Định hình bản sắc du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội đồng nhân dân TP. Pleiku vừa thông qua Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đưa ra mục tiêu phát triển Phố núi trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Đây là định hướng đúng đắn bởi du lịch xanh, vì sức khỏe được dự báo là xu hướng của tương lai.
“Cao nguyên xanh vì sức khỏe”
Xây dựng và cơ cấu lại ngành du lịch theo định hướng phát triển bền vững, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của TP. Pleiku. Trong đó, “ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với cảnh quan rừng, miệng núi lửa, hồ nước, du lịch xanh thân thiện với môi trường, các sản phẩm du lịch gắn với vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (vườn cây ăn trái, cánh đồng hoa, rau củ quả…” được nêu rõ trong Nghị quyết. Như vậy, cùng với các loại hình du lịch văn hóa-lịch sử gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, đô thị, định hướng phát triển du lịch của thành phố còn đón đầu xu hướng du lịch thời kỳ hậu đại dịch và tương lai.
Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), sau các đợt dịch bùng phát, hình thái du lịch thiên nhiên chiếm ưu thế trong lựa chọn của khách nội địa. Các chuyên gia du lịch cũng dự báo du khách sẽ tìm kiếm các sản phẩm có không gian mở bởi tâm lý cần được an toàn trong dịch bệnh. Đây chính là cơ hội cho du lịch Pleiku phát triển. Với diện tích tự nhiên trên 26 ngàn ha, không gian núi đồi, hồ nước tự nhiên rộng lớn, thoáng đãng và vùng khí hậu lý tưởng, mát mẻ quanh năm, Pleiku có những yếu tố thuận lợi để đáp ứng các tiêu chí của du lịch xanh, phù hợp với xu hướng du lịch hậu đại dịch. Ngoài ra, các homestay, farmstay ngày càng nở rộ ở khu vực nội thành lẫn vùng ngoại vi góp phần mở rộng và đa dạng hóa không gian du lịch Pleiku. Một đặc trưng khác của thành phố cao nguyên là có những ngôi làng trong phố in đậm văn hóa bản địa như Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Wâu (xã Chư Á), Plei Ốp (phường Hoa Lư), làng Chuét (phường Thắng Lợi); những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Đây là những tài nguyên để thành phố mở rộng biên độ khai thác loại hình du lịch xanh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho rằng: Những năm gần đây, công tác quảng bá, tiếp thị du lịch của Gia Lai thành công ở chỗ nhắc tới Phố núi Pleiku, du khách nghĩ tới không gian rộng lớn chứ không phải bó hẹp trong lòng đô thị. Đó là những “vệ tinh” xung quanh Pleiku như núi lửa Chư Đang Ya, Biển Hồ, những đồng cỏ, rừng hoa muồng vàng, đồn điền chè rộng lớn, những “cây di sản” ở các “làng trong phố”… làm cho du khách ấn tượng về một thành phố cao nguyên hài hòa với thiên nhiên. Với lợi thế ấy, bản sắc du lịch Phố núi hậu đại dịch chính là “cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Góp sức phát triển du lịch
Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, TP. Pleiku đã tổ chức một số diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đơn vị kinh doanh du lịch-dịch vụ, truyền thông “hiến kế”, giúp dự báo xu hướng và định hướng xây dựng các sản phẩm phù hợp, đồng thời kêu gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho ngành “công nghiệp không khói”. Tham gia hiến kế cho du lịch thành phố, ông Hà Trọng Hải-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-nêu quan điểm: Phát triển du lịch Phố núi không thể tách rời với bản sắc đô thị. “Pleiku có tài nguyên vô cùng to lớn là nằm trên nhiều đỉnh đồi, nhiều con dốc, tạo nên dáng hình đô thị gây ấn tượng về thị giác. Cái lõi nguyên thủy của cảnh quan Phố núi đó chính là thành phố cây xanh. Những ngôi làng cũng góp phần tạo nên vành đai xanh cho Phố núi. Trong xu hướng du lịch hậu đại dịch, du khách có xu hướng quay về với thiên nhiên. Vì thế, du lịch Phố núi sẽ có nhiều cơ hội xây dựng các tour du lịch xanh phù hợp. Đó không chỉ là cảnh quan do thiên nhiên ban tặng mà là hệ sinh thái bao gồm cả sản phẩm du lịch, lối sống con người”-ông Hải nói.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Trong định hướng phát triển du lịch bền vững, thành phố khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn lực. Khi người dân tham gia vào ngành “công nghiệp không khói”, có việc làm và thu nhập từ hoạt động này (như kinh doanh homestay, ẩm thực truyền thống, bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản vật địa phương…), họ sẽ có ý thức làm phong phú thêm sản phẩm và bảo vệ tài nguyên, môi trường”.
Thành phố Pleiku đã có bước chuẩn bị nền tảng phát triển du lịch bền vững từ cộng đồng, kết hợp với phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mang tính chuyên nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, thành phố phối hợp mở 4 lớp truyền dạy cồng chiêng và 4 lớp bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân các làng; tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ, quản lý; tập huấn nhân lực tham gia các mô hình hợp tác xã du lịch, hướng dẫn các hộ gia đình bản địa tham gia làm du lịch ở Plei Ốp… Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố cũng khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch với phương châm “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên”.
 
HOÀNG NGỌC