Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú: Nơi giáo dục truyền thống cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu muốn tìm hiểu kỹ về lịch sử-văn hóa của vùng đất Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng thì du khách không thể bỏ qua Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 200 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Khi chúng tôi đến Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú đã thấy rất đông các em học sinh có mặt ở đây. Trò chuyện cùng chúng tôi, em Nguyễn Lan Anh-học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên tổ chức cho chúng em đến đây để tìm hiểu về truyền thống cách mạng của dân tộc cũng như những đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước. Chính sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ đã đem lại độc lập tự do cho đất nước, cho chúng em được sống trong hòa bình, hạnh phúc như hôm nay. Liên Đội cũng thường chọn nơi này để tổ chức kết nạp đội viên”.

  Chính quyền và các tổ chức đoàn thể TP. Pleiku dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú. Ảnh: Thiên Thanh
Chính quyền và các tổ chức đoàn thể TP. Pleiku dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú. Ảnh: Thiên Thanh


Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú là nơi yên nghỉ của hơn 200 liệt sĩ thuộc các đơn vị: Tiểu đoàn Bộ binh 15, Tiểu đoàn Đặc công 408, Công an tỉnh, Đại đội Đặc công C90 và C21, Thị đội Pleiku, bộ đội địa phương Khu 6, du kích các khu: 3, 4, 5, 6 và cán bộ, chiến sĩ, đồng bào hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Đến bây giờ, cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng gian khổ nhưng cũng rất hào hùng ấy. Ông Lương hồi nhớ: “Thực hiện chủ trương tổng tiến công và nổi dậy, 0 giờ 55 phút ngày 31-1-1968 (tức rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân), Tiểu đoàn Đặc công 408 nổ súng đầu tiên mở màn chiến dịch. Tiểu đoàn 408 liên tục nổ bộc phá và pháo kích vào cơ quan Quân đoàn II, Sân bay Aria, Sân bay Cù Hanh. Đại đội 90 của chúng tôi vào trận với 47 chiến sĩ xuất kích từ đường hẻm gần lò mổ đối diện Nhà lao Pleiku, tập kích giải thoát 200 chiến sĩ bị địch bắt giam tại đây; đồng thời, đánh thọc sâu vào sào huyệt của địch: Tòa hành chính, Ty Ngân khố, Tiểu đoàn bảo an, Khu đại đội thám báo biệt kích, Ty Cảnh sát… Đến sáng mùng 1 Tết, địch từ La Sơn kéo vào với xe tăng, xe bọc thép yểm trợ, trên trời thì máy bay bắn phá vào vị trí của đơn vị. Mặc dù anh em đồng đội chiến đấu rất anh dũng, nhưng quân địch đông, hỏa lực mạnh nên đơn vị chịu nhiều thương vong. Đến tối, khi đã im tiếng súng, chúng tôi đi kiểm tra thì cả đại đội chỉ còn 7 người, trong đó có 4 người bị thương. Chúng tôi đành gạt nước mắt để anh em hy sinh nằm lại, rồi lần tìm theo hướng bờ suối mà đi. Sau đó, ban ngày thì ẩn nấp theo bờ suối, dưới những lùm cây, tối lại đi. Chúng tôi di chuyển 7 ngày đêm mới về nơi đơn vị xuất phát là làng O Sơr, xã Gào”.

Trong trận chiến đấu này, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, nhiều người bị thương, bị địch bắt tù đày... Sau đó, địch đã gom hơn 200 thi thể của các đồng chí đã hy sinh vùi vào nhiều hố thành ngôi mộ chung tại khu vực tổ 11, phường Hội Phú. Để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1993, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc TP. Pleiku đã lập ngôi mộ chung tưởng niệm các liệt sĩ. Đến năm 2004, xây dựng thành Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú. Công trình có diện tích 5.000 m2 với 13 hạng mục như: khuôn viên, khu vực thờ cúng, nhà bia, ngôi mộ chung… Tổng kinh phí xây dựng hơn 6 tỷ đồng, trong đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đóng góp 1,4 tỷ đồng. Công trình thường xuyên được tu bổ, nâng cấp, trở thành địa chỉ tham quan của đồng bào các dân tộc địa phương và du khách. Với những ý nghĩa đó, ngày 5-3-2007, công trình được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Công trình linh thiêng này tọa lạc tại đường Nguyễn Viết Xuân (tổ 11, phường Hội Phú) đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Không những vậy, người dân thành phố và các cựu chiến binh luôn tìm đến đây để thắp hương tri ân các liệt sĩ cũng như tưởng nhớ đồng đội. Để ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, vào các ngày lễ, Tết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc TP. Pleiku cũng tổ chức các lễ viếng, lễ dâng hương tại nơi này.

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-cho biết: “Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú là nơi các đoàn viên, thanh niên, thiếu niên đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống của cha anh. Cùng với đó, vào các dịp lễ, Tết, chúng tôi tổ chức dâng hương, dâng hoa và thắp nến tri ân. Đây cũng là nơi để các liên đội, tổ chức cơ sở Đoàn chọn làm lễ kết nạp đội viên, đoàn viên; thanh niên trước lúc lên đường nhập ngũ cũng thường đến thắp hương và thể hiện quyết tâm kế thừa truyền thống cha anh đi trước, tiếp tục cống hiến sức trẻ, góp phần bảo vệ và dựng xây đất nước”. 

 

THIÊN THANH