Lì xì - Đừng để tục lệ đậm nét văn hóa mất đi ý nghĩa đầu năm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các chuyên gia tâm lý cho rằng người lớn cần giáo dục con em mình về ý nghĩa của việc lì xì để trẻ nhỏ biết tôn trọng người đang chúc cho mình nhiều điều may mắn.

 Câu chuyện tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Câu chuyện tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Mừng tuổi hay lì xì là một trong những phong tục đẹp của người dân Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Vào những ngày Tết, người lớn thường tặng cho trẻ nhỏ một phong bao đỏ, bên trong là một khoản tiền nho nhỏ có ý nghĩa tượng trưng cho may mắn, tài lộc.

Đối với trẻ nhỏ và cả người lớn, tiền mừng tuổi là một trong những điều được mong đợi nhất trong ngày Tết.

Phong bao nhỏ, ý nghĩa lớn

Không biết từ bao giờ, tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác và đến giờ vẫn được gìn giữ. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.

Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.

Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn… Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.

Ai cũng hiểu mục đích của chuyện lì xì là mang đến điều may mắn, tốt đẹp cho con trẻ nhân dịp đầu Xuân năm mới.

Vì vậy, ý nghĩa tốt đẹp ấy không nằm ở giá trị vật chất (tiền nhiều hay ít) của phong bao lì xì mà nằm ở giá trị tinh thần: Năm mới nhận được lời cầu chúc may mắn sẽ hên và hanh thông cả năm.

Dở khóc, dở cười

Câu chuyện tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười...

Ngày nay, trẻ em biết được giá trị của đồng tiền khá sớm cũng bởi do trẻ nhỏ ngày càng được tiếp xúc nhiều với đồng tiền hơn như bố mẹ cho trẻ tiền ăn quà sáng, tiền mua truyện sách, tiền lì xì…

Thay vì chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mừng tuổi đã trở thành bài toán khó tìm được lời giải đối với nhiều người, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Chị Thu Nga (quê Hà Nam, kế toán tại một doanh nghiệp) cho biết những năm trước tiền thưởng Tết của chị cũng được gọi là tạm ổn nên chị ít khi phải đau đầu chuyện mừng tuổi. Nhưng năm nay, doanh nghiệp của chị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID nên lương thưởng đều bị giảm. Vì vậy, chắc chắn chuyện tiền mừng sẽ bị cắt giảm hơn năm ngoái nhưng điều chị lo nhất vẫn là những lời bàn tán sau khoản mừng tuổi ấy.

Vì cả hai vợ chồng chị đều làm việc ở Hà Nội nên chỉ dịp Tết là có nhiều thời gian nhất để thăm hỏi và chúc Tết họ hàng. Biết trước con cháu trong họ nhà mình đông nên chị đã chuẩn bị sẵn rất nhiều bao lì xì từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng.

Chị Nga nhớ lại năm trước, với những đứa cháu trong họ chị mừng tuổi 50 nghìn, còn những đứa trẻ con nhà hàng xóm sang chơi chị cũng mừng tuổi cho mỗi đứa 10.000 đồng. Thế nhưng, khi chị còn chưa kịp ngồi vào ghế mấy đứa trẻ đã xé phong bao lì xì lấy tiền rồi khoe nhau, đứa được 50.000 thì mặt hớn hở, trong khi đứa được 10.000 mặt buồn thiu và buông ngay câu “Giờ còn mừng tuổi 10.000” khiến chị mặt đỏ tía tai.

Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Văn Tình (Nghệ An) cũng chẳng khấm khá gì nên mỗi lần Tết đến là nỗi trăn trở của hai vợ chồng anh. Vì các cháu đông nên chị vợ cũng thường phải chuẩn bị trước phong bao lì xì và bỏ sẵn tiền trong đó. Tuy nhiên, vì nhiều cháu nên chỉ trong ngày mồng 1 đã hết số phong bao chuẩn bị sẵn.

Anh Tình kể: “Tưởng là hết rồi nên tôi không chuẩn bị thêm, ai ngờ hôm sau có cháu họ sang chơi, tôi móc ví ra tờ 20.000 đồng nhưng cháu nhìn thấy tờ 100.000 nên đã nói cháu thích tờ xanh kia hơn. Tôi cũng đành rút tờ xanh lì xì cho cháu nhưng trong lòng cảm thấy buồn. Bố mẹ cháu thấy vậy cũng ngại nên có mắng đứa trẻ lấy lệ.”

Dạy cho con trẻ ý nghĩa về tiền

Vì chuyện lì xì mà không ít người đã chẳng dám đi chơi Tết. Có người lại bực bội, buồn rầu cả mấy ngày Tết.

Chuyện lì xì tiền nhiều hay ít còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình của từng người.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng người lớn cần giáo dục con em mình về ý nghĩa của việc lì xì để trẻ nhỏ biết tôn trọng người đang chúc cho mình nhiều điều may mắn như việc không bao giờ các con tự mở phong bao mỗi lần nhận được; không bàn tán tiền nhiều hay ít, không chê bai với thái độ coi thường. Khi được lì xì, các cháu cần vòng tay cảm ơn cùng lời chúc may mắn cho người vừa chúc mình rồi bỏ phong bao vào túi.

Để tránh mang phiền não vào người, mỗi người lớn chúng ta cũng không nên lì xì trẻ với số tiền khá lớn để làm khó cha mẹ có con vừa nhận lì xì.

Không ít người cảm thấy áy náy, người lì xì sau phải lì xì nhiều hơn người trước. Và áp lực của việc lì xì cũng sinh ra từ đây.

Vậy nên, mỗi phong bao lì xì trẻ khoảng 10 ngàn, 20 ngàn tiền mới là được. Và với việc lì xì như thế, chỉ cần bọc túi một hai triệu đồng là đi chơi hết mùa Tết vẫn vui.

Theo các nhà giáo dục học, cha mẹ nên dạy trẻ tiêu tiền cũng như hiểu được giá trị của tiền ngay từ khi trẻ biết cầm những đồng tiền đầu tiên trong đời. Vì nhiều trẻ sau khi nhận được tiền lì xì đã dùng nó vào như chơi điện tử hay tiêu phung phí và những đồng tiền lì xì khi đó lại có thể làm hư trẻ.

Việc cha mẹ quản lý số tiền mừng tuổi cho trẻ là cần thiết nhưng cũng phải có sự thỏa thuận, đồng ý từ trẻ. Cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tiêu tiền vào những việc phục vụ cho học tập hoặc những mục đích chính đáng cho trẻ. Qua việc giáo dục trẻ cách tiêu tiền, cha mẹ có thể dạy dỗ con cái biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ sức lao động, biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm.

Chiếc bao lì xì là chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Nó chứa rất nhiều thông điệp, nhắn nhủ của người lớn với trẻ em. Ai mừng tuổi mà không căn dặn, chúc tụng vài câu. Và tuổi thơ mỗi người đều lưu giữ ấn tượng rất đậm về chiếc phong bao nhỏ xinh ngày Tết này.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)