Làng bên Biển Hồ: Hiện thực và truyền thuyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một buổi chiều tháng 6, tôi xách máy lòng vòng quanh thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku) để tìm góc ảnh đẹp. Sau khi đắm mình bên những rặng thông xanh rợp bóng như hàng mi cong vút bên “đôi mắt Pleiku”, tôi đến 2 ngôi làng Jrai nằm cạnh mé hồ: Ia Nueng và làng Phung tự lúc nào không biết.

Nhà của già làng Ia Nueng-Hmrik không mấy khó tìm. Ngay cổng làng nhìn ra Biển Hồ, vào sâu khoảng vài trăm mét là đến. Ngôi nhà trệt xây hiện đại của già Hmrik nhìn ra khu nhà rông văn hóa (xây bê tông lợp tôn), có lớp mẫu giáo của làng bên cạnh. Già tiếp chúng tôi tại bộ bàn ghế xi măng đúc sẵn đặt trước hiên nhà. Nhìn nhà vườn còn rộng, có xe công nông để chở nông sản, tôi nghĩ đời sống kinh tế gia đình cũng thuộc lớp khá giả. Già Hmrik năm nay 73 tuổi, có 4 người con đều có gia thất, làm ăn ổn định, họ sinh sống ngay tại làng Ia Nueng. Ông tâm sự: “Mình vốn gốc không phải ở làng này mà ở làng Phung bên cạnh, lấy vợ ở làng Ia Nueng nên theo phong tục về ở đây luôn. Vừa rồi, làng Ia Nueng và Sơr sáp nhập, hiện làng có hơn 200 hộ dân”.

Già làng Ia Nueng-Hmrik. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Già làng Ia Nueng-Hmrik. Ảnh: Hùng Hoa Lư


Không ai biết làng Ia Nueng có từ bao giờ. Các thế hệ lớn lên ở làng này chỉ thấy cây đa già cỗi chí ít cũng vài trăm tuổi và cái bến nước cuối làng. Già Hmrik cho biết, làng đã định cư tại vùng đất bên cạnh hồ nước lớn này từ xa xưa. Và bây giờ, đã trở thành làng nông thôn mới với đường làng, ngõ xóm được quy hoạch, tôn tạo khá hiện đại; các tập tục của người Jrai cũng đã phai nhạt nhiều. Hầu hết người Jrai ở làng không còn nhớ họ của mình. Ngay cả già Hmrik cũng không còn khai họ trong giấy tờ tùy thân. Theo trí nhớ của ông, ngày ấy, những khu đồi ven hồ Ia Nueng là rừng rậm với nhiều chim thú, có cả hổ. Nhiều khi, chúng bắt vật nuôi nên dân làng rào giậu khá kiên cố. Hiện nay, làng đã lên phố nên có nhiều đổi thay. Biển Hồ giờ đây trở thành thắng cảnh của Tây Nguyên, thu hút ngày càng nhiều du khách đến thưởng ngoạn. Dân làng Ia Nueng rất tự hào vì được mang tên gốc với truyền thuyết về hồ này được lưu truyền rộng rãi trên cả nước (Ia Nueng-tiếng Jrai là hồ nước).

Để tìm hiểu thêm các truyền thuyết dân gian về hồ Ia Nueng, tôi gợi ý cho già Hmrik kể tóm tắt câu chuyện mà dân làng thường nhắc lại cho con cháu. Già kể với chúng tôi xung quanh truyền thuyết về “con heo trắng” do 2 bà cháu Jrai nhặt được đem về nuôi, cơ bản giống như nội dung câu chuyện được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng xung quanh truyền thuyết Biển Hồ trước nay. Đó là việc phá vỡ lời nguyền của bà khi cho cháu ăn thịt heo trắng nên Yàng nổi giận làm cho đất sụt lở vùi lấp cả dân làng nơi đây và chỗ sụt lún đã biến thành hồ nước (tức hồ Ia Nueng ngày nay).

Tất nhiên, bên cạnh đó, nhiều chi tiết trong chuyện kể của già Hmrik mới lạ hơn. Nếu phân tích về yếu tố kỳ ảo trong thần thoại hay truyền thuyết thì chúng ta có thể chấp nhận các chi tiết như: con heo trắng được đem về nuôi chỉ ăn cát mà lớn nhanh như thổi hay cơn giận dữ của Yàng làm cho đất sụt lở vùi lấp dân làng…Nhưng xét về mặt logic thì các chi tiết do già làng Hmrik kể có lý hơn. Đó là lời nguyền của bà: Nếu bà ăn thịt con heo trắng mình nuôi-con vật bị người làng bắt về làm vật tế trong lễ cúng nhà rông mới thì trời sụp đất lở. Trong khi nhận được khẩu phần thịt heo làng chia đem về, bà nướng cho cháu (cháu đòi ăn), vô tình mỡ heo khi nóng chảy bắn vào tay bà. Phản xạ của bà bị nóng liền đưa chỗ tay bị bỏng lên liếm vào miệng. Như vậy, lời nguyền của bà bị phá vỡ và hậu quả là cả làng phải hứng chịu sự trừng phạt của Yàng.

Còn chi tiết khác phi logic là nhiều người cố tình giải thích sự sụt lún đất biến thành hồ là hiện tượng phun nham thạch của miệng núi lửa (Biển Hồ là miệng núi lửa âm) cách nay hàng triệu năm. Nên nhớ, di chỉ khảo cổ Biển Hồ sau ngày giải phóng đã xác định dấu tích con người sinh sống ở vùng này vào thời đại hậu kỳ Đá mới cách nay khoảng 3500 năm-4000 năm (!). Bên cạnh đó, có nhiều dị bản về truyền thuyết Biển Hồ khác mà các báo đã trích đăng như: làng bắt con mang về làm vật hiến tế trong lễ cúng nhà rông mới và bị Yàng phạt (đất sụt lún thành hồ). Điều này giải thích cho việc một số dân tộc bản địa ở Tây Nguyên kiêng ăn thịt mang. Hay câu chuyện: bến nước của làng ngày xưa nằm vùng lòng hồ ngày nay. Khi Yàng phạt, làng bị sụt đất vùi lấp hết dân làng, may mắn có một số người đi xa nên sống sót, sau đó trở về thấy cảnh tượng hãi hùng này, họ khóc than, nước mắt biến thành những dòng suối rồi đọng lại thành hồ nước bây giờ...


Từ làng Ia Nueng, chúng tôi đi xe máy qua làng Phung mất 5 phút. Làng chỉ cách Biển Hồ khoảng 1 km. Làng Phung ngày nay cũng mới nhập lại từ 3 làng khác (Phung 1, Phung 2 và làng Đa) với số dân tăng lên đáng kể. Làng cũng được quy hoạch khá bài bản và dấu tích nhà sàn Jrai còn lại dường như rất hiếm hoi. Chỉ có đôi gia đình, bên cạnh các căn nhà trệt hiện đại như người Kinh, người ta còn làm nhà kho để chứa nông sản có dáng dấp nhà sàn mà thôi.

 Làng bên hồ hiện thực và truyền thuyết. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Làng bên hồ. Ảnh: Hùng Hoa Lư


Chúng tôi cố gắng đi tìm nét văn hóa của người Jrai còn sót lại, đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị Pel có cô con gái tên Han là giáo viên mẫu giáo cùng 2 cháu nhỏ. Chị Pel kể: Khi lớn lên ở làng này, chị tiếp thu nghề dệt thổ cẩm của người mẹ từ lúc thiếu niên. Hồi còn mẹ, nghề dệt thổ cẩm nơi đây chưa phát triển là bao; chủ yếu chỉ dệt để phục vụ người trong gia đình và những người trong làng có nhu cầu. Khi ấy, chị Pel và mẹ còn biết dùng các vật liệu hái từ rừng để kéo sợi, nhuộm màu và dệt thành tấm vải.

Ngày nay, vật liệu dệt vải đều mua từ thương lái. Tất nhiên, khung dệt vẫn còn thủ công và đơn sơ như trước đây. Khi lập gia đình, ngoài việc dệt vải, chị Pel còn học được thêm nghề cắt may nên người ta đặt nhiều hàng để may cả quần áo, váy đầm cải tiến cho nam nữ thanh niên và trẻ em. Ngoài việc truyền nghề cho đứa con gái mình, chị còn dạy cho hơn 20 chị em phụ nữ trong làng biết dệt vải truyền thống. Biết chị có tay nghề khá, nhiều nơi đã mời chị đến dạy nghề cho phụ nữ. Chị Pel cho biết, nếu hoàn thành một bộ đồ cho phụ nữ Jrai cũng phải mất 1 tuần đến 10 ngày. Tính ra thu nhập trên ngày công rất thấp. Dù chưa thể làm giàu bằng nghề truyền thống của dân tộc Jrai, nhưng chị Pel rất tự hào vì đã duy trì được nghề dệt thổ cẩm do tổ tiên truyền lại.

Chúng tôi rời làng Phung và Ia Nueng khi trời vừa tắt nắng, vài tia chớp phía Đông báo hiệu cơn mưa chiều đang đến. Khung cảnh Biển Hồ giờ này vắng khách, trả lại sự tĩnh mịch cho thiên nhiên kỳ thú. Mặt nước hồ Ia Nueng vẫn xanh, một màu xanh huyền thoại từng làm đắm say bao lữ khách.


 

BÙI QUANG VINH