Khi đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2011, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã thổi luồng sinh khí mới làm thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số; tạo đòn bẩy giúp người dân phát huy những tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Chuyển biến từ nhận thức
Trên 10 năm với vai trò là “người uy tín” làng Roh (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang), chưa bao giờ ông Blưk cảm thấy ưng cái bụng như hôm nay, bởi cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay từng ngày. Theo ông Blưk, bước ngoặt cho sự đổi thay ấy là khi địa phương bắt tay vào thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Để cuộc vận động có hiệu quả và làm cơ sở nhân ra diện rộng, cán bộ huyện, xã đã về tận làng, cầm tay chỉ việc cho bà con từ những cái đơn giản nhất như cải tạo vườn tạp trồng rau, trồng cây ngô lai, mỳ cao sản; cách làm chuồng nuôi bò... Nhờ đó, bà con Bahnar nơi đây đã có những chuyển biến rõ nét từ trong suy nghĩ đến việc làm. Nhiều thói quen lạc hậu dần được xóa bỏ thay vào đó là cách làm mới tiến bộ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Già làng Blưk cho biết: Trước đây người dân trong làng ai muốn đi làm thì đi, ai muốn uống rượu thì uống. Bây giờ thì người dân, nhất là thanh niên trong làng đã thay đổi nhận thức, không còn uống rượu, họ bảo ban nhau đoàn kết, chăm lo làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. 
Già làng và cán bộ mặt trận ở huyện Mang Yang tuyên truyền vận động nhân dân trong làng về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hà Đức Thành
Già làng và cán bộ mặt trận ở huyện Mang Yang tuyên truyền vận động nhân dân trong làng về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hà Đức Thành
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc kiểm tra, rà soát theo dõi phân loại hộ nghèo theo từng nhóm để xác định nguyên nhân cái nghèo là do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất hay thiếu kiến thức... từ đó, đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời. Nhờ vậy, nhiều mô hình điểm hỗ trợ sinh kế, cây, con giống phù hợp với thực tế đã được huyện Mang Yang triển khai có hiệu quả. Từ những chiếc “cần câu” này đã giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Đến nay, các hộ đồng bào Bahnar ở địa phương đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình; thực hiện chi tiêu tiết kiệm, hợp lý để có tích lũy tái đầu tư sản xuất.
“Cầm tay chỉ việc” giúp bà con thoát nghèo
Trước đây, tuy có đất nhưng do không biết trồng cây gì, chỉ quanh quẩn với cây lúa cạn và cây mỳ, mỗi năm trồng được một vụ nên nhiều hộ Bahnar ở xã Tơ Tung (huyện Kbang) cứ lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Làm thế nào để thoát nghèo là câu hỏi mà người dân và chính quyền luôn trăn trở. 
Năm 2011, xã Tơ Tung được huyện Kbang chọn làm điểm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, những mô hình sản xuất mới được hình thành như: “Mô hình liên kết trồng mía đường”; “Mô hình làm chuồng trại trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò”... Nhờ được hỗ trợ về cây, con giống, phân bón; cán bộ nông nghiệp về tận làng chỉ dẫn cách làm người dân đã dần nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng bệnh, sử dụng chất chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng… Đến nay, đàn trâu, bò của các hộ đã tăng trưởng nhanh, chất lượng tốt qua từng năm. Bà Nông Thị Danh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tơ Tung (huyện Kbang) cho biết: Từ hiệu quả ban đầu của mô hình làm chuồng trại trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò, các gia đình đã nhân rộng ra toàn xã, đàn bò tăng lên hàng nghìn con. Nhiều hộ đã bán bớt bò để xây nhà, mua máy móc phục vụ sản xuất. Đây là điều mà trước đây chưa bao giờ thực hiện được… Có thể nói, so với trước đây cái khác lớn nhất là người dân đã thay đổi nhận thức, suy nghĩ, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hộ nào cũng quyết tâm phát triển kinh tế để thoát nghèo. 
Điển hình cho việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững là gia đình chị Nay H’yên (buôn Dù, xã Ia Mlá, huyện Krông Pa). Vốn là hộ nghèo nhất buôn, nhưng chỉ hơn 3 năm được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chọn làm điểm thực hiện cuộc vận động, cuộc sống mọi mặt của gia đình đã khởi sắc. Khu vườn trống trước đây giờ đã xanh mướt các loại rau, trồng cỏ nuôi bò... Đàn bò trong chuồng cũng nhiều hơn, gia đình chị Nay H’Yên thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chị H'Yên phấn khởi bày tỏ: "Nhờ chính quyền hỗ trợ cây, con giống, cán bộ đến nhà hướng dẫn, chỉ bảo tận tình nên vợ chồng mình dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực hơn. Tự giác lao động, sản xuất, thực hiện chi tiêu tiết kiệm, hợp lý để có tích lũy. Bây giờ, gia đình đã có nhà ở kiên cố, có phương tiện sản xuất và nghe nhìn".
Bằng cách làm cầm tay, chỉ việc; hỗ trợ sinh kế; vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sau hơn 10 năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã duy trì trên 400 mô hình phát huy hiệu quả; nhân rộng 398 mô hình với trên 18 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, tiêu biểu như:  Mô hình "trồng chuối ghép mô”, “Nuôi heo đen” ở huyện Kbang; “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, “Vườn rau an toàn” ở huyện Phú Thiện; “Canh tác dưới tán rừng”, “Nuôi dê, dúi thương phẩm, vườn ươm bời lời” ở huyện Đak Đoa... Kết hợp cùng với nhiều chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, các mô hình đã góp phần giúp hơn 29.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Kinh tế phát triển người dân càng có điều kiện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang hơn, đường làng được bê tông hóa. Trên gương mặt những người nông dân chất phác là nụ cười hạnh phúc bên câu chuyện về đời sống văn hóa mới cùng niềm vui chung của địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu được Đảng, Nhà nước, Mặt trận đặc biệt quan tâm. Bởi, khi người dân được cơm no, áo ấm thì các mặt đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội, an ninh-quốc phòng, trật tự xã hội… được ổn định. Người nghèo hiện nay không chỉ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, mà họ còn được sự cưu mang, dìu dắt của toàn xã hội. Khi triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” chúng tôi xác định phải tiến hành đồng bộ các giải pháp; tham mưu chính quyền các cấp ban hành các Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, đồng thời, đề xuất giải pháp mang tính bền vững, đa chiều, từ việc cung cấp thông tin, hỗ trợ xây dựng nhà ở, môi trường, học hành đến chăm sóc sức khỏe... Bên cạnh đó còn liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con.
"Việc tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững" với những giải pháp đa chiều, việc làm cụ thể của các cấp MTTQ trong tỉnh thời gian qua đã tác động tích cực giúp bà con thay đổi nhận thức và hành động, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước; tiếp thêm động lực để người dân tự giác, tích cực sản xuất kinh doanh; cùng nhau vượt qua khó khăn nhằm chiến thắng đói nghèo lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ các cấp trong giai đoạn mới"-bà Lan nhấn mạnh.
HÀ ĐỨC THÀNH