Ia Pa: Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhưng năm 2020, kinh tế-xã hội huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đạt được những kết quả quan trọng. Đây là tiền đề để cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Ia Pa vững vàng bước vào năm mới Tân Sửu 2021.
 


Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp

Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Kết thúc năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 đạt 11,32%, trong đó, nông-lâm nghiệp tăng 6,6%, công nghiệp-xây dựng tăng 15,6%, thương mại-dịch vụ tăng 14,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với nông-lâm nghiệp chiếm 55%, công nghiệp-xây dựng chiếm 26,3%, dịch vụ-thương mại chiếm 18,7%”.

Nông dân huyện Ia Pa thu hoạch mía. Ảnh: Ảnh: Thiên Di
Nông dân huyện Ia Pa thu hoạch mía. Ảnh: Thiên Di


Trong năm 2020, tổng diện tích gieo trồng là 33.618 ha, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 1,8% so với năm 2019. Công tác chuyển đổi cây trồng và liên kết sản xuất được các cấp chính quyền chú trọng nhằm giúp nhân dân tăng thu nhập. Toàn huyện đã chuyển đổi 667 ha đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, thuốc lá, bí đỏ và ớt. Bên cạnh đó, chính quyền huyện Ia Pa cũng tập trung chỉ đạo các địa phương và nhân dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện, xử lý sâu bệnh; tổ chức 11 lớp tập huấn phòng trừ sâu bệnh cho 500 lượt người dân.

Công tác thu chi ngân sách trong năm 2020 được triển khai có hiệu quả. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện hơn 13,9 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch tỉnh giao và 107,3% kế hoạch HĐND huyện giao. Chi ngân sách ước thực hiện hơn 391,1 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch tỉnh giao và tăng 31% so với năm 2019.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được những kết quả khả quan. Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp học với bậc tiểu học là 99,3%, bậc THCS là 99,5%. Công tác y tế được chú trọng, không để xảy ra các ổ dịch bệnh ở người. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng lan tỏa, phát huy hiệu quả tích cực. Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện có 57 công sở, 44 làng và 7.857 hộ gia đình văn hóa. Cũng trong năm 2020, huyện Ia Pa giảm 5,5% hộ nghèo. Công tác chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, đầy đủ với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng.

Tập trung triển khai nhiệm vụ năm 2021

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), Huyện ủy và UBND huyện Ia Pa tập trung lãnh đạo, điều hành các ngành, địa phương hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo đó, huyện phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 11,45%, trong đó, nông nghiệp tăng 6,5%, công nghiệp-xây dựng tăng 15,5%, thương mại-dịch vụ tăng 14,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: nông-lâm nghiệp chiếm 54,4%, công nghiệp-xây dựng 26,6%, thương mại-dịch vụ 19%. Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người lên 38 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 16,78 tỷ đồng.

Bộ đội giúp người dân làng Bi Giông (xã Pờ Tó) di dời nhà. Ảnh: Thiên Di
Bộ đội giúp người dân làng Bi Giông (xã Pờ Tó) di dời nhà. Ảnh: Thiên Di


Huyện Ia Pa đề ra mục tiêu trong năm 2021 giảm hơn 2% hộ nghèo. Song song với đó, huyện vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đầu tư, bao tiêu sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện có hiệu quả công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Đối với lĩnh vực văn hóa-xã hội, năm 2021, huyện tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học; phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt chương trình 
giảm nghèo bền vững, huy động các nguồn lực hỗ trợ các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có 45 làng văn hóa, 8.000 hộ gia đình văn hóa, 59 đơn vị công sở văn hóa; thực hiện đúng chế độ các chính sách an sinh xã hội đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội.

Khu tái định cư làng Blôm (xã Kim Tân) với diện mạo mới khang trang. Ảnh: Vũ Chi
Khu tái định cư làng Blôm (xã Kim Tân) với diện mạo mới khang trang. Ảnh: Vũ Chi


Huyện cũng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các ngành, địa phương đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện và hoàn thành kế hoạch tuyển quân; rà soát, công khai thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính và quyết liệt trong công tác cải cách hành chính.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Tuấn cho biết thêm: “Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực để thực hiện. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương hướng dẫn nhân dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất và lựa chọn các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, thu nhập.

Với lĩnh vực nội chính thì tăng cường theo dõi việc thực thi pháp luật trên các lĩnh vực; chủ động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng triển khai công tác an sinh xã hội, phòng-chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19”.
 

 THIÊN DI