Mai tết đầy đường, khách trả giá rồi... quày quả bỏ đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tết Nhâm Dần đã cận kề nhưng thương lái đến TX.An Nhơn (Bình Định) để mua mai tết giảm hẳn so với các năm trước khiến người trồng mai lo lắng.

Hơn một tuần qua, các nhà vườn trồng mai tết ở tỉnh Bình Định đã mang mai cảnh ra bày bán dọc tuyến tránh QL 1 qua địa bàn TX.An Nhơn (Bình Định). Tuy nhiên, người đến mua mai ít hơn hẳn so với các năm trước khiến người trồng mai lo lắng.

 

Khách đến mua mai dọc QL 1 qua địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Trọng
Khách đến mua mai dọc QL 1 qua địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Trọng



Theo các nhà vườn trồng mai, những năm trước, từ tháng 11 âm lịch, nhiều thương lái tìm đến các làng trồng mai tết ở TX.An Nhơn để đặt cọc. Tầm ngày 10 - 15 tháng chạp, các làng trồng mai ở TX.An Nhơn tấp nập xe tải từ khắp miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây nguyên để chở mai.

Năm nay, số thương lái tìm đến vườn mua sỉ mai tết ít hơn hẳn so với các năm trước. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thương lái sợ người chơi mai vào dịp tết sẽ ít hơn các năm trước.

“Dịch bệnh Covid-19 kéo dài thì ai cũng khó khăn, cả nước đều như vậy nên sức mua mai để chơi tết không bằng các năm trước. Nhà tôi có cả 1.000 chậu mai để bán dịp tết năm nay nhưng không mang ra trưng bày hết vì sợ ít người mua. Mai tết năm này bán không được để sang năm bán sẽ có giá cao hơn chứ không lỗ nhưng trồng và chăm cả năm. Chủ vườn nào cũng mong bán được một ít để trang trải, đầu tư cho năm sau”, ông Tạ Văn Hùng (59 tuổi, ở khu phố Hòa Cư, P.Nhơn Hưng, TX.An Nhơn) nói.

 

 Chậu mai ông Hùng rao bán giá 40 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Trọng
Chậu mai ông Hùng rao bán giá 40 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Trọng


Thương lái đến vườn mua mai ít, số xe khách, xe tải dừng dọc QL 1 qua TX.An Nhơn mua mai năm nay cũng giảm hẳn so với mọi năm. Nhiều nhà vườn đã chụp hình ảnh mai đăng trên các trang mạng xã hội để rao bán.

Mai tết Bình Định được bày bán năm nay rất đa dạng và có nhiều mức giá khác nhau. Trong đó, các loại mai bán cho thị trường các tỉnh miền Bắc đã bung lụa, bắt đầu nở hoa, còn mai bán cho các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, miền Nam có búp còn nhỏ.

 

Các chậu mai bán cho thị trường miền Bắc đã nở hoa. Ảnh: Hoàng Trọng
Các chậu mai bán cho thị trường miền Bắc đã nở hoa. Ảnh: Hoàng Trọng
Mai bán cho thị trường miền Trung và miền Nam vừa ra nụ. Ảnh: Hoàng Trọng
Mai bán cho thị trường miền Trung và miền Nam vừa ra nụ. Ảnh: Hoàng Trọng


Mai tết có giá từ 400.000 đồng đến khoảng 3 triệu đồng/chậu, không tăng so với các năm trước. Nhiều chậu mai tết được tạo dáng bon sai hoặc gốc mai có tuổi đời vài chục năm có giá hàng chục triệu đồng.

 

 Mai bon sai được bày bán ven QL 1, đoạn qua TX.An Nhơn. Ảnh: Hoàng Trọng
Mai bon sai được bày bán ven QL 1, đoạn qua TX.An Nhơn. Ảnh: Hoàng Trọng


Anh Nguyễn Quốc Phong (36 tuổi, thôn Trung Định, xã Nhơn An, TX.An Nhơn) cho biết đã bày bán mai trên QL 1 cả tuần qua nhưng cũng chỉ bán được chưa đến 10 chậu. "Năm ngoái tôi bán giá 600.000 - 700.000 đồng/chậu, năm nay bán khoảng 500.000 đồng/chậu nhưng người đi xe khách bắc - nam xuống trả giá 300.000 đồng/chậu rồi đi. Họ nghĩ dịch bệnh bán phải rẻ mà không nghĩ người nông dân trồng, chăm sóc được cây mai 4 - 5 năm tuổi cực khổ thế nào. Trong khi tiền thuê mặt bằng cũng tăng, giá phân bón, thuốc sâu, công lao động đều tăng", anh Phong than thở.

 

 Cây mai dáng trực được anh Trần Hữu Nghĩa rao bán giá 45 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Trọng
Cây mai dáng trực được anh Trần Hữu Nghĩa rao bán giá 45 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Trọng


Anh Trần Hữu Nghĩa (ở xã Nhơn Hạnh, TX.An Nhơn) cho biết đã thuê mặt bằng ven QL 1, đoạn qua P.Bình Định (TX.An Nhơn) với giá 7 triệu đồng để bày bán 200 chậu mai. Trong đó, thấp nhất 800.000 đồng/chậu, cao nhất 45 triệu đồng/chậu.

“Sức mua năm nay giảm hơn các năm nhưng gần tết sẽ có nhiều người mua mai hơn. Nhìn chung, mai tết ở An Nhơn năm nay khá đẹp, bông, búp rất dày. Mai được tiêu thụ chủ yếu trong những ngày qua là mai trực hay còn gọi là mai quân tử, loại mai đặc trưng của người Bình Định”, anh Nghĩa nói.


 

 Nhiều nhà vườn hy vọng gần đến tết số người đến mua mai sẽ nhiều hơn. Ảnh: Hoàng Trọng
Nhiều nhà vườn hy vọng gần đến tết số người đến mua mai sẽ nhiều hơn. Ảnh: Hoàng Trọng

Hiện TX.An Nhơn có hơn 1.500 hộ dân tại các xã, phường như Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hưng, Nhơn Hậu… tham gia trồng khoảng 1,6 triệu chậu mai tết nên được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng miền Trung”. Doanh thu mỗi vụ mai tết của TX.An Nhơn những năm gần đây ước đạt khoảng 80 - 100 tỉ đồng nhưng năm nay doanh thu từ mai sẽ giảm hơn các năm vì số mai bán ra ít hơn. Ông Mai Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND TX.An Nhơn, cho biết lễ hội hoa mai tết ở An Nhơn năm nay phải tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19. Hy vọng sau ngày 20 tháng chạp và thời điểm gần tết, khách đến mua mai sẽ rầm rộ hơn.

Theo HOÀNG TRỌNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gây quỹ tặng quà Tết cho thiếu nhi khó khăn

Gây quỹ tặng quà Tết cho thiếu nhi khó khăn

(GLO)- Để có kinh phí giúp đỡ các em thiếu nhi trong dịp Tết Nguyên đán 2022, một số tổ chức Đoàn, câu lạc bộ đã linh hoạt triển khai các hoạt động gây quỹ. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của của đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và người dân. Những phần quà nhỏ nhưng đong đầy yêu thương đã đem đến niềm vui cho các mảnh đời khó khăn.
Hối hả chợ huyện vùng sâu chiều 29 tết Nhâm Dần

Hối hả chợ huyện vùng sâu chiều 29 tết Nhâm Dần

(GLO)- Trái hẳn với không khí nhộn nhịp của những ngày trước, phiên chợ quê nơi phố huyện Kông Chro chiều cuối năm đã trở nên vắng vẻ và hối hả hơn. Khi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chỉ còn được tính bằng giờ cũng là lúc cả người bán lẫn người mua cùng “chạy đua“ để kịp đón Tết với gia đình.
Tết ấm cho người nghèo vùng biên

Tết ấm cho người nghèo vùng biên

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với các cấp, các ngành, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh, góp phần giúp các đối tượng yếu thế ở khu vực biên giới đón Tết đầm ấm, sum vầy.
Người giữ sắc đào Nhật Tân trên vùng quê mới

Người giữ sắc đào Nhật Tân trên vùng quê mới

Ông là Chu Đức Lợi, sinh ra và lớn lên ở làng Nhật Tân (nay là phường Nhật Tân, thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) nổi tiếng bởi nghề trồng hoa đào cảnh. Ông kể, mãi đến năm 1998 khi tròn tuổi 40 ông mới phải duyên với vợ ông là Dương Thị Chúc kém ông 10 tuổi ở quê lụa Hà Tây. Hai năm sau, vợ chồng ông vào lập nghiệp trên vùng quê mới Nam Ban, Lâm Hà mang theo bí quyết và kinh nghiệm của nghề trồng đào truyền thống lâu đời Nhật Tân.