Nặng lòng với nhạc cụ truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố núi Pleiku có nhiều người trẻ đánh chiêng giỏi, biết chế tác nhạc cụ dân tộc Jrai. Họ cũng dành trọn tâm huyết cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy tình yêu cồng chiêng cho thanh thiếu nhi.
Những đôi tay tài hoa
Đến làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ), hỏi tên anh Siu Thưm (SN 1983) thì hầu như ai cũng biết. Bởi anh là người chơi nhạc cụ giỏi và cũng chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo. Những ngày thơ ấu, anh Thưm được nghe người lớn tuổi trong làng hòa tấu nhạc cụ dân tộc rồi đam mê lúc nào không hay. Giai điệu cồng chiêng hay đàn t’rưng, đàn goong ngân vang trong những lễ hội làm anh mê say. “Năm 15 tuổi, thấy một người dân trong làng đặt mua đàn t’rưng của nghệ nhân Rơ Châm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), tôi thích quá rồi xin đánh thử. Thấy tôi có năng khiếu, nghệ nhân Rơ Châm Tih cho đi theo và chỉ bảo rất tận tình. Vì thế, tôi biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc”-anh Thưm kể.
Nói là vậy, nhưng để chơi thuần thục các loại nhạc cụ, anh Thưm đã khổ luyện không ngừng nghỉ. Bởi có đam mê thôi chưa đủ, anh dành thời gian để tìm hiểu, học cách chơi các loại nhạc cụ, những bài nhạc đơn giản, khi có kỹ năng rồi lại quay sang tập luyện những bản nhạc truyền thống. Hiện nay, anh Thưm chế tác thành công một số loại nhạc cụ như: đàn t’rưng, đàn goong, k’ni... Anh cũng sáng tạo những đồ vật trang trí kiểu mô hình như: hồ lô, cây nêu, nhà rông… để phục vụ du khách. Theo anh Thưm, các loại đàn muốn có âm thanh hay thì vật liệu phải phù hợp. Trước đây, anh thường theo chân các nghệ nhân lên rừng để chọn những thân tre, ống nứa phù hợp về làm đàn. Đi dần rồi quen, cứ 2 tuần/lần, anh Thưm lại rủ thanh niên trong làng lên núi ở xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) để chọn vật liệu về chế tác nhạc cụ.
Anh Siu Thưm hướng dẫn các em nhỏ làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) đánh cồng chiêng. Ảnh: Phan Lài
Anh Siu Thưm hướng dẫn các em nhỏ làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) đánh cồng chiêng. Ảnh: Phan Lài
Qua bàn tay khéo léo của anh Thưm, những thanh nứa, quả bầu vô tri vô giác trở thành các loại nhạc cụ. Tiếng lành đồn xa, nhiều du khách tìm đến nhà để xem anh chế tác và đặt mua nhạc cụ. Với những đơn đặt hàng lớn, anh Thưm nhờ các nghệ nhân trong làng cùng làm, giúp bà con có thêm thu nhập. Anh tâm sự: “Tôi là nhân viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku nên thời gian cũng eo hẹp. Vì thế, với những đơn đặt hàng lớn, tôi và các nghệ nhân trong làng cùng làm. Cách làm này khiến cho nhạc cụ dân tộc của người Jrai vẫn được nhiều người yêu thích và gìn giữ”.
Là người con của làng Tiêng 2 (xã Tân Sơn), từ lúc 10 tuổi, anh Hyơm (SN 1984) bắt đầu đam mê và bộc lộ năng khiếu biểu diễn cồng chiêng. Chỉ cần nhìn những người lớn tuổi trong làng biểu diễn là anh đã ghi nhớ và mày mò học rồi biết cách đánh cồng chiêng từ lúc nào không hay. Không những vậy, anh còn đi theo những người giỏi trong làng để học cách đánh cồng chiêng và rèn thêm kỹ năng cho bản thân. Khi 15 tuổi, anh đã đánh thành thục các loại chiêng truyền thống lẫn hiện đại.
Anh Hyơm (làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) giữ gìn các bộ cồng chiêng của gia đình rất cẩn thận.  Ảnh: Phan Lài
Anh Hyơm (làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) giữ gìn các bộ cồng chiêng của gia đình rất cẩn thận. Ảnh: Phan Lài
Anh Hyơm hiện đang lưu giữ 2 bộ cồng chiêng, mỗi bộ 20-25 chiếc. Trong đó, bộ chiêng truyền thống được dùng để đánh trong lễ bỏ mả, đâm trâu; bộ chiêng hiện đại được dùng để chơi các bài nhạc mới: “Đêm xoang Tây Nguyên”, “Đôi mắt Pleiku”, “Ngọn lửa cao nguyên”… Hai bộ chiêng này được anh bảo quản rất cẩn thận. Thời gian này, anh tập trung học cách chỉnh chiêng từ nghệ nhân trong xã. Anh Hyơm tâm sự: “Ngày xưa, ở làng mình, nhà nào cũng có cồng chiêng, nhưng nay còn ít lắm. Vì thế, mình giữ gìn những bộ cồng chiêng của gia đình rất cẩn thận. Theo mình, mỗi cái chiêng đều có hồn vía riêng. Muốn đánh chiêng giỏi thì mình phải hiểu nó, coi nó như người bạn tri kỷ”.
“Truyền lửa” cho lớp trẻ
Mới đây, tại Liên hoan tiếng hát “Hoa phượng đỏ” do Ban Chỉ đạo hoạt động hè TP. Pleiku tổ chức, tiết mục múa “Cánh chim vào hội” và hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Buôn làng ấm no” do các em thiếu nhi làng Pleiku Roh biểu diễn đã giành giải A. Người đứng sau sự thành công của các tiết mục này là anh Siu Thưm. Em Puih Minh-thành viên đội nhạc cụ dân tộc làng Pleiku Roh-chia sẻ: “Nhờ thầy Thưm hướng dẫn, em và các bạn chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Việc tập luyện được tổ chức thường xuyên, khoảng 2 tuần/lần; những lúc tham gia hội thi thì chúng em tập luyện tích cực hơn. Chúng em rất vui vì góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Em sẽ cố gắng học hỏi thầy Thưm để sau này cũng chơi đàn hay và chế tác nhạc cụ dân tộc giỏi”.
Đội nhạc cụ dân tộc của làng Pleiku Roh được anh Thưm duy trì từ năm 2015 đến nay. Trăn trở giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, anh Siu Thưm đã bàn với Chi Đoàn làng thành lập một đội nhạc cụ dân tộc và anh trực tiếp giảng dạy. Ý kiến của anh được nhiều người già trong làng ủng hộ. Hiện đội nhạc cụ dân tộc thanh niên của làng gồm 35 thành viên. Bên cạnh đó, anh Thưm cũng đang hướng dẫn cho đội cồng chiêng thiếu niên, nhi đồng. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh mà đội nhạc cụ dân tộc của làng Pleiku Roh ngày càng tiến bộ, được lựa chọn tham gia nhiều hội thi do thành phố, tỉnh tổ chức và đều giành được giải cao. Ngoài ra, đội còn được mời lưu diễn ở các tỉnh: Quảng Nam, Kiên Giang. “Nhìn các em say mê biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tôi thực sự xúc động. Nhiều em mới 8 tuổi đã biết chơi nhạc cụ giỏi. Đây là nguồn động viên để tôi tiếp tục hướng dẫn, giảng dạy giúp các em ngày càng tiến bộ, tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc mình”-anh Thưm bày tỏ.
Đội nhạc cụ dân tộc làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) biểu diễn tại Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ do Ban Chỉ đạo Hoạt động hè TP. Pleiku tổ chức ngày 12-8. Ảnh: Phan Lài
Đội nhạc cụ dân tộc làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) biểu diễn tại Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ do Ban Chỉ đạo Hoạt động hè TP. Pleiku tổ chức ngày 12-8. Ảnh: Phan Lài
Giống như anh Thưm, anh Hyơm cũng trăn trở và đứng ra thành lập đội cồng chiêng thanh niên làng Tiêng 2 với 20 thành viên vào năm 2016. “Mình là thành viên đội cồng chiêng người lớn. Các ông, các chú sức khỏe ngày càng suy yếu, trong khi thế hệ trẻ lại không mặn mà với cồng chiêng. Lo sợ mai một nên mình mới đứng ra thành lập đội cồng chiêng này”-anh Hyơm nói.
Dưới sự chỉ bảo, dạy dỗ tận tình của anh Hyơm, đội cồng chiêng làng Tiêng 2 đã nhanh chóng nổi tiếng, từng đại diện cho xã Tân Sơn tham gia trình diễn ở nhiều sự kiện do UBND thành phố tổ chức. Anh Hyơm hiện là chủ quán gà nướng, cơm lam Plei Tiêng (xã Tân Sơn). Đội cồng chiêng thanh niên của làng được anh mời tham gia biểu diễn, phục vụ theo nhu cầu của khách. Việc làm này vừa góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa giúp các thành viên của đội có thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Tuyên-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn-thông tin: “Nhờ có anh Hyơm mà phong trào văn hóa-văn nghệ tại làng Tiêng 2 khá sôi nổi. Tại những sự kiện do thành phố tổ chức, xã Tân Sơn đều cử đội cồng chiêng thanh niên làng Tiêng 2 tham gia. Sự tâm huyết của anh Hyơm đã truyền cho thế hệ trẻ tình yêu và lòng tự hào về di sản quý báu của dân tộc”.
*
Giữa nhịp sống sôi động của phố thị, bản sắc văn hóa tưởng chừng bị mai một. Thế nhưng, với tình yêu văn hóa và sự “tiếp lửa” của những người con Jrai, thanh âm của nhạc cụ dân tộc, những bài chiêng truyền thống vẫn vang lên đầy sức sống, khẳng định giá trị to lớn không gì có thể thay thế. 
PHAN LÀI