Măng Bát Độ "bén đất" Ia Chía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã hẹn trước với gia đình anh Nguyễn Thiêm (làng Biă, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nên trời vừa dứt cơn mưa, chúng tôi vội lên đường. Băng qua những cánh rừng cao su, vườn điều xanh tốt, chúng tôi cũng đến được địa chỉ cần tìm. Nhà anh Thiêm ở phía cuối làng Biă, cũng là cơ sở chế biến hạt điều rang muối và măng khô Bát Độ. 
Anh Thiêm kể: Năm 1998, anh cùng với người em là Nguyễn Thiệm rời quê hương Hải Dương vào Gia Lai làm công nhân tại Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15). Sau một thời gian, 2 anh em xin nghỉ rồi lên vùng Ia Chía mua đất trồng điều. Lúc này, điều đang là cây “xóa đói giảm nghèo”, được chính quyền địa phương khuyến khích người dân trồng và mở rộng diện tích.
Vài ba năm trở lại đây, bên cạnh việc phát triển cây điều và tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ chế biến hạt điều rang muối để làm quen với thị trường tiêu thụ, anh Thiêm còn trồng tre Bát Độ. Đây là loại cây được Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam khuyến khích nông dân trồng đại trà, bởi đem lại nguồn thu nhập ổn định và có nhiều lợi ích đối với môi trường. Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình trồng tre Bát Độ ở quê nhà Hải Dương và một số tỉnh khu vực phía Bắc, anh quyết tâm trồng thử nghiệm loại cây này trên vùng đất Ia Chía. Trong năm đầu tiên, khi cây tre vươn cao, nảy mầm tươi tốt, không có dấu hiệu bệnh tật, anh rất mừng. Từ những khóm tre ban đầu, anh Thiêm tự nhân giống bằng cách cấy ghép bầu trên mắt cây tre mẹ, sau vài tháng, khi cây con cho rễ mới đem trồng. Kết quả, cách cấy ghép này thành công ngoài sự mong đợi của anh. Hiện tại, anh Thiêm đã trồng hơn 1.000 khóm tre Bát Độ, cây phát triển xanh tốt, cho năng suất cao với mụt măng bụ bẫm, đạt chất lượng. Mỗi khóm tre thu hoạch hơn 30 kg măng tươi, tương đương 2 kg măng khô.
Một góc làng Biă, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Một góc làng Biă, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Để so sánh chất lượng măng ở vùng Ia Chía với măng cùng loại được trồng ở quê nhà Hải Dương, anh Thiêm gửi 2 loại măng tươi và măng khô về cho người thân dùng thử. Không ngờ, mọi người đều có chung nhận xét rằng, măng Bát Độ ở Ia Chía ngon ngọt, giòn và có mùi vị đặc trưng hơn măng trồng tại Hải Dương và một số tỉnh phía Bắc. Điều này đã tiếp thêm động lực cho anh trồng và phát triển các sản phẩm từ măng. “Trong quá trình trồng, tôi không dùng bất cứ loại phân hay thuốc bảo vệ thực vật nào. Sau khi thả giống xuống đất vài ba tháng chỉ tốn công phát dọn cỏ, tỉa cành và kiểm tra có sâu bệnh phát sinh không. Ngoài ra, cũng không tốn thêm ngày công chăm sóc nào nữa. Thấy trồng tre Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dân đã xin cây giống về trồng thử và đang phát triển tốt. Hiện gia đình tôi thử nghiệm sấy măng khô bằng phương thức thủ công và đóng gói đưa sản phẩm ra thị trường với số lượng hạn chế. Với giá bỏ sỉ 250 ngàn đồng/kg măng khô, sản xuất đến đâu, tôi bán hết đến đó. Đến cuối vụ, nhiều người phía Bắc đặt hàng nhưng không còn măng để bán”-anh Thiêm chia sẻ.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Thiêm bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình trồng tre Bát Độ tại vùng biên giới Ia Grai. Theo anh, đây là loại cây trồng dễ tính, không tốn nhiều công chăm sóc, phù hợp với đất đồi, nhất là đất bazan. Nếu mỗi gia đình tận dụng đất vườn, nương rẫy trồng trung bình 30-50 khóm tre Bát Độ thì riêng bán măng tươi cũng có thể thu về 5-6 triệu đồng/năm. Chưa kể, cây tre già có thể tận dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ, đan lát các vật dụng gia đình. Với phương án trồng loại cây này, có thể nói là “làm chơi ăn thật”. Tre Bát Độ thích nghi với khí hậu nóng ẩm, khô hạn, không làm thoái hóa đất nên có thể trồng đại trà dọc tuyến biên giới vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
“Để giúp đồng bào Jrai vùng Ia Chía, Ia O (huyện Ia Grai) thoát nghèo bền vững, bên cạnh phát triển cây điều, tôi cho rằng nhân rộng mô hình trồng tre Bát Độ cũng là một giải pháp, vừa có thu nhập khá vừa cải tạo được môi trường, đem lại màu xanh vùng biên cương. Nếu ngành chức năng lập dự án phát triển cây tre Bát Độ, tôi sẽ tham gia cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật bao tiêu sản phẩm đầu ra măng tươi cho người dân. Gia đình tôi đang đầu tư để tiến đến có dây chuyền sản xuất công nghiệp tạo sản phẩm đạt chuẩn măng sấy khô và hạt điều rang muối”-anh Thiêm cho biết thêm.
BÙI QUANG VINH