Nên sớm di dời khu dân cư bị ô nhiễm ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 20 năm qua, 21 hộ dân ở thôn 2 (xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ hoạt động sản xuất của Nhà máy Đường An Khê. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.


Chỉ tay về phía trần, nền nhà và các vật dụng sinh hoạt bị bám đầy bụi đen, bà Tô Thị Kim Oanh cho biết: Đây là tro bụi phát sinh từ quá trình hoạt động của Nhà máy Đường An Khê.

“Từ khi Nhà máy Đường An Khê đi vào hoạt động, cuộc sống của gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi tiếng ồn, khói bụi và mùi hôi. 3 đứa cháu ngoại thường xuyên bị ho, chảy máu mũi, 1 cháu bị viêm phế quản. Riêng tôi thường xuyên bị đau đầu, tức ngực và mất ngủ. Rất mong Nhà máy sớm có kế hoạch di dời để chúng tôi được đến nơi ở mới”-bà Oanh kiến nghị.

Bà Tô Thị Kim Oanh cho biết, các vật dụng trong gia đình bị bám đầy bụi đen phát sinh từ hoạt động của Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Nhật Hào
Bà Tô Thị Kim Oanh cho biết, các vật dụng trong gia đình bị bám đầy bụi đen phát sinh từ hoạt động của Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Nhật Hào

Cũng trong tâm trạng bức xúc, bà Võ Thị Xuân Thương cho hay: “Những năm trước, Nhà máy có hỗ trợ chúng tôi chi phí khám, điều trị bệnh da liễu nhưng nay thì không. Cuộc sống của chúng tôi đang từng ngày phải đối diện với khói bụi, tiếng ồn và mùi hôi rất kinh khủng. Đề nghị Nhà máy sớm có kế hoạch hỗ trợ để chúng tôi di dời đến nơi ở mới”.

Mặc dù đã có kế hoạch đền bù, nhưng bà Nguyễn Thị Trưng lại cho rằng khoản đền bù của Nhà máy Đường An Khê chưa tương xứng. Bà Trưng cho biết: “Chúng tôi muốn di dời đến nơi ở mới để đảm bảo về sức khỏe. Tuy nhiên, nhà tôi ngoài đất ở ra còn có hơn 2 sào đất nông nghiệp nằm sát với khu xử lý chất thải của Nhà máy, song giá đền bù vẫn chưa tương xứng. Vì vậy, tôi mong Nhà máy Đường An Khê xem xét lại mức hỗ trợ để chúng tôi có thêm khoản tiền mua đất, làm nhà”.

Ông Trần Văn Tư-Trưởng thôn 2-khẳng định: Hoạt động của Nhà máy Đường An Khê đã ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân thôn 2 gần 20 năm nay. Trong đó có 21 hộ ở sát Nhà máy chịu ảnh hưởng trực tiếp.

“Thế nhưng, các đợt đo tiếng ồn, lấy mẫu quan trắc nước thải của ngành chức năng tại Nhà máy đều cho kết quả không vượt các quy chuẩn cho phép là rất vô lý. Mới đây, người dân tiếp tục bức xúc vì khói bụi, mùi hôi và nước thải của Nhà máy. Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp về đo đạc, lấy mẫu nước để kiểm tra, quan trắc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”-ông Tư cho biết.

Người dân thôn 2 (xã Thành An) chỉ tay về khu vực xử lý nước thải của nhà máy gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh: Nhật Hào
Người dân thôn 2 (xã Thành An, thị xã An Khê) chỉ cho phóng viên khu vực xử lý nước thải của Nhà máy Đường An Khê gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nhật Hào

Cũng theo ông Tư, trước đó, chính quyền địa phương, Nhà máy Đường An khê và người dân cũng đã có nhiều buổi đối thoại và thống nhất phương án xử lý, trong đó, sẽ di dời 21 hộ ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay, Nhà máy mới có kế hoạch đền bù và di dời 11 hộ. Số hộ còn lại chỉ cách 11 hộ dân đã có kế hoạch di dời một con đường rộng 5 m. Như vậy, mức độ chịu ô nhiễm cũng tương đương nhau.

“Hàng ngày, họ vẫn phải gồng mình chịu đựng mùi hôi thối, tiếng ồn và khói bụi từ Nhà máy. Chúng tôi đề nghị Tổng Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi và Nhà máy Đường An Khê sớm di dời 10 hộ dân còn lại để họ có cuộc sống đảm bảo hơn”-ông Tư nói.

Trao đổi với P.V, ông Đặng Quốc Hoài Huy-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Khê-thông tin: Đến nay, Nhà máy đã có kế hoạch đền bù và di dời 11 hộ (trong đó có 2 hộ không chấp thuận về chi phí đền bù nên chưa di dời). “Đại diện thị xã đã nhiều lần làm việc với Nhà máy Đường An Khê để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Mới đây, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Nhà máy sớm di dời 10 hộ dân còn lại. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn chưa có phản hồi”-ông Huy cho hay.

NHẬT HÀO