Cần có tầm nhìn mới về du lịch Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thắng cảnh Biển Hồ thuộc quần thể “Khu du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ-Chư Đang Ya” nằm trong danh sách các khu du lịch quốc gia trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. 
Sau khi Dự án tái phục chế tượng Quan Thế Âm Bồ Tát do Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức phát tâm xây dựng, diện mạo của Biển Hồ có những thay đổi tích cực. Du khách đến với Biển Hồ ngày càng đông hơn. Nhưng để du lịch Pleiku ngày một phát triển thì không chỉ khu du lịch Biển Hồ mà cần có chiến lược phát triển đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan và xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để tạo điểm nhấn cho Phố núi.
Trước hết, các con đường dẫn đến Biển Hồ (đường Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Ngô Quyền và Phạm Hùng) đã hoàn thiện. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thì cần hoàn thiện những con đường xung quanh Biển Hồ kết nối với Chư Đang Ya thành một vòng tròn, các con đường vòng tròn này được thiết kế 2 làn xe để đảm bảo giao thông thông suốt.
Về kiến trúc cảnh quan, cần quy hoạch xây dựng kiến trúc nhà cửa và trồng cây xanh một cách hợp lý; bố trí hài hòa giữa việc xây dựng kiến trúc độc đáo phù hợp với khung cảnh thơ mộng của Biển Hồ. Trên con đường vòng quanh Biển Hồ cần bố trí cầu bắc ngang các đoạn hẹp. Mỗi cây cầu được thiết kế với kiến trúc khác nhau, mang đậm bản sắc Tây Nguyên đại ngàn và tên gọi gắn với lịch sử lâu đời của Pleiku.
Danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Phan Nguyên
Danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Phan Nguyên
Cùng với đó, thành phố cần lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và những tác phẩm nghệ thuật trên các con đường vòng quanh Biển Hồ và trên các cây cầu. Có thể tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tác phẩm đẹp nhất để triển khai thực hiện. Hệ thống ánh sáng này cần được lắp đặt bằng tấm pin năng lượng mặt trời, phù hợp với xu thế tiết kiệm điện năng và bảo vệ môi trường. 
Trồng cây xanh trên con đường vòng quanh Biển Hồ cũng là việc cần làm. Vì việc này có thể tiến hành được ngay mà không tốn nhiều kinh phí. Có thể nghiên cứu trồng những loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như: thông, mai anh đào, muồng vàng... Đến mùa hoa khoe sắc, con đường này sẽ trở nên đẹp hơn, thu hút lượng khách đến du lịch nhiều hơn.
Phố núi Pleiku có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc các dân tộc. Do đó, cần chú trọng bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa, phải bảo tồn văn hóa cồng chiêng, văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Sưu tầm các loại nhạc cụ, các tác phẩm dân gian của người Jrai, Bahnar trưng bày tại các địa điểm du lịch. Tổ chức các lớp học nhạc cụ đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Duy trì và phát huy văn hóa ẩm thực, đảm bảo khách du lịch đến Pleiku được tận hưởng cảm giác thân thiện. Tổ chức sản xuất nhiều mặt hàng lưu niệm, xây dựng văn hóa bán hàng cho khách du lịch, cam kết niêm yết đúng giá bán, không chặt chém.
Thiên nhiên đã ban tặng Biển Hồ-Chư Đang Ya cho người dân Gia Lai. Đây là 2 danh thắng có vị trí rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Nếu được đầu tư xứng tầm sẽ là những viên “kim cương” lấp lánh trong tương lai.
NGUYỄN QUANG QUÝ