Lang thang Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhét vội tấm bằng tốt nghiệp đại học và bộ hồ sơ xin việc vào ba lô, tôi bắt xe lên phố núi Pleiku. Tôi quyết định lập nghiệp ở mảnh đất Tây Nguyên lộng gió này bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, có một điều đã cuốn hút tôi từ những chuyến đi trước: Đó là những điều rất đặc biệt, chỉ riêng có ở Phố núi Pleiku.
1. Ấn tượng đầu tiên của tôi, ngay từ lần đầu đặt chân đến Phố núi Pleiku là những con dốc dài và những con hẻm nhỏ hun hút sâu. Khoảnh khắc đó, cũng tầm tháng này của năm 1991. Kể ra lý do chuyến đi này, cũng lạ: Chẳng bạn bè, không người thân thích, chưa biết bất cứ một chút gì về vùng đất Tây Nguyên, ấy vậy mà vẫn đi. Là do trước đó mấy hôm, dạy học trò bài “Hồ Tơ Nưng”-dạy cứ như… “hát hay” mà chẳng biết tý gì về hồ Tơ Nưng. Vậy là đi!
Xe dừng ở bến tầm gần bảy giờ tối. Vứt ba lô vào phòng trọ vừa lấy ngay trong bến xe, tôi đút tay túi quần, bắt đầu… lang thang. Đường Hùng Vương được xem là một trong những con đường chính, đường lớn nhất của thị xã Pleiku ngày ấy. Con đường trập trùng với con dốc dài hun hút về hướng Diệp Kính. Từ đầu dốc nhìn xuống, hàng đèn đường mờ ảo đuổi theo những con dốc lên xuống trập trùng như những chiếc võng mềm mại ai đó đã mắc trên màn sương mỏng. Giờ ở Pleiku đã có thêm những con đường mắc võng trong sương như: Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Thống Nhất…
Đêm. Lạnh. Có biết đâu Pleiku mùa này lạnh đến vậy. Tôi ghé quán cháo lòng ở ngã ba Diệp Kính, xì xụp húp, rồi về phòng trọ.
Sáng hôm sau là hành trình khám phá Biển Hồ-hồ Tơ Nưng.
Bên cạnh những con dốc dài với hàng đèn đường mắc võng trong sương thì những con hẻm nhỏ hun hút sâu cũng gây ấn tượng mạnh cho những người lần đầu đến đây.
Pleiku có một điểm lạ là ngay trong lòng thành phố, có không ít những con suối lớn bé, những hồ nước thiên nhiên, hoặc những cánh đồng. Ví như suối Đá, suối Hội Phú, hồ Diên Hồng, rồi những cánh đồng lúa nước vốn là những miệng núi lửa đã yên nghỉ từ hàng triệu năm về trước.
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên
2. Nhắc đến Pleiku không thể không nhắc đến cà phê. Cà phê Pleiku ngon, miễn bàn. Quán cà phê ở Pleiku đẹp, không cần tranh cãi.
Ở Pleiku, có những quán cà phê được đầu tư hàng chục tỷ đồng. Có quán rộng rãi, thoáng đãng với không gian cho trẻ con chơi đùa, để người lớn yên tâm nhâm nhi ly cà phê và trò chuyện; có quán trầm mặc đầy vẻ sang trọng, lịch lãm với hương vị của ly cà phê nóng, quyện với âm hưởng du dương của một bản sonata của Beethoven phát ra từ cây dương cầm mà ai đó đang nhẹ lướt trong góc quán. Tuy nhiên, tôi lại hay ngồi ở những quán cà phê ngay góc phố.
Cà phê góc phố ở Pleiku nhiều lắm. Ở những ngã ba, ngã tư đường, có những quán cà phê mà ngồi ở đó, bạn có thể quan sát được cái nhộn nhịp mỗi đầu giờ, cái tĩnh lặng của buổi trưa yên tĩnh, cái man mác buồn của chiều thu vắng lặng.
Cà phê góc phố Pleiku rẻ và ngon. Ở đó, có anh nhà báo đang kỳ cạch với chiếc máy tính, có cô nhà thơ đang chống cằm dõi vào cõi xa xăm; có anh xe ôm tranh thủ gọi một ly cà phê đen nóng trong lúc chờ khách; ở đó còn diễn ra những cuộc họp chớp nhoáng đầu ngày, triển khai công việc của một nhóm người đang làm việc cho một công ty nào đó…
Mùa này, ngồi ngoài vỉa hè của quán cà phê Cochin ở góc phố Tăng Bạt Hổ-Hoàng Văn Thụ, bên ly cà phê nóng, bạn sẽ được thưởng thức cái se lạnh đầu mùa khô Tây Nguyên. Dõi mắt theo đường Tăng Bạt Hổ về hướng Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, bạn sẽ thấy nao lòng với những hàng cây xà cừ hai bên đường lay động trong gió, khẽ rùng mình trút lớp lớp lá vàng rơi-khác nào mùa thu vàng ở một xứ sở xa xôi nào đó.
Góc phố Lý Tự Trọng-Phan Đình Phùng có quán cà phê Hải Yến mà tôi hay ngồi: Một cái bàn nhỏ đủ cho một mình, ngay sát góc tường có cái cửa sổ hướng ra góc phố. Ở đây, có đủ yên tĩnh để làm việc; có đủ thông thoáng để ngắm dòng người xe miệt mài qua phố; hay đơn giản, chỉ là để nghe tiếng ga nhấn nhẹ khi một chiếc xe trườn lên dốc Lý Tự Trọng…
Nhiều lắm những quán cà phê góc phố. Gần ba mươi năm, tôi đã có mặt đủ ở những quán như vậy. Bạn hãy đến mà xem, dù chỉ một lần!
3. Hiệp-bạn tôi, dân gốc Pleiku, đến tận phòng trọ rủ tôi đi ăn sáng nhân dịp tôi vừa được nhận vào thử việc sau khi nộp hồ sơ xin việc. Hiệp chở tôi đến quán phở Ngọc Sơn, hồi đó còn nằm trên đường Hùng Vương. Vừa kéo ghế ngồi, cô nhân viên đon đả chạy lại. Hiệp gọi ngắn gọn: “Cho hai tô nhé”. Ở đây chỉ bán duy nhất một món là phở khô. “Cho hai tô nhé”, nghĩa là hai tô phở khô, mỗi người một tô, không cần phải hỏi lại. Nhưng lạ là lát sau, cô nhân viên bê khay ra, trên đó có đĩa rau, hai chén tương và… 4 tô. Hóa ra, 1 tô bánh và 1 tô nước, còn gọi là phở… hai tô.
Về món này, tôi không dám bàn bởi nhiều người đã viết quá hay rồi.
Pleiku còn có món “độc” mà trót ăn một lần là khó quên: bún mắm cua hay còn gọi là bún thối. Nhớ ngày chưa có vợ, thỉnh thoảng tôi cùng một đám bạn kéo nhau ra chợ Nhỏ đường Lê Lợi ăn bún thối. Bún thối đường Lê Lợi ngon số 1 Pleiku. Ai ăn không quen thì không ngửi được mùi, còn với tôi, mỗi lần đến đây là một chồng 5 cái tô sạch bóng.
Tôi có ông bạn thân tên Phong làm nghề gõ đầu trẻ mãi tận Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định). Hễ bất cứ lúc nào có dịp là anh ấy lại lên Pleiku. Món ăn không thể thiếu với anh này là bún thối ở chợ đêm đường Nguyễn Thiện Thuật. Phong có thể ngồi đây hàng giờ hoặc hơn thế nữa để ăn bún thối và để thưởng thức cái tất bật lẫn bừa bộn của chợ đêm.
Mà thôi, tôi không kể nhiều về những địa danh, những quán cà phê hay những món ngon Pleiku. Hãy đến với Pleiku, mùa này-mùa đẹp nhất trong năm để bạn tự cảm nhận!
TRẦN ĐĂNG LÂM