Câu chuyện "Nhâm Nhi Dần"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xuất phát từ tình yêu, đam mê mỹ thuật, được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ văn hóa dân gian Việt Nam, năm nay các họa sĩ trẻ của Lamphong Studio tiếp tục xây dựng dự án con giáp thường niên. Điểm nhấn Tết Nhâm Dần năm 2022 chính là hình tượng hổ ôm hoa sen,  còn được gọi với cái tên Nhâm Nhi Dần.
 

Các họa sĩ của Lamphong Studio hoàn thiện sản phẩm để giao cho khách hàng. Ảnh: MỸ HÀ
Các họa sĩ của Lamphong Studio hoàn thiện sản phẩm để giao cho khách hàng. Ảnh: MỸ HÀ


Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của Lamphong Studio vào một ngày cuối năm âm lịch giá rét. Mặc dù ngoài trời  lạnh nhưng trong căn phòng rộng chừng 20 m2 lại rất ấm áp bởi không khí làm việc khẩn trương của gần 10 họa sĩ, nhà thiết kế, sinh viên. Họ đang tập trung hoàn thiện những bước cuối cùng cho số ít sản phẩm Nhâm Nhi Dần còn lại trong xưởng kịp đến với khách hàng.

Họa sĩ Lê Huy, chủ nhiệm dự án chia sẻ: Những ngày cuối tháng 7 năm 2021, Hà Nội đang trong cao điểm của đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Bản thân tôi “mắc kẹt” vì cả khu chung quanh đây đều bị cách ly. Một mình ở xưởng, cứ nhẩn nha từng ngày, làm đất, uống trà, tạo hình nhân vật. Trước đó, ý tưởng về một chú hổ béo, má phính, mắt híp để chuẩn bị cho năm Nhâm Dần 2022 mà tôi làm mẫu mấy lần vẫn bỏ dở giữa chừng. Nhờ dịch bệnh mà tôi mới có điều kiện để ngồi  hoàn thiện một mạch. Năm 2021 là một năm đầy khó khăn cho nên tôi muốn tạo hình sản phẩm là một chú hổ con hạnh phúc bên bông hoa sen, không nhe nanh, xòe vuốt mà cười sung sướng. Tôi đặt tên nó là Nhâm Nhi Dần. Là nhâm nhi, chậm rãi tận hưởng những điều hạnh phúc, trải nghiệm những điều mới mẻ, cảm nhận những yêu thương... hay cả nhâm nhi một nỗi buồn, một mất mát. Từ từ, chậm lại để ngắm nhìn, để lắng nghe, chia sẻ, để yêu thương và đơn giản là để sống tích cực. Những cực nhọc, vất vả sẽ qua đi, những mất mát sẽ tan dần, rồi cuộc sống sẽ tươi vui trở lại.

Nhâm Nhi Dần là dự án con giáp thường niên được Lamphong Studio dành riêng cho Tết Nhâm Dần 2022. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, dự án này được thực hiện với các nhân vật trước đó như dê cát tường, chuột quả gấc, ngựa hoa mai, nhàn ngưu (trâu an nhàn)... Bộ sản phẩm năm nay được thiết kế với ý tưởng, tạo hình khai thác từ những câu chuyện dân gian với họa tiết thủ công truyền thống. Chú hổ được tạo hình tròn căng, béo tốt, no đủ, miệng cười sảng khoái, liên tưởng, ẩn dụ hình ảnh của Phật Di Lặc-vị phật hiện thân cho niềm lạc quan, hạnh phúc, an nhàn. Nhìn từ phía sau, hổ giống như hình củ lạc, một thực phẩm gần gũi, gắn bó với cuộc sống người Việt. Tạo hình này cũng là muốn mượn chữ “Lạc-Vui” cho Nhâm Nhi Dần.

“Trong quá trình làm Nhâm Nhi Dần, hổ “lật đật” là phiên bản khó thực hiện nhất, nhưng là ý tưởng mình mong muốn thực hiện và theo đuổi lâu nhất. Ý tưởng này chi phối tạo hình ngay từ những phác thảo đầu tiên. Một chú hổ “không ngã” trước những khó khăn cũng như mỗi chúng ta buộc phải vượt qua gian nan, dù dịch bệnh, dù vất vả vẫn luôn đứng dậy, luôn mỉm cười”. Họa sĩ Trần Anh Tú, phụ trách phần đúc, tạo hình nhân vật chia sẻ.
 
Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm trên một vài chất liệu, anh Lê Huy và đồng nghiệp chọn chất liệu sơn mài thủ công truyền thống để thể hiện hình tượng chú hổ. Bạn Yến Thương, sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp cho biết: Sơn mài là chất liệu đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ của người thợ  khi làm sản phẩm, và phải trải qua bảy công đoạn. Bắt đầu từ cốt gốm hoặc bột đá ép, sơn lót đen hoặc xanh thật dày để mầu bám cốt, lên mầu từng lớp, vẽ hoa văn mây, lửa bằng nhũ vàng, sau đó đem mài, phủ bóng. Để hoàn thiện  sản phẩm phải mất ít nhất 10 ngày. Mỗi thành viên sẽ phụ trách một công đoạn, làm việc liên tục 12 giờ mỗi ngày. Vì là sản phẩm thủ công nên mầu sắc và các vệt sơn, mài không giống nhau hoàn toàn. Giai đoạn mài chính là thời điểm để họa sĩ thỏa sức tạo hình và mầu sắc. Sản phẩm khi hoàn thiện khâu cuối cùng sẽ không theo khuôn mẫu cố định nào.

Bạn Uyên Như, sinh viên năm thứ 5 Trường đại học Mỹ thuật chia sẻ: Tôi rất thích tạo hình nhân vật năm nay. Xu hướng thiết kế và thẩm mỹ bây giờ khác xưa, cho nên hình tượng con hổ không phải hung dữ như trước mà dễ thương, đáng yêu. Lamphong Studio thực hiện sản phẩm Nhâm Nhi Dần với nhiều chất liệu, mầu khác nhau để phù hợp với phong thủy và sở thích của khách hàng. Tông chủ đạo như đỏ, xanh, vàng... là những mầu biểu tượng cho tốt lành, rực rỡ chúc năm mới an lành, thịnh vượng. Sau khi nghiên cứu, Lamphong Studio tập trung làm bốn sản phẩm chính: hổ sơn mài đỏ son cốt bột đá ép; hổ sơn mài đỏ son cốt gốm; hổ sơn mài cốt gốm thếp vàng thật; hổ lật đật phiên bản giới hạn 100 có chữ ký và đánh số.

Điểm nhấn của bộ sản phẩm Nhâm Nhi Dần chính là hình ảnh chú hổ con cầm hoa sen. Bông sen này được chuyển thể từ búp sen hóa mây trên cột đá hình bút lông  ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những nghệ nhân dân gian xưa đã tạo tác ngọn bút giống như một búp sen, có hình mây cuộn trong từng cánh mang bóng dáng của lá đề. Những yếu tố đó đồng hành tạo nên một biểu tượng ẩn chứa những thông điệp triết lý sâu sắc của văn hóa Việt - là tri thức, nhân nghĩa và truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học và niềm tin hướng đến những điều tốt đẹp. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế có viết: “Nếu có thể chọn một hình tượng thể hiện đầy đủ nhất triết lý Nho-Phật-Lão tịnh hành, tôi nghĩ tới bút-sen-mây này”. Theo anh Đinh Nho Quốc, người phụ trách việc đúc các bông sen: Để truyền tải được đầy đủ ý nghĩa của bông sen, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đúc xong, người thợ sẽ còn phải làm nhiều công đoạn khác trước khi hoàn thiện sản phẩm.

 

Trọn bộ sản phẩm “Nhâm Nhi Dần” chào năm mới 2022. Ảnh: HÀ MY
Trọn bộ sản phẩm “Nhâm Nhi Dần” chào năm mới 2022. Ảnh: HÀ MY


Lamphong Studio luôn cố gắng tạo nên chuỗi sản phẩm cho Tết mang tính thường niên do các nhà thiết kế trẻ tạo ra, những sản phẩm kết hợp chất liệu từ các làng nghề thủ công, kế thừa từ dân gian, truyền thống nhưng mang hơi thở thời đại. Ngoài tượng hổ Nhâm Nhi Dần, trong bộ sản phẩm còn có bộ lịch bàn đặc biệt với 13 bức tranh là góc nhìn cuộc sống của các nghệ sĩ. Đó là những câu chuyện nhẹ nhàng được kể theo góc nhìn, cảm nhận riêng... Họ nhìn thấy hạnh phúc trong đời sống gia đình, trong những ân cần của người thân, thấy cái bức bí khi phải giãn cách xã hội do dịch bệnh, thấy ấm áp  tình người đùm bọc nhau khi khó khăn, thấy trăn trở, niềm vui và cả nỗi buồn…

Để giúp các em nhỏ Trường phổ thông Dân tộc bán trú-tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có thêm bữa ăn trưa trong mùa rét này, các họa sĩ và Lamphong Studio  đấu giá 10 bộ sản phẩm Nhâm Nhi Dần đặc biệt phiên bản “hổ lật đật” và bộ lịch có chữ ký trực tiếp của tác giả để quyên góp ủng hộ các em học sinh. Toàn bộ số tiền bán sản phẩm sẽ được chuyển về tài khoản của Trường phổ thông Dân tộc bán trú-tiểu học Pa Ủ.

Khi được hỏi về dự án trong năm tới của Lamphong Studio, anh Lê Huy chia sẻ: Khi đi du lịch nước ngoài, chúng ta thấy mỗi nước đều có những sản phẩm quà tặng mang tính biểu trưng riêng. Việt Nam có hàng trăm làng nghề, nhưng lại thiếu sản phẩm độc đáo. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn  trong năm nay sẽ đồng hành với các họa sĩ trẻ, tạo ra sản phẩm quà tặng mang tính biểu trưng cho Việt Nam để du khách có thể mua mang về. Những sản phẩm này chủ yếu sử dụng nguyên liệu dân gian. Nhìn vào sản phẩm đó, người ta biết ngay là của Việt Nam với niềm tự hào của người Việt.

Theo TUẤN DŨNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Mùi hương kỷ niệm

Mùi hương kỷ niệm

Mạ tôi suy nghĩ chừng lung lắm rồi quả quyết rằng, bánh gừng hoàn toàn được làm từ bột nếp rây mịn, qua ba ngày ba đêm ủ trong thúng ba ang với lá thầu đâu mà không hề dùng một loại men nào.
Người Việt ăn tết, chơi xuân

Người Việt ăn tết, chơi xuân

Từ “tết“ bắt nguồn từ từ “tiết“, chỉ thời điểm chuyển đoạn mang tính chu kỳ của thời tiết/khí hậu. Các cư dân làm nông dựa theo các tiết khí, theo sự biểu hiện của thời tiết, khí hậu, như: nhiệt độ, độ ẩm, nắng, mưa, gió, bão... liên quan đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi để định nông lịch.
Không phải đào hay quất, loại mai "quốc hồn quốc tuý" này mới khiến nhiều người mê mẩn dịp Tết Nguyên đán 2022

Không phải đào hay quất, loại mai "quốc hồn quốc tuý" này mới khiến nhiều người mê mẩn dịp Tết Nguyên đán 2022

Cây dáng nhỏ, gốc rễ xù xì, hoa chúm chím, cánh mỏng manh trắng muốt, nhất chi mai (mai trắng) được được ví là loại hoa tinh khiết nhất trong “thập đại danh hoa“. Nhiều “thượng đế“ sẵn sàng rút hầu bao để sở hữu một cây mai trắng chơi Tết.
Đi chợ Tết ở thành cổ Đà Nẵng

Đi chợ Tết ở thành cổ Đà Nẵng

Nhân dịp chào xuân mới Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Phiên chợ ngày Tết“ với nhiều hoạt động thú vị. Đây là nơi công chúng có thể hòa mình vào khung cảnh tươi vui, hối hả, rực rỡ sắc màu cùng các phong tục, trò chơi truyền thống trong dịp lễ tết của dân tộc và đắm mình trong những ký ức, hoài niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.