Xã Gào-địa chỉ đỏ ven đô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyến “xuất hành” đầu năm Nhâm Dần 2022 của tôi là về vùng ven đô thị Pleiku hít thở chút không khí trong lành đầu xuân sau những ngày tự giam hãm trong căn nhà chật chội để phòng-chống dịch Covid-19. Xã Gào-vùng căn cứ cách mạng Khu 9, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, hiện lên thanh bình dưới nắng xuân.
Thời tiết giêng hai ở cao nguyên đã bắt đầu oi bức, cái nắng bánh mật khiến cho những giọt nước còn lại của mùa mưa trước bốc hơi, đất đai khô rốp. Thế nhưng, con suối Ia Púch, nơi cách ngăn cuối cùng về phía Tây Nam TP. Pleiku với vùng đất Bàu Cạn (huyện Chư Prông), dòng nước trong xanh vẫn róc rách len qua ghềnh đá tưới mát những sườn đồi cà phê đang điểm hoa trắng muốt, ngát hương thơm. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ ai đó tức cảnh sinh tình đúng với tâm trạng hưng phấn của chính mình lúc này: “Hoa cà phê trắng tưng bừng/Trời xanh như thể chưa từng được xanh…”. Có thể nói một cách không ngoa rằng, ngoại ô Pleiku vào mùa ning nơng (mùa lễ hội của đồng bào Jrai, Bahnar) này đi về phương nào cũng đẹp như tranh với đồi núi nhấp nhô lượn sóng và một màu xanh của cây trái đang phủ dần màu đất đỏ bazan…
Xã Gào, một địa danh vùng ven đô tôi đang tìm đến. Người ở nội đô Pleiku có tâm lý xem xã Gào là nơi “vùng sâu, vùng xa” của thành phố, mặc dù địa phương nằm phía Tây Nam này chỉ cách trung tâm phố thị khoảng 18 km. Từ đỉnh Hàm Rồng nhìn về hướng Tây, nằm kẹp giữa quốc lộ 14 và 19, bên cạnh Nhà máy chè Bàu Cạn, chúng ta có thể nhìn thấy chóp mái nhà rông làng C (Plơi Gao Nang), nơi trung tâm hành chính xã Gào. Suối Ia Púch phát nguyên từ chân núi phía Tây Hàm Rồng là một trong những đường phân thủy chảy qua giữa lòng Bàu Cạn và xã Gào kéo dài hàng chục cây số. Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp lập đồn điền chè Bàu Cạn đã ngăn suối Ia Púch, Ia Mua trong vùng để làm thủy điện và lấy nước hồ tưới cho cây trồng. Có thể xem đây là thủy điện nhỏ đầu tiên và cổ nhất ở cao nguyên Pleiku được người Pháp khai mở mà hiện nay chúng ta còn đang tận dụng nguồn thủy năng này phục vụ sản xuất, dân sinh.
Cây đa-chứng tích lịch sử Khu di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư
Cây đa-chứng tích lịch sử Khu di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư
Nhìn lại lịch sử của vùng đất xã Gào, chúng ta tự hào với sức sống bền bỉ của những người con Jrai của làng buôn can trường, đấu tranh không biết mệt mỏi trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống ngoại xâm để bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, các làng Jrai thuộc xã Gào ngày nay, như: plơi Ring Đe (làng A), plơi Gao Gơk (làng B), plơi Gao Nang (làng C), plơi Gao Klak (làng D) nằm gần đồn điền trà Bàu Cạn, nơi đã có nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh tự phát của công nhân với cai đội người Pháp, cho đến khi có các đảng viên cộng sản làm hạt nhân trong phong trào công nhân nơi đây thì các tổ chức Công hội đỏ, Cứu tế đỏ ra đời, các cuộc đấu tranh sau đó đã tỏ rõ cương lĩnh và lan rộng trong các làng đồng bào dân tộc bản địa. Nhờ vậy, tinh thần cách mạng đã từng bước thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân ở địa phương, từ đó ý chí đấu tranh chống áp bức, cường quyền ngày một dâng trào.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng thì đồng bào các dân tộc ở xã Gào đã đoàn kết một lòng vùng lên cùng đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ buôn làng. Nằm ở địa thế chiến lược khá thuận lợi của vùng đô thị Pleiku, nơi đầu não của quân địch, vùng lõm xã Gào ngày ấy được xem như bàn đạp, là căn cứ bí mật của Khu 9 (thị xã Pleiku trong kháng chiến chống Mỹ). Từ đây, quân ta có thể lập phòng tuyến để quan sát, bày thế trận nhằm tiêu hao sinh lực địch; phát động quần chúng đấu tranh chính trị làm cho bộ máy cai trị của địch suy yếu, từng bước tiến công làm chủ tình hình vùng đô thị. Những thành tích, chiến công của quân và dân xã Gào trong các cuộc kháng chiến đã nổi bật trong toàn tỉnh và Khu 9, là địa chỉ đỏ trong phong trào cách mạng ở đô thị vùng Tây Nguyên bấy giờ đã được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1976, Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban An ninh xã Gào; năm 1978, Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ và dân quân du kích xã Gào).
Hôm nay, trở lại vùng đất cách mạng xã Gào, nơi Ban cán sự Khu 9, tiền thân của Đảng bộ TP. Pleiku, chúng ta nhận thấy có nhiều đổi thay, nhưng so với quá trình phát triển suốt thời kỳ đổi mới của đô thị thì nơi đây vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng và truyền thống anh hùng của địa phương. Là đơn vị vùng ven thành phố, xã Gào đang còn khó khăn về mọi mặt, hạ tầng cơ sở chưa được cải thiện là bao, đời sống người dân tuy có chuyển biến tích cực nhưng mức thu nhập bình quân đầu người so với mặt bằng chung còn thấp.
Tôi đến làng C, cách trung tâm hành chính xã độ vài ki lô mét, tìm lại “cây đa, bến nước”, nơi các thế hệ tiền bối cách mạng của Ban cán sự Khu 9 đã từng nằm gai nếm mật để cùng với quân và dân xã Gào tổ chức đấu tranh, đánh bại kẻ thù ở vùng đô thị Pleiku. Di tích Cây đa và Hang đá bên suối Ia Púch, nhân chứng lịch sử trong cuộc kháng chiến thần thánh vẫn còn đó, luôn nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống anh hùng của cán bộ và Nhân dân xã Gào. Cây đa vẫn xanh tươi, dòng suối cách mạng vẫn trong lành, đồng bào xã Gào vẫn một lòng tin theo Đảng và Bác Hồ kính yêu. Chúng ta cần đầu tư, tôn tạo di tích nơi đây thành điểm thu hút khách thập phương tham quan và là địa chỉ đỏ của TP. Pleiku để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
BÙI QUANG VINH