Nghĩa tình Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thẳm sâu trong làn nước tĩnh lặng, xanh ngắt màu trời của Biển Hồ (TP. Pleiku) là những trầm tích về lịch sử hình thành, phát triển vùng đất này. Nơi đây còn có những con người gắn bó gần trọn cuộc đời với vùng đất vì nghĩa cả.
Vùng đất linh thiêng
Trong ngôi nhà đối diện với Biển Hồ, già làng Hmrik hồi tưởng về huyền sử Biển Hồ (Ia Nueng) qua những câu chuyện truyền miệng bao đời. Thân thuộc nhất là câu chuyện dân gian về con heo trắng mà 2 chị em gái người Jrai vô tình bắt về nuôi với lời thề độc không bao giờ giết thịt. Vì không giữ trọn lời thề, đấng thần linh nổi giận làm lở núi, dâng nước nhấn chìm buôn làng. Kể từ đó, núi chìm trong nước với 2 cái hồ rộng mênh mông nhưng chỉ nối với nhau bằng một đoạn sông bé tẹo. Người ta cũng thường nói Biển Hồ không có đáy. Nếu thả một quả dưa vào vũng nước xoáy giữa hồ thì ít ngày sau sẽ thấy nổi ở một hồ nước khác nằm dưới chân núi Ia Muk, cách đó vài chục km. 
Còn có một truyền thuyết nhuốm màu bi thương về sự hình thành Biển Hồ. Ấy là sau khi núi lửa phun trào vùi lấp 2 ngôi làng của người Jrai, nước mắt của người may mắn sống sót khóc thương người đã khuất chảy xuống lấp nham thạch thành hồ nước đầy. “Hồi trẻ, trong các lễ hội của làng, tôi nghe người già thường kể lại như vậy. Vì thế, đối với dân làng, Ia Nueng là nơi linh thiêng, không được xâm hại. Có lẽ là đất thiêng nên những rẫy lúa của bà con trồng quanh hồ đều cho năng suất cao, ăn rất ngon, cuộc sống cũng đủ đầy hơn nơi khác. Ia Nueng cũng là chứng tích cho một thời đạn bom ác liệt. Rừng bao quanh Biển Hồ và trở thành nơi để du kích, bộ đội ẩn nấp hoạt động cách mạng”-già Hmrik nhắc nhớ.
Ông Hoan bên phần bánh của chiếc máy bay Mỹ rơi xuống Biển Hồ. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Quách Trọng Hoan bên phần bánh của chiếc máy bay phản lực Mỹ rơi xuống Biển Hồ. Ảnh: Hoành Sơn
Cách đây gần 5 năm, nhiều người dân trục vớt được xác một chiếc máy bay phản lực Mỹ nằm sâu dưới đáy Biển Hồ. Trong khuôn viên nhà của ông Quách Trọng Hoan-người tham gia trục vớt vẫn còn lưu giữ 2 chiếc bánh máy bay. Ông Hoan thông tin: “Dưới đáy Biển Hồ còn xác một chiếc trực thăng. Tôi đã tìm thấy vị trí nó rơi. Tuy nhiên, công việc trục vớt đầy rẫy hiểm nguy nên cứ để nó nằm dưới đó, cũng là để giữ lại chứng tích của một thời đấu tranh giữ nước của dân ta”.
Khu di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ nên là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài tỉnh. “Sau ngày giải phóng, quanh hồ nước chỉ còn các loại cây bụi thôi. Để phủ xanh những quả đồi quanh hồ, dân các làng quanh vùng bắt đầu trồng thông. Thời kỳ đầu, Hội Thanh niên xung phong tỉnh cấp giống và thuê chúng tôi trồng. Những năm sau, các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh tiếp tục trồng qua các đợt vận động nên mới có một rừng thông đẹp như hôm nay”-ông Hoan tâm sự.
Nước Biển Hồ chưa bao giờ cạn, là nguồn cung cấp thủy sản, nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng và nước sinh hoạt cho người dân TP. Pleiku, huyện Chư Păh.  
Người sống có tình
Dấu chân già Hmrik hằn trên đường làng ngõ xóm ở Ia Nueng để vận động dân làng đi theo Đảng, Nhà nước. Già Hmrik bộc bạch: “Thấy đất nước càng ngày càng đổi mới theo hướng tốt hơn, mình vui và muốn đóng góp chút sức lực. Vì vậy, mình thường xuyên vận động dân làng sống tốt, chăm chỉ làm ăn để có cuộc sống tốt hơn. Điều phấn khởi là dân làng tin tưởng, nghe theo nên khi có hoạt động gì đó là họ ủng hộ rất nhiệt tình”.
Còn “Ông già Biển Hồ” Quách Trọng Hoan cũng dành trọn cuộc đời cho nghĩa cả tại Biển Hồ. Rời chiến trường khói lửa, ông Hoan gắn bó với miền đất đỏ bazan trong công cuộc kiến thiết đất nước. Ngoài cầu nối giữa chính quyền, dân kinh tế mới với dân tộc tại chỗ để chung tay xây dựng quê hương thứ 2, ông Hoan còn nổi tiếng với việc cứu, vớt thi thể người đuối nước. Theo nhẩm tính, riêng ở Ia Nueng, “ông già Biển Hồ” đã vớt hơn 30 thi thể quyên sinh. Ông cũng từng tham gia huấn luyện lặn tìm thi thể đuối nước cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh. “Một lần đi kiếm củi ven bờ Biển Hồ, tôi thấy một cô gái Jrai nhảy xuống hồ tự tử, tôi vội lao theo kéo lên bờ. Ban đầu, cô ấy giận dỗi nhưng sau khi nghe tôi khuyên can, cô ấy tỉnh ngộ và trở về nhà. Kể từ đó, cô ấy nhận tôi làm bố nuôi và thường xuyên từ xã Ia Yok (huyện Ia Grai) đến thăm hỏi”-ông Hoan bộc bạch.
 Du khách đến tham quan thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Hoành Sơn
Du khách đến tham quan thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Hoành Sơn
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến ông Nguyễn Văn Ánh-người có 20 năm gắn bó với Biển Hồ bằng nghề khắc chữ bút lửa trên tấm nhựa mica để mưu sinh. Mới đây, một người đàn ông bị tật nguyền tên Tập thỉnh thoảng đến bán vé số ở Khu di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ bị thanh niên lừa gạt khi mua vé, lại gặp chuyện không hay trong cuộc sống gia đình. Nghe chuyện, ông Ánh không ngần ngại đăng ký tham gia một chương trình truyền hình và trích 7 triệu đồng tiền thưởng cho ông Tập. 
Phong cảnh hữu tình cộng với con người sống nhân nghĩa là chất xúc tác để du khách đến Ia Nueng nhiều hơn. Năm 2020, Khu di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ tiếp đón hơn 100 ngàn lượt khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Điều này đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở xã Biển Hồ. Nhà hàng, khách sạn san sát mọc lên quanh hồ Ia Nueng làm thay đổi diện mạo xã phía Bắc thành phố. Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ Trần Anh Tuấn cho hay: “Mấy năm gần đây, khách du lịch đến đông, người dân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang để phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi. Dịp Tết Nhâm Dần 2022, một số hộ Jrai ở làng Ia Nueng mang gà nướng, cơm lam ra bán trước lâm viên Biển Hồ có thu nhập 5-6 triệu đồng/người”.
HOÀNH SƠN