Chuyện ngày Tết: Chái bếp - thanh xuân của "má"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vào dịp Tết, má vẫn lọ mọ trong chái bếp nấu những bữa ăn cho gia đình. Trong những ngày này, má miệt mài sớm tối, không ngơi tay. Dù nhà đã có bếp điện, nhưng má nói chái bếp là thanh xuân, là linh hồn của má, má không bỏ được.
 

Chái bếp - nơi gắn liền với thanh xuân của má và những kỉ niệm về ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Dy.
Chái bếp - nơi gắn liền với thanh xuân của má và những kỉ niệm về ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Dy.


Người quê tôi mộc mạc, giản dị và có thói quen bao nhiêu đời nay luôn xây nhà và chừa lại một khoảng đất phía sau để làm chái bếp.

Khác hẳn với sự kiên cố của các bức tường được xây từ những viên gạch ở nhà trên, chái bếp được xây bằng bùn non trộn với rơm rạ và đắp thành một cái gian nho nhỏ. Bức tường đó, theo năm tháng đã ngả màu.

Má tôi gọi chái bếp là "thanh xuân" của bà, bởi đây là nơi má giữ hạnh phúc gia đình bằng những bữa cơm ấm cúng. Là nơi gắn liền với thời con gái của má trong mấy mươi năm qua.

Má kể ngày trước má lấy chồng sớm, 18 tuổi đã về làm dâu. 19 tuổi có chị hai. Đến nay, đã mấy chục năm trôi qua, má vẫn luôn âm thầm dậy sớm, thổi lửa, nấu cơm.

Thuở còn nhỏ, mỗi khi thức dậy, muốn kiếm má, tôi đều chạy ra chái bếp sau nhà. Mỗi lúc trời lạnh, sương rơi dày, ngồi bên má, nghe tiếng củi nhóm lửa tí tách, mùi khói bếp tỏa lên lại thấy vui đến lạ.

Chái bếp vào những mùa mưa như "người ta đổ bệnh vậy". Bởi khi mưa, củi bếp ẩm ương, khó cháy. Cộng với đó, nước dột khắp cả chái bếp, má vừa nấu ăn vừa lấy từng thau hứng nước mưa. Có những ngày bão, trời mưa cả ngày, má còn mặc áo mưa để nấu cơm cho gia đình.

Những lúc như thế, má thường nấu cơm muộn hơn mọi ngày nhưng hương vị của bữa cơm nhà thì chả thiếu đi vị nào.

Vất vả là thế, tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe má than vãn một câu nào. Má nói, ngoài trách nhiệm một người làm "má" trong gia đình phải lo cơm nước thì với bà chái bếp như một người bạn theo bà từ thời thanh xuân.

Chái bếp cũng là nơi cất giấu nỗi buồn vương của má. Có những lúc, tôi thấy má rơi nước mắt. Tôi có hỏi vì sao nhưng má chỉ nói là do khói bếp. Khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là lúc má và ba tôi giận nhau và khói bếp là nơi giúp che giấu nỗi buồn của má.

Vào dịp Tết, tôi về nhà, căn nhà trên không thấy má đâu. Tôi ùa ra chái bếp và biết chắc má đang ở đấy. Bây giờ, chái bếp đã không còn nguyên vẹn như xưa, những vách tường bùn non dần gỡ bỏ mà thay vào đó là tường gạch xây thô sơ. Nhưng hình ảnh một chái bếp đơn sơ như vậy vẫn còn đó.

Má tôi là vậy, dù sau nhiều năm đi làm, các chị em tôi đã đủ tiền xây cho má một mái nhà khang trang, một căn bếp có các thiết bị điện nhưng má ít khi dùng. Má nói bà quen với mùi khói bếp, quen với việc thổi lửa, nấu cơm. Má còn cười tôi rằng: "Không phải ngày trước cứ đòi má nấu cơm củi để có cháy ăn hay sao?".

Ở tuổi U70, má đã không còn khỏe như thời con gái. Nhiều bệnh tuổi già cũng ập đến, nhất là bệnh về cột sống khiến má duy chuyển ít linh hoạt hơn. Nhưng bữa cơm Tết bao giờ cũng được má làm tươm tất đến lạ. Má nói rằng: "Không biết còn nấu thêm được bao nhiêu mùa cơm Tết nữa, nhưng còn sức khỏe, vẫn còn muốn nấu tiếp". Má còn nói đùa rằng, năm nào về nhà thấy má không ở chái bếp là biết má bị "bệnh lười" của tuổi già rồi.

Nghe má nói, tôi sụt sùi nước mắt. Tuổi trẻ của tôi xa nhà và mưu sinh ở nơi đất khách quê người, có những lúc chỉ muốn được sà vào lòng má trong những bữa cơm Tết. Ngồi bên má, hông khô tóc, ngửi mùi rơm rạ cháy nơi chái bếp lại thấy bao bộn bề, khó khăn ngoài kia đều tan biến.

 

https://laodong.vn/chuyen-nha-minh/chuyen-ngay-tet-chai-bep-thanh-xuan-cua-ma-879781.ldo

Theo ĐÔNG DU (LĐO)