Suối nguồn Ia Hung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 20 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày xây dựng công trình thủy lợi Ia Hung vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm người dân làng D (xã Gào, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Công trình thủy lợi đầu tiên này đã mang dòng nước về tưới mát những cánh đồng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng căn cứ cách mạng.
Công trình thủy lợi Ia Hung nằm trên địa bàn làng D, cách trụ sở UBND xã Gào chừng 5 km về phía Tây. Công trình do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng nông-lâm nghiệp Gia Lai thiết kế và xây dựng vào năm 2004.
Đập thủy lợi nơi lòng hồ
Ông Rơ Mah Thanh là người gắn bó và chứng kiến những thời khắc lịch sử của công trình thủy lợi Ia Hung. Ông hồi nhớ: “Hồ Ia Hung nằm ngay đầu làng D và được bao bọc bởi những cây sanh cổ thụ. Ngày ấy, lòng hồ chưa rộng lớn như bây giờ nhưng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng”.
Ông Thanh kể, ngay sau ngày giải phóng, người dân xã Gào bắt tay vào định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới. Một loạt chương trình như xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng... được bắt đầu trên nền đổ nát của chiến tranh. Những cánh đồng lúa nước, rẫy mì, vườn bắp… xuất hiện. Vì thế, việc tưới tiêu cũng được chính quyền quan tâm. Lúc ấy, người dân làng D đã biết đào mương dẫn nước từ hồ Ia Hung về ruộng. Cán bộ xã xuống tận nơi hướng dẫn, giúp đỡ bà con làm lúa nước. Nhờ vậy, những đám ruộng dọc suối của người dân làng D luôn tốt tươi, trĩu bông.
“Năm 2004, đập thủy lợi Ia Hung được khởi công xây dựng. Lúc bấy giờ, tôi đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Gào. Khu vực triển khai xây dựng đập thủy lợi có địa hình nhấp nhô uốn lượn, độ dốc lớn và có nhiều khe trũng nên thích hợp cho việc đắp đập giữ nước, nhất là vào mùa khô. Công trình hướng đến mục tiêu là dẫn nước từ đập thủy lợi Ia Hung về tưới cho cánh đồng Taylo thuộc làng C, D (xã Gào). Tuy nhiên, do địa hình cách trở cộng với sức lực có hạn nên việc này đã không thực hiện được. Vì vậy, công trình chỉ cung cấp nước tưới cho làng D và thôn 6 (xã Gào). Đập thủy lợi Ia Hung có lòng hồ rộng hơn 6 ha với dung tích 200.000 m3, tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 120 ha đất nông nghiệp”-ông Thanh cho hay.
Ông Siu Chiêu-Bí thư Chi bộ làng D đã gắn bó đời mình với những vui buồn bên dòng Ia Hung xanh ngắt. Ảnh: Trần Dung
Ông Siu Chiêu-Bí thư Chi bộ làng D đã gắn bó đời mình với những vui buồn bên dòng Ia Hung xanh ngắt. Ảnh: Trần Dung
Cũng như ông Thanh, ông Siu Chiêu-Bí thư Chi bộ làng D đã gắn bó đời mình với những vui buồn bên dòng Ia Hung. Ông Chiêu hào hứng kể: “Xưa kia, nơi này là khu vực nước giọt của làng với 3 giọt nước dành cho đàn ông, phụ nữ và thanh niên. Ngọn nguồn câu chuyện về cái tên Ia Hung có thể chẳng ai còn nhớ tường tận nhưng dân làng ai cũng biết, hồ nước này luôn trong vắt và không bao giờ cạn. Và khi đập thủy lợi được xây dựng, nó đã tưới mát cho một vùng rộng lớn”.
Hồ Ia Hung giúp dân làng D có nước để sinh hoạt, có cá, tôm để ăn. Rồi khi có đập thủy lợi, bà con tận dụng điều kiện tự nhiên ưu đãi để trồng lúa nước 2 vụ, trồng cây công nghiệp dài ngày, làm kinh tế trang trại. Dòng nước Ia Hung được đưa về tận chân ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Chìa khóa” đổi thay đời sống
Ngày dòng nước mát từ hồ Ia Hung theo kênh mương thủy lợi chảy về khắp những cánh đồng lúa, vườn cà phê, hồ tiêu, bắp, mì… người làng D không giấu được niềm vui. “Tôi còn nhớ như in buổi sáng mùa hè năm 2004, ai cũng có mặt từ sớm để đón nước về ruộng. Mạ non cấy xuống trong tiếng reo hò của bà con. Chẳng bao lâu, cây lúa đã bén rễ phủ xanh khắp cánh đồng. Bắp, mì, cà phê… phát triển xanh tốt”-ông Chiêu hồi tưởng.
Những vụ mùa tốt tươi đã giúp làng D dần thoát khỏi đói nghèo, nhiều gia đình đã vươn lên trở thành triệu phú. Làng D hiện có 210 hộ, chỉ còn 5 hộ nghèo. Hầu hết các gia đình trong làng đều có xe máy, máy cày, máy bơm nước phục vụ sản xuất. Tất cả các tuyến đường giao thông trong làng đều được làm mới rộng 10 m để bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi. Từ khi có đập thủy lợi, đời sống của bà con khởi sắc rất nhiều.
Ông Rơ Châm Cui (làng D, xã Gào) phấn khởi cho biết, từ khi có công trình thủy lợi Ia Hung, cuộc sống của bà con ngày càng khởi sắc. Ảnh: Trần Dung
Ông Rơ Châm Cui (làng D, xã Gào) phấn khởi cho biết, từ khi có công trình thủy lợi Ia Hung, cuộc sống của bà con ngày càng khởi sắc. Ảnh: Trần Dung
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cà phê, ông Rơ Châm Cui-một trong những triệu phú làng D-không giấu được niềm vui. Ông Cui cho rằng, mình là một trong những hộ may mắn trong làng khi được hưởng lợi từ công trình thủy lợi Ia Hung. “Từ khi công trình thủy lợi được xây dựng đã tưới mát cho cánh đồng, đất đai như vỡ ra, cây cối nảy mầm xanh tốt. Hiện gia đình mình có 2 ha cà phê và 6 sào lúa; thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm”-ông Cui chia sẻ.
Đập thủy lợi Ia Hung chính là tiền đề góp phần giúp xã Gào phát triển kinh tế-xã hội. Ông Kpă Duan-Bí thư Đảng ủy xã Gào-phấn khởi thông tin: Công trình thủy lợi Ia Hung có ý nghĩa rất lớn, giúp thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn ở làng D nói riêng và xã Gào nói chung. Gần 20 năm trôi qua, công trình thủy lợi Ia Hung đã góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của vùng đất cách mạng này. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy cảnh quan ở đây cũng rất phù hợp để thu hút khách du lịch trong những năm đến.
TRẦN DUNG