Người Bahnar ở Glar chung tay gánh vác việc chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Bác về tinh thần đoàn kết, hệ thống chính trị các thôn, làng ở xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Mọi việc đều lấy ý kiến người dân
Ông Wut-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Dơk Rơng-cho biết: “Chỉ cần là việc của thôn làng, các hộ dân đều tích cực tham gia. Thậm chí, việc riêng của từng gia đình như ma chay, cưới hỏi, làm nhà, dù gia chủ không lên tiếng cậy nhờ thì người làng cũng đến phụ giúp. Mỗi người một tay, việc khó cũng thành dễ, việc lâu cũng thành mau”.
Năm 2009, thấy quỹ đất chung bỏ trống, Ban Nhân dân thôn đã họp bàn, thống nhất trồng 2 ha cà phê để gây quỹ. Đến khi thu hoạch, tiền bán cà phê dùng vào tái đầu tư và đóng góp quỹ hội, đoàn thể, quỹ chung của địa phương. 222 hộ dân trong làng được chia làm 10 tổ sản xuất, mỗi tổ chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc, quản lý và thu hoạch 190-200 cây cà phê. “Chúng tôi chia làm nhiều tổ để tiện việc chăm sóc và cũng tạo sự thi đua giữa các tổ. Tổ nào chăm sóc tốt, năng suất đạt cao thì biểu dương, khen thưởng và ngược lại”-ông Wut cho hay.
Người dân thôn Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) chung tay đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Anh Huy
Người dân thôn Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) chung tay đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Anh Huy
Theo ông Wut, mọi việc chỉ được tiến hành khi họp lấy ý kiến người dân. Khi người dân đồng thuận thì sẽ dễ dàng hơn. Trước khi có nguồn quỹ chung, mỗi khi cần huy động sự đóng góp trong dân, làng đều tổ chức họp và căn cứ vào thu nhập để đưa ra mức thu phù hợp. “Ban Nhân dân thôn có nhiệm vụ rà soát và thống kê mức thu nhập của từng hộ dân. Sau đó, phân chia theo 6 mức đóng góp tương ứng với 6 mức thu nhập và đưa ra cuộc họp để lấy ý kiến số đông. Những hộ khó khăn thì tùy tâm và khi đã thông qua, tất cả đều phải thực hiện”-ông Wut nói.
Tương tự, người dân làng Dôr 1 đã thành lập các tổ nhóm lao động tập thể gây quỹ với số tiền hiện có hơn 500 triệu đồng. Ông Sing-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-thông tin: “Tổ trưởng chịu trách nhiệm kết nối với hộ có nhu cầu về công lao động, sau đó thông báo ngày, giờ để các thành viên tham gia. Mỗi ngày công, chúng tôi chỉ lấy 80 ngàn đồng/người, vừa làm vừa giúp đỡ và cho nợ đến cuối vụ gia đình thu hoạch thì mới thu tiền”.
Về quỹ đất chung, làng Dôr 1 đầu tư trồng gần 1,5 ha cà phê giao cho Chi Đoàn chăm sóc 500 cây, Ban Nhân dân thôn chăm sóc 200 cây, diện tích còn lại chia đều cho 5 tổ sản xuất là các hộ dân. Ông Khym-Tổ trưởng tổ sản xuất số 2-chia sẻ: Tổ có 49 hộ thành viên quản lý, chăm sóc 200 cây cà phê kinh doanh. Bình quân 1 năm, các hộ tập trung khoảng 11-12 lần để làm cỏ, bón phân, cắt cành, tưới nước, thu hoạch... Mỗi năm, tổ thu khoảng 20 triệu đồng từ tiền bán cà phê. 
Đoàn kết gánh vác việc chung
Dẫn chúng tôi vào bên trong khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng, anh Uê-Phó Trưởng thôn Dơk Rơng-giới thiệu: Công trình này hoàn toàn do dân làng đóng góp xây dựng với diện tích  hơn 160 m2. Năm 2015, nhà rông của làng xuống cấp. Thay vì dựng lại, bà con đồng thuận xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng để làm nơi hội họp. Từ nguồn quỹ chung, làng trích ra 300 triệu đồng mua vật liệu, thi công xây dựng đều do dân làng đảm trách. “Sau 10 ngày, nhà sinh hoạt cộng đồng hoàn thành. Các hoạt động chung của làng đều diễn ra ở đây, bà con rất phấn khởi. Năm 2021, từ nguồn quỹ chung, làng triển khai đổ sân bê tông, làm nhà vệ sinh trong khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng”-anh Uê nói.
Ông Khym (giữa) đang trao đổi với Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn (bên phải) và Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn (bên trái) về kế hoạch chăm sóc diện tích cà phê của tổ sản xuất số 2. Ảnh: Anh Huy
Ông Khym (giữa) đang trao đổi với Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn (bên phải) và Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn (bên trái) về kế hoạch chăm sóc diện tích cà phê của Tổ sản xuất số 2. Ảnh: Anh Huy

Bà Lai-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Glar: Xã có 9 thôn với trên 10 ngàn khẩu, 97% là người Bahnar. Người dân ở các thôn, làng phát huy tinh thần cộng đồng rất tốt và hầu hết đều có cách để gây dựng quỹ chung. Tinh thần cộng đồng, đoàn kết còn thể hiện qua việc cưới, việc tang và xây dựng nhà ở. Nhờ đó, năm 2016, xã Glar đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng từ nguồn quỹ chung, làng Dơk Rơng đóng góp kinh phí để làm 5 km đường giao thông nông thôn theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; làm 1 km đường bê tông nội làng. Năm 2018, 100% hộ dân đồng thuận hiến đất, góp công mở rộng tuyến đường nội đồng ở cánh đồng K’tơ (rộng 6 m, dài 1,7 km) để người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi. “Theo quy định, mỗi tổ sản xuất đóng góp vào quỹ chung 10 triệu đồng/năm, số còn lại để mua phân bón đầu tư cho vụ sau. Làm tập thể để lo việc chung của thôn làng nên bà con đều ủng hộ. Trong làng còn 500 m đường đất, giá vật liệu quá cao nên bà con không đủ sức tự làm. Bà con luôn sẵn lòng góp công, góp của để “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đoạn đường này”-ông Wut cho hay.
“Số quỹ còn dư được chia đều cho các hộ mượn trong thời gian 1 năm để mua cây-con giống sản xuất. Sau khi chia đều cho các hộ vay không tính lãi, nếu còn dư sẽ tổ chức bốc thăm, ai may mắn thì vay thêm”-ông Sing lý giải về việc sử dụng nguồn quỹ chung. Nguồn quỹ từ các tổ sản xuất cà phê tập thể chưa nhiều thì giao các tổ tự quản lý dưới sự kiểm tra, giám sát của Ban Nhân dân thôn và chỉ huy động khi cần vào việc chung. Năm 2021, thôn huy động quỹ chung hơn 100 triệu đồng để tu sửa lại nhà sinh hoạt cộng đồng, làm 2 sân bóng chuyền; hỗ trợ hơn 10 triệu đồng để mua thêm vật liệu xây dựng nhà cho gia đình ông Hnết (hộ nghèo trong thôn). “Mình chỉ có hơn 30 triệu đồng, mua vật liệu còn thiếu, thôn hỗ trợ thêm tiền đấy. Rồi người già, người trẻ đều đến giúp xây dựng, đào móng, bê gạch, trộn hồ... Gần 10 ngày mình đã có nhà mới rộng rãi để ở. Mình biết ơn lắm!”-ông Hnết bộc bạch.
ANH HUY