Trầm tích đất cổ An Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ miền xuôi lên cao nguyên theo quốc lộ 19, qua khỏi thị trấn Đak Đoa, chúng ta bắt gặp một vùng đất khá bằng phẳng với cánh đồng bát ngát, phì nhiêu nằm hai bên đường khiến cho ai nấy cũng cảm thấy dễ chịu và quen thuộc như miền đồng bằng thân thương, đó là xã An Phú (TP. Pleiku). 

Cũng như xã Tiên Sơn, An Phú tuy hiện tại là vùng ven đô nhưng nó có lịch sử lâu đời, qua nhiều tên gọi khác nhau và những lưu dân người Kinh từ Bình Định, Quảng Ngãi đã đặt dấu chân đầu tiên nơi miền sơn cước này, chỉ sau những người đi “mở cõi” ở Tây Sơn Nhất, Tây Sơn Nhì (An Khê ngày nay).

Tôi có một ngày trải nghiệm ở làng Phú Thọ và An Mỹ (xã An Phú) với nhiều câu chuyện thú vị từ các bậc bô lão định cư lâu đời tại miền đất nông nghiệp trù phú này. Ông Võ Đình Viên, năm nay 73 tuổi, một thời là giáo viên tiểu học, là người sinh ra trên chính làng Phú Thọ. Gia đình ông hiện sinh sống gần Nhà thờ Phú Thọ từ thời ông nội để lại. Ông Viên là đời thứ 3 lập nghiệp tại vùng đất mới. Ông nội Võ Đình Mai là 1 trong 8 lưu dân đầu tiên từ Bình Định có mặt lập nên làng Thanh Nghiệp năm 1901 (có người gọi là Quảng Nghiệp, thuộc thôn 9, 10, 11 của xã An Phú ngày nay). Sau đó, một số gia đình người Kinh theo đến đây lập nên làng Nguyên Lợi (ở phía Nam Nhà thờ Phú Thọ). Làng An Mỹ trước đây còn có tên Quảng Định do người Quảng Ngãi và Bình Định ngụ cư.

Trước năm 1925, hai làng người Kinh này nằm trong địa bàn có tên là Môn Yang-vùng đất của người Jrai xưa (Môn Yang có nghĩa là nơi hiến cho thần). Trước năm 1945 thì địa danh này thuộc xã Phú Thọ, tổng Trà Nông, đạo Gia Lai. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, 2 địa danh Phú Thọ và An Mỹ thuộc quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền mới sáp nhập 2 xã Phú Thọ, An Mỹ thành xã An Phú, thuộc thị xã Pleiku, nay là TP. Pleiku. Theo một số tài liệu còn lưu lại thì trước năm 1920, cả vùng Phú Thọ và An Mỹ, kể cả Trà Nhá (*) chỉ có khoảng 50 gia đình người Kinh ngụ cư. Họ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và hoa màu. Hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX, thực dân Pháp có chủ trương cấm người Kinh lên Tây Nguyên lập nghiệp nên dân số Kinh ở An Mỹ và Phú Thọ không tăng, thậm chí còn giảm sút do tỷ lệ người chết vì ốm đau, dịch bệnh cao hơn tỷ lệ sinh. Cho đến khi Vua Bảo Đại thành lập đạo Gia Lai (tháng 12-1932) thì người Kinh từ duyên hải miền Trung mới tiếp tục lên vùng Pleiku, Buôn Ma Thuột lập nghiệp ngày càng đông hơn.

 Một góc xã An Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Thi
Một góc xã An Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Thi


Ông Viên kể lại, đến thời cha ông (cụ Võ Đình Ngữ), vùng Phú Thọ là rừng rậm, nhiều cọp và chim thú hoang dã; muốn đi Pleiku phải dùng xe bò, phía sau có chòi bằng tre nứa đặt lên cái cộ với hai bánh xe bằng gỗ và cái ách móc vào cho con bò đực to khỏe kéo. Người ta phải đi từ tờ mờ sáng nên treo một cái đèn gió phía trước không phải để thắp sáng mà mục đích là dùng ánh lửa dọa cọp vì có thể nó tấn công bò và người. Đến cửa ngõ Pleiku (Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai bây giờ) thì lính Pháp gác ở đây không cho mang xe bò vào trung tâm (nơi tiền đồn của Pháp) mà phải gửi lại bên ngoài rồi người đi bộ vào. Khi ông Viên lớn lên, được gia đình cho đi học tại trường làng đến lớp 3 là hết. Bấy giờ, cha ông phải gửi lên Kon Tum để học tiếp.

Nói về vùng đất cổ Phú Thọ, ông Viên nhớ lại thời niên thiếu, khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông cùng với trẻ nhỏ chăn bò có đến nơi cách nhà ông bây giờ 1 km dạo chơi trên một nền tháp Chăm đã đổ nát, chỉ còn vài bức tường gạch đầy dây leo và bụi rậm. Hiện ở nhà ông Viên còn vài viên gạch của tháp Chăm do ông nhặt về từ dạo ấy để làm kỷ niệm. Một số di vật khác của tháp cũng đang nằm rải rác trong dân. Sau này lớn lên, ông cũng không còn nhớ đến cái nền tháp cổ kính ấy làm gì. Đến gần đây, giới chuyên môn ở tỉnh và các nơi lại tìm đến ông để hỏi, tìm hiểu về phế tích tháp Chăm mà ông từng tiếp cận. Đây là điều mà ít ai ngờ đến bởi tại vùng đất Phú Thọ, nơi chỉ có người Jrai và vài làng người Bahnar sinh sống lâu đời mà lại có dấu tích của người Chăm cổ đã từng xây đền tháp.

Ông Viên nhắc lại kỷ niệm từ thời cụ nội, rồi đến cha ông lên tìm kế sinh nhai ở làng Phú Thọ ngày xưa. Hồi ấy, người Kinh còn thưa thớt, chung quanh là làng đồng bào dân tộc bản địa nên họ nghĩ “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Các bậc cha, ông đều kết nghĩa với người Jrai, Bahnar để giúp đỡ nhau làm ăn, sinh sống. Cha ông kể rằng đã từng làm lễ bú vú-một phong tục của người Bahnar khi kết nghĩa làm anh em hoặc cha con. Người ta làm lễ với con gà và ghè rượu; sau khi đọc lời khấn với Yàng xong, người chủ làng đem rượu ghè tưới lên mình người lớn tuổi hơn (làm cha hay làm anh), người nhỏ tuổi hơn đưa miệng hứng lấy giọt rượu chảy xuống ngực rồi uống. Xong xuôi, người đại diện tuyên bố từ đây họ là anh em hoặc cha con một nhà luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Chính nhờ vậy mà gia đình ông Viên luôn được sống yên ổn và được xem như thành viên trong cộng đồng của người dân tộc bản địa nơi đây. Khi cha nuôi là người Bahnar mất thì gia đình ông còn được chia tài sản (chủ yếu là ruộng, đất). Tuy nhiên, cha ông Viên xin không nhận mà nhường lại cho những người con ruột của cha nuôi.

Chiều hôm ấy, tôi tìm đến chuyện trò với ông Võ Khiêm, năm nay 85 tuổi ở nhà riêng trước chùa An Thạnh (chùa sư nữ). Gia đình ông Khiêm lên An Mỹ ngụ cư từ trước năm 1955. Bấy giờ, vùng đất này còn hoang sơ và rất ít người Kinh sinh sống. Gia đình ông khai hoang vỡ hóa được mấy sào ruộng. Hồi ấy, nhờ nước trời nên quanh năm chỉ làm được một mùa lúa, năng suất không cao như bây giờ. Ông nhớ ngày mới đến, cách An Mỹ khoảng 1 km về phía Nam có cánh đồng gọi là Đồng Bồ khá rộng, trong đó có một đầm nước lớn cả chục héc ta, chung quanh cây cối rậm rạp, chim thú và cá trong đầm nhiều vô kể, nuôi sống dân làng quanh năm. Nay đầm Bồ không còn nữa, nguồn nước cạn kiệt, hệ sinh thái thay đổi; ruộng Đồng Bồ thiếu nước nên chỉ làm được một vụ. Từ đó, cánh đồng An Phú cũng bị ảnh hưởng, thiếu nước tưới hàng năm.

Người đến định cư ở Phú Thọ muộn hơn mà tôi gặp là ông Tô Thự, năm nay 86 tuổi, quê gốc Hoài Nhơn, Bình Định. Ông tâm sự: Cuộc đời đã sắp xếp cho tôi và gia đình lưu lạc khắp nơi rồi cuối cùng lại về định cư ở đất An Phú. Đất bấy giờ tôi ở có mua bán gì đâu, cứ tự khai hoang rồi làm nhà ở vậy thôi! Trước đây, tôi rời quê hương đi làm công nhân ở thủy điện Đa Nhim (tỉnh Lâm Đồng), rồi có thời gian sống ở Bảo Lộc làm nghề trồng chè. Sau đó, cũng vì chạy trốn quân dịch mà phải vào Sài Gòn làm nghề lái xe lam chở khách và hàng hóa. Đến năm 1968, chính quyền Sài Gòn bắt lính dữ quá, tôi lại trốn lên cao nguyên và chọn Phú Thọ để ở. Tôi làm nghề chạy xe lam chở khách đi thị xã Pleiku, rồi tiếp tục mở máy xay xát gạo cho dân quanh vùng này. Công việc làm ăn tiến triển khá thuận lợi. “Đất lành chim đậu”, sau ngày đất nước thống nhất, tôi và gia đình không về quê Hoài Nhơn mà tiếp tục ở lại quê hương thứ hai này làm ăn. Tôi mua máy cày và đi cày thuê, vỡ đất cho dân. Bấy giờ, ai cũng muốn có đất canh tác nên tôi lúc nào cũng bận rộn. Từ đó, gia đình cũng có của ăn của để… Hơn nửa thế kỷ ở đất An Phú, cả thời chiến tranh và hòa bình sau này, người dân nơi đây có cuộc sống tương đối an lành, no ấm. Có thể nói, đây là miền đất đáng sống!


Trong dòng chảy lịch sử từ cổ đại cho đến đương đại, các tộc người đã ghi lại nhiều dấu ấn trên mảnh đất An Phú. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu để khai thác đầy đủ lớp “trầm tích” nơi miền đất cổ của đô thị Pleiku. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử có lần kể lại chuyến đi cùng đoàn khoa học đến Mặt trận B3 để tìm hiểu về tin đồn “người rừng” ở Tây Nguyên năm 1974. Dưới con mắt của nhà nghiên cứu khảo cổ, ông đã phát hiện nhiều dấu vết tiền sử ở Gia Lai. Đến năm 1993, ông và đoàn khảo cổ đã phát hiện di chỉ Biển Hồ (TP. Pleiku) với vùng văn hóa cư dân nông nghiệp của người Jrai cổ cách nay hơn 4.000 năm. Và sau đó, năm 1994, ông và đoàn khảo cổ đã khai quật di chỉ Trà Dôm ở An Mỹ, cách đây khoảng 3.500 năm vào thời hậu kỳ đá mới và sơ kỳ đồng thau. Đây là những phát hiện khảo cổ quan trọng trên Tây Nguyên, mở đầu cho các cuộc khai quật các di chỉ nổi tiếng khác trên địa bàn cao nguyên.


(*) Làng Việt Trà Nhá, ở gần làng Tơnhă của người Jrai. Năm 1945, làng này sáp nhập vào làng Phú Thọ

 

BÙI QUANG VINH