Ngôi nhà kế hoạch nhỏ: Chung tay bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngôi nhà kế hoạch nhỏ ở các trường học trên địa bàn huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần giáo dục ý thức phòng-chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng nguồn quỹ giúp học sinh nghèo vươn lên trong học tập.
Trong 2 năm học vừa qua, các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Ma Rơn) đã quen với hình ảnh “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” xinh xắn nằm trong khuôn viên trường. Ngôi nhà được trang trí đẹp mắt với các khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu như: “Vì một Việt Nam xanh”, “Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn”… Ngôi nhà chia làm 3 ngăn, phía trước mỗi ngăn có khe hở với dòng chữ hướng dẫn: vỏ lon, giấy vụn, chai nhựa để học sinh dễ dàng phân loại rác thải. Từ việc thu gom rác thải hàng ngày, Liên Đội tổng hợp thành quả theo tháng, bán gây quỹ thực hiện phong trào và các hoạt động Đội.
Em Lương Thị Quỳnh Nhi (học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng) vui vẻ nói: “Trước đây, chúng em thường thu gom rác thải đổ xuống hố rác rồi đốt bỏ. Từ khi có “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, chúng em được thầy cô hướng dẫn cách phân loại rác thải để bảo vệ môi trường kết hợp gây quỹ. Bây giờ, trường em lúc nào cũng sạch, không còn chai nhựa hay giấy vụn vứt lung tung”.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong phân loại rác thải bỏ vào “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Ảnh: Vũ Chi
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong phân loại rác thải bỏ vào “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Ảnh: Vũ Chi
Là người khởi xướng mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” trong trường học, thầy R’Ô Thanh-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng-cho hay: Qua những buổi tập huấn, giao lưu giữa các Tổng phụ trách Đội, tôi học hỏi được nhiều cách làm hay vừa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, vừa góp phần tạo cảnh quan trường lớp xanh-sạch-đẹp. Năm học 2018-2019, mô hình được triển khai tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Chư Răng) mang tên “Ngôi nhà 200 đồng”. Năm học 2020-2021, sau khi chuyển công tác về Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tôi tiếp tục thực hiện.
Theo thầy Thanh, phong trào kế hoạch nhỏ trong trường học đã có từ lâu. Cụ thể, định kỳ 1-2 lần/năm học, Liên Đội phát động học sinh thu gom giấy vụn bán gây quỹ hoạt động phong trào. Tuy nhiên, phong trào thường diễn ra nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Khi mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” ra đời, thay vì bỏ rác thải tập trung, học sinh biết cách phân loại rác thải và hơn hết hình thành ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài thu gom rác thải tại trường, Liên Đội còn thường xuyên phát động học sinh thu gom rác thải tại nơi ở về ngôi nhà chung. Liên Đội đánh giá, biểu dương những cá nhân có nhiều đóng góp để khích lệ các em. “Sau gần 1 năm, Liên Đội đã gây quỹ được gần 2 triệu đồng từ nguồn phế liệu thu gom được. Số tiền này dùng để mua sách vở, đồ dùng học tập tặng các bạn học sinh nghèo vượt khó của trường”-thầy Thanh chia sẻ.
Ngôi nhà kế hoạch nhỏ giúp các bạn học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Ia Trok) nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Vũ Chi
"Ngôi nhà kế hoạch nhỏ" giúp các em học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Ia Trok) nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Vũ Chi
Thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn không khó. Rác thải nhựa, giấy vụn có thể tái chế để sử dụng, một số có thể làm thức ăn gia súc, đốt lấy tro làm phân bón. Vì vậy, tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Ia Trok), bên cạnh việc bố trí các thùng rác cố định, Liên Đội làm thêm “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” để học sinh và giáo viên tham gia phân loại rác thải ngay tại nguồn, giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. Đây cũng là hoạt động góp phần giúp nhà trường hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trong năm học này. Cô Ksor Hạnh-Tổng phụ trách Đội-cho biết: Mô hình nhằm giáo dục ý thức phòng-chống rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường đến tất cả học sinh, giáo viên. Mỗi ngày, các em góp 1 chai nhựa, mỗi tháng Liên Đội có thể giúp đỡ được 1 bạn học sinh nghèo.
Em Rcom H’Mai Ka (học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong) bộc bạch: “Em thấy “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” rất có ích, giúp chúng em phân biệt được loại rác thải nào có thể tái chế, loại nào thì không. Năm học trước, em được thầy cô mua tặng vở và đồ dùng học tập từ tiền bán phế liệu. Em cảm ơn thầy cô và các bạn rất nhiều. Em cũng sẽ cố gắng thu gom thêm rác thải cho ngôi nhà chung để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn như em”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Danh Luận-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa-cho biết: Thông qua các phong trào và mô hình cụ thể, nhiều trường học đã chung tay giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” là hình thức khuyến khích học sinh phân loại và thu gom rác thải rất hiệu quả; giúp hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường cho các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mặt khác, giáo dục các em tinh thần đoàn kết, sẻ chia giúp đỡ các bạn học sinh nghèo vươn lên trong học tập. Những “việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn” đang được lan tỏa, góp phần xây dựng trường lớp xanh-sạch-đẹp-văn minh.
VŨ CHI