Vươn lên sau lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm trước, ông Siu Rik (SN 1957, trú tại thôn 6, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) từng u mê đi theo cái gọi là “Tin lành Đê ga” và bị dụ dỗ tham gia chống phá chính quyền để rồi phải trả giá bằng bản án 3 năm tù. Tỉnh ngộ, ông cảm thấy rất ân hận, quyết tâm làm lại cuộc đời, bù đắp cho những lầm lỗi.

Một thời lầm lỡ

Năm 2001, cơn gió độc “Tin lành Đê ga” tràn qua vùng đất Chư Prông. Kẻ xấu đi tuyên truyền khắp nơi về cái gọi là “Nhà nước Đê ga” của người Jrai, Bahnar đứng lên đòi lại đất cho bà con dân tộc thiểu số bị người Kinh chiếm bấy lâu. Nếu gia đình nào không cùng đi đòi đất thì sẽ không được chia đất. Thời điểm ấy, đời sống của dân làng Klăh (nay là thôn 6, xã Thăng Hưng) gặp nhiều khó khăn nên khi nghe được chia đất, ai nấy tin theo và kéo nhau đi lên huyện, lên tỉnh theo sự xúi giục của kẻ xấu.

Ông Rik tâm sự: “Năm ấy, vợ chồng tôi có 2 con nhỏ. Cả nhà chỉ trông vào hơn 1 ha đất trồng lúa và điều nhưng vẫn không đủ ăn. Đến mùa giáp hạt, tôi thường phải lên rừng đào củ dại về ăn thay cơm. Nhìn lũ trẻ nheo nhóc thiếu gạo thương lắm nên khi nghe kẻ xấu là hàng xóm nói sẽ được chia đất thì tôi đi ngay. Ngày đó, mỗi nhà một người đại diện đi đòi đất, làng Klăh có hơn trăm người bỏ công bỏ việc đi đến trụ sở huyện và tỉnh. Nghĩ lại tôi cũng không hiểu vì sao mình và mọi người dễ tin như vậy để rồi rơi vào vòng pháp luật”.

  Ông Siu Rik tâm sự về quãng đời lầm lỡ của mình khi theo “Tin lành Đê ga”. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ông Siu Rik tâm sự về quãng đời lầm lỡ của mình khi theo “Tin lành Đê ga”. Ảnh: Lê Văn Ngọc


Sau khi vãn hồi tình hình, dân làng Klăh trở về nhưng ông Rik cùng 3 người khác bị bắt vì hành vi phạm pháp. Ông bị tuyên án 3 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in ngày 6-10-2001 khi bị gọi lên cơ quan Công an làm việc rồi sau đó bị bắt giữ. Vợ con ông nước mắt ngắn dài đau khổ. Trước cảnh tượng đó, ông Rik thấy mình thật có lỗi.

Những ngày đầu thụ án, không ít lần người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh của làng Klăh đã rơi nước mắt khi nghĩ đến cảnh một tay vợ tảo tần lo cho đàn con trong căn nhà xiêu vẹo trước mưa gió. Vì trại giam quá xa xôi, vợ con ông không thể một lần đến thăm. Và cũng chỉ một lần duy nhất, vợ ông hỏi được thông tin từ cán bộ Công an rồi gửi nhu yếu phẩm vào trại giam thăm nuôi. Nhận được món quà từ quê nhà Tây Nguyên, ông Rik nức nở không nói thành lời. Ông hứa với lòng sẽ cố gắng cải tạo để sớm trở về với buôn làng, với tổ ấm bé nhỏ.

Bù đắp những ân tình

Ngày 30-8-2004, ông Rik ra tù, trở về quê hương trong sự vỡ òa của gia đình. Nhưng ông không khỏi cay đắng khi biết cậu con trai lớn vì thương mẹ một mình bươn chải nên đã nghỉ học sớm để chia sẻ, đỡ đần. Từ đây, ông càng thôi thúc quyết tâm phấn đấu thoát nghèo. Học những người Kinh khá giả trong vùng, ông bắt đầu đào hố trồng gần 1 ha cà phê. Ngoài khoảng thời gian chăm sóc vườn cây của gia đình, ông tìm việc đi làm thuê. Ông còn đi chặt tre nứa để tối về đan gùi bán kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình dần được cải thiện.

Tu chí làm ăn, ông được chính quyền địa phương hỗ trợ dựng lại căn nhà ọp ẹp bằng nguồn vốn Chương trình 167. Không những vậy, ông cũng được hỗ trợ bò sinh sản để thêm sinh kế thoát nghèo. “Những năm tháng trong tù, tôi suy nghĩ lung lắm. Những kẻ kêu gọi theo “Tin lành Đê ga” đều ở đâu đâu bên nước ngoài, làm gì giúp được cho mình cơ chứ. Trong khi Nhà nước thì quan tâm hỗ trợ rất nhiều thứ, từ làm nhà cửa, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng đến làm đường giao thông, điện… nên dân làng ai cũng phấn khởi, tu chí làm ăn chứ không tin theo kẻ xấu nữa”-ông Rik quả quyết.

Không chỉ đoạn tuyệt với “Tin lành Đê ga”, ông Rik còn tích cực tuyên truyền, vận động dân làng tỉnh ngộ, quyết tâm từ bỏ sai lầm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban đầu, không ít người còn nghi ngờ lời nói của ông. Nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu”, bất kể ở đâu có cơ hội, ông Rik lại lồng ghép kể những câu chuyện của đời mình, chứng minh, phân tích về những đổi thay trong đời sống của gia đình và dân làng. Dần dà, ông trở thành người có uy tín trong cộng đồng. Năm 2018, ông được dân làng tin tưởng bầu giữ chức Trưởng thôn. Từ một người vướng vòng lao lý, lão nông có dáng người quắc thước gánh lên vai trọng trách của người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Kinh tế gia đình cũng còn khó khăn nhưng ông Rik không quản ngại vì việc làng, việc nước. Ông chia sẻ: “Lắm lúc vợ con bảo tôi toàn đi làm những việc đâu đâu khi nương rẫy ở nhà chưa lo hết nhưng tôi tâm niệm mình làm vì dân làng, vì chính quyền như là để trả nợ cho sai lầm ngày trước”.

Ông Trần Văn Thọ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thăng Hưng-cho biết: “Thôn 6 ngày trước từng là “điểm nóng” về “Tin lành Đê ga”, nhiều đối tượng rơi vào vòng lao lý vì tham gia biểu tình bạo loạn. Nhưng sau đó, hầu hết đều đã tỉnh ngộ, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, nổi bật hơn cả là ông Rik. Ông luôn đi đầu trong các phong trào ở thôn, gắn bó với bà con dân làng. Đóng góp đó giúp ông 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen dành cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

 LÊ VĂN NGỌC