phương; kịp thời phản ánh, tham mưu UBND xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trong làng. Mỗi khi dân làng có chuyện xích mích, mâu thuẫn, mất đoàn kết là ông cùng với các đoàn thể của làng có mặt ngay để giải quyết, hòa giải. Gần đây nhất là vụ tranh chấp bờ ruộng giữa hộ ông Hrai và bà H’Wut được già Mên hòa giải thành công.

Chuyện là giữa thửa ruộng của 2 gia đình này có chung bờ thửa hẹp. Một lần vận chuyển vật tư ra ruộng, bà H’Wut có làm hư hại ít lúa của ông Hrai nên ông này ngăn không cho sử dụng nữa. Cứ thế lời qua tiếng lại, ai cũng cho rằng bờ ruộng đó là của nhà mình nên đòi kiện lên chính quyền. Nắm bắt được tình hình và mấu chốt mâu thuẫn, già Mên cùng đoàn thể của làng kịp thời hòa giải, phân xử. Bằng những lời lẽ thấu tình, đạt lý, đúng quy định của pháp luật, già Mên đã giúp ông Hrai và bà H’Wut hiểu ra vấn đề. Từ đó, hai bên bắt tay hòa giải, bỏ qua mâu thuẫn, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trở lại tốt đẹp như xưa.

Với già Mên, những việc làm cho bà con trong làng không đơn giản chỉ vì trách nhiệm. “Mình phải nói được, làm được thì người dân mới tin và làm theo. Muốn nói cho bà con nghe thì trước hết phải có kiến thức về chính sách, pháp luật và gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Để giúp bà con thay đổi nhận thức thì phải trải qua một quá trình kiên trì vận động, thường xuyên gần gũi gặp gỡ, trao đổi mới mang lại hiệu quả. Vì vậy, hễ còn sức khỏe thì tôi vẫn cố gắng đóng góp sức mình vì việc chung của làng”-già Mên trải lòng.

Với những thành tích đã đạt được, gia đình già Mên luôn được công nhận là “Gia đình văn hóa”, bản thân ông được UBND TP. Pleiku và các cấp, các ngành của tỉnh ghi nhận và tặng nhiều giấy khen, bằng khen vì có nhiều đóng góp trong việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.

PHƯƠNG THÚY