Tết xưa ra sao trong ký ức của người trẻ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tâm trí của nhiều người trẻ, nhất là như lứa 8x (1980)  về sau, kỷ niệm của những cái tết ngày xưa vẫn còn vẹn nguyên.

Những dấu hiệu tết đến xuất hiện ngay từ các khu chợ. Ảnh: LÊ THANH
Những dấu hiệu tết đến xuất hiện ngay từ các khu chợ. Ảnh: LÊ THANH
Tết nghèo
Trần Anh Vũ, 35 tuổi, quê ở Thái Bình, đang là nhân viên công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM), nhớ lại: “Năm tôi lên 6 tuổi, nhà nghèo lắm. Quanh năm suốt tháng thiếu ăn thiếu mặc. Thậm chí tết đến nhà cũng chẳng có quần áo mới, bánh kẹo, mứt, thịt... Những ngày cận tết là ba mẹ phải đi khắp nơi để mượn gạo, mượn củi... Rồi mấy cô dì chú bác bà con thương tình đã cho ký thịt heo, cho ký gạo...”.Anh Vũ  cho hay mỗi lần tết đến xuân về là những ký ức xưa cũ ấy hiện về, khiến cay sống mũi.
Không những Vũ, nhiều người trẻ lứa tuổi 8x cũng có những kỷ niệm, những ký ức tương tự của tết ngày xưa.

Hình ảnh quen thuộc ở chợ ngày tết
Hình ảnh quen thuộc ở chợ ngày tết
Lê Quang Anh, 36 tuổi, quê ở Quảng Nam, đang là nhân viên ngân hàng ở đường Võ Văn Tần, Q.3 (TP.HCM) bồi hồi kể lại: “Hồi còn học tiểu học. Nhà mình nghèo lắm. Ba má không có tiền để sắm sửa tết. Lúc đó anh em chúng mình thèm được mua cho bộ đồ mới, cái mũ mới để diện tết. Nhưng mà ba má khổ quá nên ước muốn không thành. Nhớ nhiều cái tết, mình mặc lại quần của anh, còn em mình mặc lại quần áo của mình. Cũ người mới ta. Vậy mà tính ra đã được 25 năm trôi qua rồi”.
Huỳnh Phan Vương, 34 tuổi, quê ở Bình Định, đang là kỹ sư xây dựng cho Công ty TNHH Xây dựng Hồng Phúc, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho hay luôn nhớ về cái tết năm 7 tuổi. “Lúc đó mình học lớp 1. Ngày 30 tết còn được ba dẫn đi ra ruộng. Ba phun thuốc dưới ruộng. Còn mình ngồi trên bờ. Má thì cũng tranh thủ lên rẫy để nhổ đậu. Thời đó khó khăn, nên ở quê, ngày 30 tháng Chạp người nông dân vẫn làm”.
Vương cũng kể, cái tết năm ấy,  lì xì 200 đồng, 500 đồng với mình đã đem lại niềm vui khó tả. “Thuở ấy chưa có điện. Hàng đêm, anh em chúng mình đếm tiền lì xì dưới ngọn đèn dầu. Mỗi đứa được vài ngàn đồng mà lòng vui rộn ràng”.

Chợ ngày tết. Ảnh: LÊ THANH
Chợ ngày tết. Ảnh: LÊ THANH
Động lực để cố gắng hơn
Nhớ lại những ký ức nghèo khó của những cái tết cũ như thế không khiến họ buồn. Ngược lại, ai nấy đều cho rằng đó là động lực để họ phấn đấu hơn trong học tập, trong công việc. Nguyễn Văn Tuấn, 33 tuổi, quê ở Thanh Hoá, đang làm việc tại một cơ sở điện lạnh trên đường Trần Đại Nghĩa, H.Bình Chánh (TP.HCM), nói: “Mỗi lần mình gặp những khó khăn trong cuộc sống, mình lại nghĩ về những cái tết xưa. Khi đó, cuộc sống vất vả, nghèo nàn và thiếu thốn, nhưng ba má mình và mọi người cũng vượt qua được thì không có lý do gì mình lại buông xuôi trước những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Mình nghĩ đến những ký ức tết xưa để phấn đấu hơn”.

Những món hàng chỉ bán ở chợ  ngày tết. Ảnh: LÊ THANH
Những món hàng chỉ bán ở chợ ngày tết. Ảnh: LÊ THANH
Tương tự, Vũ cho rằng sớm thấu hiểu cuộc sống cơ cực ở quê nên đã chăm chỉ học tập để thoát nghèo. “Khi nghĩ về cái tết mượn, cái tết nghèo thuở xưa, mình đã cố gắng thật nhiều để có thể lo cho gia đình có được những cái tết đủ đầy, ấm áp”.

Nồi thịt kho ngày tết cho thấy sự no đủ. Ảnh: LÊ THANH
Nồi thịt kho ngày tết cho thấy sự no đủ. Ảnh: LÊ THANH
Ngoài ra, nhiều tâm sự của người trẻ cho biết, chính những kỷ niệm đã từng trải qua ở những cái tết nghèo, giúp họ có được sự đồng cảm với những mảnh đời cơ cực. Từ đó, họ nghĩ đến việc đem lại niềm vui mùa xuân cho những mảnh đời khó khăn.
Theo Lê Thanh (TNO)